Chiều 20/11/2024, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Tham gia phát biểu thảo luận, ông Nguyễn Quốc Hận, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đại biểu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại là nền tảng của một nước công nghiệp hiện đại; trong đó, đường sắt là phương thức giao thông quan trọng trên các hành lang có khối lượng, lưu lượng lưu thông lớn. Đất nước ta trải dài từ Nam chí Bắc, chiều dài chiếm ưu thế nên hành lang kinh tế Bắc - Nam chiếm vị trí quan trọng bậc nhất của cả nước. Việc kết nối hành lang này sẽ tạo động lực lan toả phát triển kinh tế - xã hội với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện. Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, mở ra không gian phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch, góp phần giảm chi phí logictis, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, tham gia thảo luận.
“Đất nước ta trải dài từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau, khu vực vùng núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể gọi là “phên dậu của quốc gia”, “nơi đầu sóng ngọn gió”, hứng chịu nhiều bão táp phong ba nên hai vùng này hiện gặp nhiều khó khăn nhất nước. Kinh tế chậm phát triển, đời sống một bộ phận Nhân dân hết sức khó khăn. Dù có rất nhiều tiềm năng, nhưng với vị trí địa lý xa xôi, hạ tầng giao thông thấp kém, giao thương khó khăn, cách trở nên dù có trải thảm đỏ thì các nhà đầu tư vẫn không mặn mà”, đại biểu dẫn giải.
Đại biểu cho biết thêm: “Trong phiên thảo luận tại tổ của đợt 1 kỳ họp, các đại biểu Quốc hội ở vùng cao cho biết còn rất nhiều thôn, bản cần phải được quy hoạch lại, di dời đến nơi an toàn cho người dân sinh sống nhưng do nguồn lực có hạn không thể cùng lúc đầu tư theo quy hoạch nên hậu quả đáng tiếc xảy ra (như trong hoàn lưu của cơn bão số 3 vừa qua). Đồng bằng sông Cửu Long cũng thế, hằng ngày, haừng giờ phải chứng kiến cảnh sạt lở bờ sông, bờ biển làm mất đi hàng trăm héc ta rừng, lấy đi nhà cửa, tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân. Tình trạng trên đều do nghèo mà ra, “điểm nghẽn” lớn nhất của hai vùng này là do hạ tầng giao thông thấp kém, khó thu hút các nhà đầu tư”.
Đại biểu kiến nghị: “Phạm vi đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là: điểm đầu từ Lạng Sơn và điểm cuối là Mũi Cà Mau. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nên có thể phân kỳ chia ra từng giai đoạn để đầu tư, ví như giai đoạn 2025-2035 đoạn Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2035-2040 các đoạn còn lại. Kiến nghị xác định phạm vi đầu tư này của dự án, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong cả nước, còn phù hợp với thị trường xuất khẩu của chúng ta sang các nước bạn, cũng như tạo điều kiện vận chuyển hàng hoá khi cảng nước sâu Hòn Khoai của tỉnh Cà Mau và cảng biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng vận hành; đồng thời, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia”.
Nếu ví quốc gia như một ngôi nhà thì phên giậu quốc gia có vững chắc, ngôi nhà mới êm ấm vững trải. Rất mong Quốc hội quan tâm đầu tư đến các vùng biên cương của Tổ quốc, để nơi đây không phải là điểm đầu hay điểm cuối mà là điểm đến của các nhà đầu tư.
Đỗ Trung Tín - Thanh Thoảng lược ghi