Sáng nay (7/5), đoàn công tác do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Cái Nước về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và chống khai thác có tính huỷ diệt trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của huyện, tổng kế hoạch vốn được giao thực hiện 3 CTMTQG (CTMTQG xây dựng nông thôn mới; CTMTQG giảm nghèo bền vững; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) là 29.948 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 25.988 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 3.960 triệu đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Về CTMTQG giảm nghèo bền vững, hiện huyện có 3 dự án: Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Hoàng Đạo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, cho biết: “Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất như nuôi heo thương phẩm có thể thu hồi lại 20% vốn, cao hơn các mô hình như nuôi tôm, nuôi cua trên địa bàn huyện. Việc triển khai dạy nghề dự định mở 10 lớp nhưng hiện nay mới mở 1 lớp vì khó khăn trong công tác chiêu sinh”.
Về CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương cũng gặp khó khăn vì một số hộ nghèo không có khả năng đối ứng vốn về xây dựng chuồng trại, nhân công lao động nên khó lựa chọn hộ thực hiện dự án giảm nghèo.
Năm 2024, huyện Cái Nước được UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới với tổng số vốn 25 tỷ 614 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay các xã trên địa bàn huyện chưa triển khai thực hiện, nguyên nhân là do chưa hiểu rõ về quy định đối với nguồn vốn này. Một số đơn vị cho rằng nguồn vốn này bắt buộc phải thực hiện đầu tư theo cơ chế đặc thù.
Ông Huỳnh Hùng Em, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Nếu thực hiện theo cơ chế đặc thù thì căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 của HĐND tỉnh Cà Mau “ Đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã còn lại: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 65% tổng mức đầu tư/một dự án; phần còn lại do người dân đóng góp và nguồn vốn huy động hợp pháp khác”. Hiện nay, một bộ phận người dân đang còn gặp nhiều khó khăn, nếu áp dụng theo nguyên tắc trên thì người dân phải đóng góp nguồn vốn 35% tổng mức đầu tư/một dự án, người dân không có khả năng đóng góp để thực hiện. Về vốn giảm nghèo phải đấu thầu thì huyện rất đắn đo, nếu đưa vào đấu thầu có khả năng các tỉnh ngoài đấu được thì nguồn vốn lại không phù hợp cho địa phương”…
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Quân phát biểu tại buổi làm việc.
Với những khó khăn của huyện Cái Nước đang gặp phải, Phó giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Nguyễn Văn Quân cho biết: “Khi thực hiện án, các địa phương cần chọn lựa kỹ đối tượng, có cam kết để sau 36 tháng có thể thu hồi vốn để tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng khác. Để hỗ trợ cho xã Lương Thế Trân kịp thời về đích NTM vào cuối năm nay, Sở NN&PTNN sẽ cử đoàn công tác cùng với xã, huyện rà soát lại những tiêu chí chưa đạt để kịp thời hỗ trợ. Theo báo cáo của huyện thì hiện nay còn nhiều địa phương gặp khó khăn trong xây dựng tiêu chí môi trường - vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó các địa phương cần tập trung nhiều hơn đến tiêu chí này”.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Công Khanh thông tin: “Đối với những dự án không nằm trong cơ chế đặc thù thì không cần phải áp dụng cơ chế đối ứng vốn trong dân. Đối với những dự án phải huy động nguồn vốn đối ứng 35% theo Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 của HĐND tỉnh Cà Mau, trước khi thực hiện việc đối ứng, các đơn vị có thể trừ chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư dự án rồi mới áp dụng cơ chế đặc thù. Theo đó, phần còn lại phải đóng góp sẽ giảm. Bên cạnh đó, việc đối ứng cũng có thể được quy đổi theo ngày công lao động. Do đó, địa phương có thể rà soát, cân nhắc theo tình hình thực tế”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh: “Thời gian tới các địa phương cần thực hiện tốt Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 của HĐND tỉnh Cà Mau. Đồng thời, khắc phục ngay những vướng mắc trong chương trình mục tiêu giảm nghèo, các sở, ngành có liên quan cần ngồi lại tìm hướng để vận động và triển khai trong dân mang lại hiệu quả”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua chống khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt trên địa bàn huyện.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 6 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 02/5/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về phát động phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Tính đến nay trên địa bàn các xã, thị trấn đã triển khai tuần tra kiểm soát trên 110 cuộc, xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, tổng mức phạt 53 triệu đồng và tịch thu tang vật kích điện, vận động 18 cá nhân ký cam kết không khai thác tận diệt và vận động 2 hộ tự giao nộp bộ kích điện. Đến nay, chưa phát hiện các cá nhân dùng hoá chất, chất độc để khai thác thuỷ sản./.
Kim Cương