(CMO) Ðược đánh giá là một trong những khâu quan trọng nhất trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được rất nhiều chuyên gia, bác sĩ y tế đầu ngành khuyến cáo cần phải đảm bảo, tránh lây nhiễm chéo, làm hao tốn nhân lực trong lúc điều trị.
Bác sĩ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhấn mạnh: “Khâu kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng và có rất nhiều vấn đề cần phải làm. Do vậy, đối với công tác này, phải được bố trí chặt chẽ ngay từ ban đầu. Tất cả bệnh viện điều trị Covid-19 phải có sự phân công cụ thể vai trò người kiểm soát nhiễm khuẩn để điều phối chung trong quá trình vận hành. Từ phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm, nước thải, chất thải, kết hợp cùng các phòng khác để đảm bảo khu vực điều trị tốt, không lây nhiễm”.
Kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện từ khâu đầu tiên, từ nhân viên y tế mới vào, nhất là lực lượng y tế tăng cường, phải tầm soát tiêm đủ 2 liều vắc-xin, phải xét nghiệm trước khi đi vào lẫn đi ra. Ðặc biệt, khi nhân viên y tế tham gia trong khu cách ly điều trị, phải bố trí khu vực dành riêng cho đội ngũ này, phòng trường hợp không may bị nhiễm thành F0, hoặc F1 nguy cơ cao. Nơi đó sẽ dành cho nhân viên ở và có thể tham gia điều trị cho bệnh nhân khi có nhu cầu, bởi nhân viên y tế là F1 (được xét nghiệm 2 ngày/lần) vẫn có thể tham gia điều trị.
Khâu kiểm soát nhiễm khuẩn ở các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cần phải đảm bảo. |
Về phòng ngừa phơi nhiễm, sau mỗi ca trực nhân viên y tế phải tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cách ly khi cần thiết. Tất cả phải đảm bảo nguồn nhân lực trong quá trình điều trị. Sau ca trực, không tụ tập ăn chung bởi nguy cơ sẽ lây khi có một người trong số đó bị nhiễm.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, lưu ý: “Một nhân viên y tế dương tính mà khi ăn chung, chắc chắn một điều, các thành viên còn lại cũng sẽ dương tính. Do đó, nhân viên y tế buộc phải bố trí ăn riêng và lệch giờ”.
Các chuyên gia, bác sĩ thông tin, thông thường sau khi điều trị bệnh nhân Covid từ 2-3 tuần trở đi thường xảy ra nhiễm khuẩn bệnh viện. Do vậy, phải có kế hoạch phòng ngừa nhiễm khuẩn cho bệnh nhân. Tăng cường vệ sinh môi trường bệnh viện, lau chùi phòng bệnh, phun khử khuẩn, vệ sinh tay của nhân viên y tế, tránh lây nhiễm từ bệnh nhân này qua bệnh nhân khác. Các phương tiện dùng trong phòng bệnh cũng phải được chú ý.
Một vấn đề khá quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm được các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo là việc phân loại sử dụng phương tiện phòng hộ chống lây nhiễm ở từng khu vực làm sao cho hiệu quả, giảm quá tải thiết bị phục vụ điều trị bệnh. Trong đó, phân theo từng khu vực: sàng lọc, tiếp nhận ban đầu, lấy mẫu, chăm sóc điều trị, khu bệnh nhẹ, bệnh nặng. Ðối với khu nguy cơ cao như lấy mẫu, điều trị bệnh nặng phải ưu tiên sử dụng phương tiện phòng hộ đạt tiêu chuẩn cao nhất. Còn vùng ít nguy cơ cao thì chọn đồ phòng hộ tương đối hơn.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt nhấn mạnh: “Ðừng quá đặt nặng vấn đề đồ phòng hộ, khẩu trang và kính chắn giọt bắn là quan trọng nhất. Khi bước ra khỏi phòng đệm (vùng bệnh) quan trọng là khâu tắm, sẽ rũ bỏ được vi-rút. Một nguyên tắc bất di bất dịch đó là "một chiều". Một chiều từ lối đi đến cả việc mặc đồ bảo hộ”.
“Có một sai lầm mà hơn 80 nhân viên y tế trong một bệnh viện dương tính, đó là sai từ quy trình đến cách nghĩ khi bước ra khỏi phòng đệm, phòng thay đồ, phòng tắm. Nếu một chiều nhưng thực hiện trong một phòng kín thì không hiệu quả, vẫn lây nhiễm. Vì khi thay đồ bảo hộ ra, vi-rút vẫn bay tới khu vực gần đó dù có vách ngăn (nếu ngoài trời thì được). Nguyên lý phòng đệm là như vậy. Ngăn là ngăn luồng không khí giữa các phòng chứ không phải ngăn con người qua lại. Do vậy, một số đơn vị phải hết sức chú ý vấn đề này", Bác sĩ Việt lưu ý.
Ngoài ra, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn sau khi bệnh nhân xuất viện cũng phải được chú trọng. Bác sĩ Việt khuyến cáo, khi bệnh nhân Covid-19 xuất viện, mặc dù đã khỏi bệnh nhưng đang trong môi trường vi-rút đi ra. Do vậy, tất cả bệnh nhân phải được tắm, thay đồ. Ðồ đang mặc có thể bỏ lại để huỷ hoặc khử khuẩn rồi mới trả lại. Nếu không sẽ lây nhiễm ra cộng đồng, điều này rất nhỏ nhưng phải chú ý”, Bác sĩ Việt nhắc nhở./.
Hồng Nhung