ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 08:58:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Kinh hoàng sau những vụ cháy nổ

Báo Cà Mau Các lực lượng hỗ trợ dân thu dọn hiện trường sau vụ cháy tại chợ huyện Thới Bình tối 6/1.

Sau hơn 2 giờ, đám cháy thiêu rụi dãy phố gồm 10 căn nhà tại khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình. Bao nhiêu tài sản tích góp của 12 hộ dân gần như chỉ còn là tro bụi. Vụ hoả hoạn tối 6/1 vừa qua để lại thiệt hại nặng nề, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ mất an toàn về PCCC tại các chợ huyện, xã, khu dân cư tập trung.

Hiện trường vụ cháy Chợ Thới Bình.                   Ảnh: TRÍ THUẬN

Theo Trung tá Trịnh Hoàng Nẵng, Ðội trưởng Ðội Tham mưu Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, Cứu hộ Công an tỉnh, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy Chợ Thới Bình là do chập cầu dao điện tổng tại hộ kinh doanh vàng và đồ nhựa, chiếu, gối… của ông Phạm Chí Thành. Theo thống kê ban đầu, ước thiệt hại vụ cháy khoảng 8 tỷ đồng.

Ám ảnh cháy nổ

Sau khi tìm được nguyên nhân vụ cháy, chiều ngày 7/1, huyện Thới Bình đã huy động nhiều lực lượng thu dọn đống đổ nát để giúp người dân ổn định cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết, ngoài việc huy động lực lượng giúp người dân thu gom tàn tích của vụ hoả hoạn, huyện tổ chức nơi ở tạm thời cho những hộ không còn nhà ở cũng như tạo mọi thuận lợi nhất cho người dân đủ điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ông Dũng cho biết thêm, sau khi phát hiện khói lửa bất ngờ khởi phát tại Tiệm vàng Tấn Phát, chính quyền địa phương huy động lực lượng chữa cháy tại chỗ cùng 3 máy bơm hiệp sức cùng Nhân dân dập lửa. Tuy nhiên, do lượng hàng hoá bà con dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán quá lớn và dễ bén lửa cùng với gió mạnh, đám cháy lan nhanh qua các hộ khác nên phải nhờ cứu viện từ lực lượng chuyên nghiệp của tỉnh mới dập tắt được.

Sau khi lửa được dập tắt, cả dãy phố chợ huyện Thới Bình tan hoang, hầu hết 10 căn nhà cùng tài sản bị cháy rụi. Nhìn nhà cửa và tài sản bao năm tích góp chỉ trong giây phút còn lại mớ tro tàn, anh Nguyễn Chí Linh, hộ kinh doanh quần áo, giầy dép, văn phòng phẩm, nói trong nước mắt: “Bao nhiêu vốn đều dồn để mua hàng trữ bán Tết, giờ chẳng còn gì, không biết thời gian tới phải sống ra sao”. Hai đầu máy may, một đầu vắt xổ và một mớ vải vụn là những gì gia đình ông Nguyễn Thanh Nhanh còn sau đám cháy. Ông Nhanh đau buồn: “Còn gì đâu, lửa lan nhanh quá, trở tay không kịp”.

Các lực lượng hỗ trợ dân thu dọn hiện trường sau vụ cháy tại chợ huyện Thới Bình tối 6/1.

Ðây không phải là vụ cháy đầu tiên xảy ra tại khu vực chợ Thới Bình. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 3/2/2011 (ngay trong đêm 30 Tết) tại khu vực trung tâm chợ Thới Bình cũng xảy ra vụ cháy lớn tương tự. Hậu quả, 11 căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản của người dân rất lớn. Cũng trên địa bàn huyện Thới Bình, vào ngày 22/4/2012, hoả hoạn đã thiêu rụi 32 ki-ốt và 17 quầy hàng tại chợ Tân Lộc, thiệt hại trên 6,5 tỷ đồng.

Nghiêm trọng hơn là vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 8/1/2011, tại chợ Ðầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Sau hơn 2 giờ, lửa bùng phát đã thiêu rụi 36 ki-ốt, 26 căn nhà dân cùng nhiều tài sản có giá trị, mức thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng phải kể đến vụ cháy chợ huyện Phú Tân xảy ra ngày 24/1/2012, tức mồng 1 Tết Nhâm Thìn, thiêu rụi 4 căn nhà, 6 ki-ốt, thiệt hại tiền tỷ.

Ðó là hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại các khu vực chợ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông Nẵng cho biết, đỉnh điểm của tình trạng cháy chợ và các khu dân cư tập trung đông người là giai đoạn 2003-2004. Trong thời gian này liên tục xảy ra các vụ cháy chợ đến nỗi nhiều người cho rằng có âm mưu phá hoại của phần tử nào đó. Tuy nhiên, sau đó mới xác định, tất cả các vụ cháy đều xuất phát từ chập điện, thắp hương thờ cúng, nấu ăn do sự thiếu ý thức của một bộ phận tiểu thương.

