(CMO) Bệnh tim luôn là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, không chỉ với người trưởng thành ngay cả với đối tượng trẻ em. Vì thường bệnh tim sẽ diễn tiến tương đối nhanh, ít có những triệu chứng rõ ràng từ trước và tỷ lệ tử vong là khá cao.
Bác sĩ Trương Minh Kiển, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: "Bệnh cơ tim giãn nở ở trẻ em đôi khi không thể chẩn đoán rõ ràng trên lâm sàng nên cần phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng, như chụp MRI, chụp cắt lớp CT, chụp X-quang lồng ngực... hỗ trợ để có thể chẩn đoán xác định qua hình ảnh cơ tim bị phì đại, tăng thể tích tim”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, thông thường giai đoạn đầu khi mới bị bệnh thường không có triệu chứng tim mạch rõ ràng, như khó thở, đau tức ngực. Thế nhưng, khi bệnh tiến triển thì có thể thấy các biểu hiện trẻ bị đau tức ngực, khó thở thường xuyên, khó thở tăng lên về đêm. Do cung lượng tim không tăng khi gắng sức sẽ gây cho bệnh nhân cảm giác khó thở.
Các biểu hiện điển hình mà các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đối với trẻ có dấu hiệu bệnh tim là ho nhiều, ho kéo dài kèm theo đau đầu; chán ăn, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc; phù sưng bàn chân và mắt cá chân. Mạch nhanh hoặc không đều, hồi hộp trống ngực. Trẻ đi tiểu ít hơn so với bình thường… Các bệnh tim mạch phổ biến ở trẻ em bao gồm bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim do nhiễm vi-rút và thậm chí bệnh tim mắc phải là do hậu quả của một số căn bệnh hay hội chứng di truyền hiếm gặp. Trên thực tế, các dạng bệnh tim phổ biến ở trẻ em hầu như là bệnh tim thực thể, với tỷ lệ mắc phải là 8/1.000 trẻ sơ sinh. Ðối với những trẻ ở vào thể trạng béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và các vấn đề về sức khoẻ khác là những yếu tố dẫn trẻ em đến nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch. Bác sĩ khuyến cáo nên kiểm tra nồng độ cholesterol và huyết áp đối với những trẻ em có yếu tố nguy cơ như có tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và những trẻ bị thừa cân hay béo phì.
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau kiểm tra những dấu hiệu bất thường về tim mạch cho bệnh nhi.
Cháu Huỳnh Diễm My, 9 tuổi, con của anh chị Huỳnh Minh Diễn, ở ấp Kênh Chùa, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, bị căn bệnh thấp tim. Ðây là một căn bệnh nguy hiểm và có thể gây tổn thương vĩnh viễn ở cơ tim và van tim. Nếu không được điều trị và có biện pháp dự phòng kịp thời sau khi bị viêm họng hoặc sốt phát ban do liên cầu khuẩn, trẻ có thể mắc phải bệnh thấp tim. Anh Huỳnh Minh Diễn cho biết: “Trong nhiều năm qua, khi gia đình tôi đưa bé lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1, TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ ở đây cho biết, thấp tim thường gặp ở trẻ em từ 5-15 tuổi, tuy nhiên, các triệu chứng thường chỉ biểu hiện sau từ 5-20 năm. Bác sĩ nói căn bệnh này là hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách trị dứt điểm viêm họng do liên cầu bằng kháng sinh, nên tôi yên tâm điều trị cho con sớm được lành bệnh”.
Khi có những biểu hiện nêu trên, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi tầm soát tim bẩm sinh để có thể phát hiện sớm và điều trị tuỳ theo tình trạng của trẻ. Ðây là điều hết sức quan trọng đối với sự phát triển sau này của trẻ nên cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan. Hiện nay khi khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển, các phương pháp tầm soát bệnh cũng ngày càng hiện đại và chính xác hơn, những cặp vợ chồng hiện đại thường tầm soát bệnh cho con ngay từ khi mới sinh ra, điều này có thể giúp phát hiện sớm những căn bệnh đầu đời của trẻ nếu trẻ chẳng may gặp phải, nhất là đối với tim bẩm sinh. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi sẽ là rất cao./.
Phương Vũ