Nghèo đói, thiếu hiểu biết, chiến tranh, thiên tai, dịch hoạ... là những nguyên nhân, nguy cơ đe doạ trực tiếp đến sự phát triển, thậm chí cả sinh mạng của hàng triệu trẻ em trên thế giới. Cả thế giới hãy vào cuộc để không còn trẻ em nào bị thiệt thòi.
…Nghèo đói, thiếu hiểu biết, chiến tranh, thiên tai, dịch hoạ... là những nguyên nhân, nguy cơ đe doạ trực tiếp đến sự phát triển, thậm chí cả sinh mạng của hàng triệu trẻ em trên thế giới. Cả thế giới hãy vào cuộc để không còn trẻ em nào bị thiệt thòi.
“... Con người là cái vốn quý nhất. Thiếu nhi lại là cái vốn quý nhất trong cái vốn quý nhất đó. Và cũng chỉ có lớp thiếu niên, nhi đồng mới là nguồn hy vọng cho sự thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(*). Nói rộng hơn, sự tồn vong của một thể chế chính trị, quốc gia, một dân tộc và của cả hành tinh này trong tương lai đều do thế hệ trẻ hôm nay quyết định. Nếu chúng ta tạo mọi điều kiện tốt nhất chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục, rèn luyện để trẻ được phát triển toàn diện thì sau này trẻ sẽ trở thành những người hữu ích và ngược lại.
Bác Hồ căn dặn, “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân”, “trước hết, gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy”. Vì gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, dù xã hội có quan tâm, lo lắng, tạo điều kiện tốt đến đâu mà gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ thì trẻ em sẽ khó trở thành người hữu dụng của đất nước sau này. Và Bác cũng chỉ ra rằng, muốn trẻ được phát triển toàn diện thì “Các Ðảng uỷ... Uỷ ban Thiếu niên - nhi đồng, Ðoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể phải có kế hoạch thật cụ thể chăm sóc các cháu ngày càng khoẻ mạnh, tiến bộ. Các Tỉnh uỷ, Thành uỷ cần phải phụ trách, đôn đốc việc này cho có kết quả tốt”. Bởi, “ngày nay các cháu là nhi đồng. Ngày sau các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”. Trẻ em cần được chăm sóc về mọi mặt, từ sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí đến hoạt động đoàn thể.
Người cũng khẳng định, mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Nhằm đào tạo các cháu trở thành “người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Do vậy, trẻ em cần được giáo dục toàn diện, “không những có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng”.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trẻ em Việt Nam luôn được sống trong môi trường hoà bình, ngày càng được quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận trong xã hội, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, từng lúc, từng nơi, trong từng gia đình vẫn còn tình trạng trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn bị ngược đãi, bị xâm hại.
Không để bất cứ trẻ em nào bị thiệt thòi, đó là mục tiêu mà Ðảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang phấn đấu!
(*) Chủ tịch Tôn Ðức Thắng phát biểu trong Hội nghị các cấp uỷ Ðảng bàn về công tác thiếu niên, nhi đồng, tháng 3/1961
Bá Nhẫn