“Chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hoá khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta”.
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia tổ chức sáng nay (13/1). Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 15.345 điểm cầu điểm cầu và trên 978.500 đại biểu các cấp cả nước tham dự.
Tổng Bí Thư Tô Lâm kêu gọi “Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS không chỉ là do sự lựa chọn, mà còn là con đường sống còn, lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng sống”. (Ảnh chụp từ màn hình)
Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển; Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Hội nghị đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia gồm 19 thành viên, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban; Phó ban là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo khác.
Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua. Đồng thời, quán triệt, triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Hiện nay, nước ta có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện có gần 900 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%; công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều hạn chế, yếu kém trên lĩnh vực này: tốc độ và sự bứt phá về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia còn chậm, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển. Nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi.
Việc huy động các nguồn lực cho KHCN và nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa hiệu quả, trong đó chi cho KHCN chưa đạt mức quy định tối thiểu 2% tổng chi NSNN (năm 2023 chỉ đạt 0,82%) và chi cho R&D mới đạt khoảng 0,67% GDP (trong đó mức trung bình của các nước phát triển là 2-5% GDP).
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS Quốc gia. Đây là nghị quyết rất quan trọng của Đảng. Đảng ta xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS là yếu tố quyết định phát triển của đất nước, là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS Quốc gia. (Ảnh chụp từ màn hình)
Nghị quyết đề ra các mục tiêu cụ thể tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia. Trong đó nhấn mạnh, Đảng và nhà nước luôn quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 luật liên quan nội dung này. Đặc biệt 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, trong đó có quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến KHCN và CĐS.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia. (Ảnh chụp từ màn hình)
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về thể chế để thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, đề nghị 8 nhiệm vụ giải pháp đột phá. Trong đó, thống nhất nhận thức mọi hành động xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS là nhiệm vụ chiến lược cua rtoàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động với các chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay, các cấp uỷ, chính quyền cần cụ thể hoá nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn. Lấy kết quả triển khai làm tiêu chí để đánh giá thi đua khen thưởng, lãnh đạo yếu kém thiếu trách nhiệm sẽ thay thế ngay không để đất nước bỏ lỡ những cơ hội phát triển.
Phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách trong năm 2025 càng sớm càng tốt. Phải hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định về pháp luật, cơ chế, chính sách, tháo gỡ hết những điểm nghẽn, rào cản để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Khẩn trương sắp xếp bộ máy KHCN ngay trong quý I/2025, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ; Phải ưu tiên, bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm. Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia.
Ngoài ra, phải nhanh chóng triển khai nguồn nhân lực chất lượng cao, ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài khoa học công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế với các chính sách hấp dẫn; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ bao gồm công nghệ số ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hạ tầng như đã nêu trong Nghị quyết 57.
Đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học bán dẫn và năng lượng tái tạo. Chúng ta phải biết cách đứng trên vai của những người khổng lồ thu hút đầu tư từ những tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. (Ảnh minh hoạ)
“Toàn đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, đưa nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS không chỉ là do sự lựa chọn mà còn là con đường sống còn, lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng sống. Với nền tảng chính trị pháp lý vững chắc và sự đồng thuận, tôi tin rằng, nghị quyết sẽ tạo ra những bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững”, Tổng Bí thư kêu gọi.
Hồng Nhung