Chưa có chợ đủ chuẩn

Tất cả các vụ cháy chợ, khu dân cư tập trung đông người thời gian qua đều xảy ra vào đêm khuya và trong những tháng cận Tết Nguyên đán. Do đó, thường các vụ cháy gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, bởi lẽ đây là thời gian có lượng hàng hoá dự trữ lớn và chữa cháy rất khó khăn.

Còn nhiều nguyên nhân khiến nguy cơ cháy nổ tại các chợ, khu dân cư xảy ra cao. Tuy nhiên, ông Nẵng cho rằng, sâu xa nhất chính là hạ tầng tại các chợ hiện nay chưa đảm bảo an toàn cháy nổ. Qua kiểm tra khảo sát của đoàn kiểm tra liên ngành vừa qua tại toàn bộ 63 chợ huyện, xã trên địa bàn tỉnh thì chưa có chợ nào đảm bảo đúng quy định về an toàn PCCC. Chợ nào đạt cao lắm cũng chỉ đáp ứng được 70% theo quy định và số lượng này hiện nay cũng rất hạn chế.

Một điều rất dễ hiểu vì sao các khu vực chợ xã, chợ huyện trên địa bàn lại có mức độ an toàn PCCC thấp như hiện nay bởi hầu hết các chợ đều đi lên từ các phiên chợ nhóm. Từ đó, hạ tầng các chợ, nhất là hạ tầng đảm bảo an toàn PCCC luôn đi sau so với tốc độ phát triển. Ông Nẵng nhận định, các chợ hiện nay không còn là nơi mua bán trao đổi hàng hoá nữa mà còn là nơi trữ hàng. Không khó để bắt gặp những sạp với lượng hàng chất lên đến tận nóc, đè lên cả đường dây điện. Từ đó, nguy cơ cháy nổ tại các chợ và khu dân cư đông dân là rất cao.

Hạ tầng luôn theo sau nhu cầu nên không ít tiểu thương tự ý cơi nới, thêm mái che, làm thêm gác… để trữ được càng nhiều hàng phục vụ hoạt động kinh doanh càng tốt. Việc làm này khiến nhiều chợ không khác nào “ma trận”, thậm chí một số chợ chưa thành lập được ban quản lý.

Ông Nẵng dẫn chứng, Chợ Khánh Hội, huyện U Minh; Chợ xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi; Chợ Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời… với hiện trạng hiện nay, nếu xảy ra cháy sẽ có hậu quả rất nghiêm trọng. Các máy móc, dụng cụ chữa cháy trang bị ở các huyện và các chợ nếu xảy ra cháy trong 5 phút không khống chế được xem như chấp nhận đứng nhìn. Khi xảy ra cháy, thường các địa phương báo rất trễ, đến khi vượt khả năng mới báo. Ðiều này khiến công tác chữa cháy gặp khó khăn do mức độ lan của lửa được tính theo cấp số nhân.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng cháy nổ trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC tại các chợ, khu dân cư. Phát huy lực lượng dân phòng, ban quản lý chợ trong công tác đảm bảo an toàn cháy nổ. Ðặc biệt, phải tổ chức tuyên truyền xuống tận hộ dân, tiểu thương về công tác PCCC. Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra vận hành máy móc, thiết bị hiện có cũng như tổ chức diễn tập PCCC./.

Nguyễn Phú

Liên kết hữu ích

Thước đo hiệu quả của chính quyền

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và dịch vụ công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã. Năm 2024, Chỉ số PAPI của tỉnh Cà Mau xếp hạng 17 trên toàn quốc. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số PAPI, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp.

Khẩn trương nâng cấp hạ tầng viễn thông cấp xã

Thực tế cho thấy, hạ tầng viễn thông, đường truyền trực tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cấp chính quyền cơ sở. Dù đã có sự quan tâm đầu tư, song hạ tầng viễn thông, đường truyền kết nối trực tuyến, chất lượng trang thiết bị ở các xã hiện nay tại Cà Mau chưa đồng bộ, dễ bị gián đoạn, tắc nghẽn, làm ảnh hưởng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ðể mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành vào ngày 1/7 tới, việc tháo gỡ vướng mắc này đang là ưu tiên lớn của tỉnh.

Tổ chức bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp xã mới

Ðể đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mới, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2025/NÐ-CP ngày 9/6/2025 (Nghị định 118) về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ðây được xem là một bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc bộ máy hành chính, góp phần tạo dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.

Khi lòng dân là “thước đo” công quyền

Giữa nhịp sống hiện đại, khi mọi thiết bị hầu như đều có thước đo chính xác đến từng con số, thì trong guồng máy hành chính Nhà nước có một thứ thước đo “vô hình” nhưng lại rất quan trọng, đó chính là lòng dân. Sự hài lòng của người dân không chỉ phản ánh chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, mà còn là “tấm gương” soi chiếu hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Xác định điều này, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh cải cách, cải thiện Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Tinh gọn để phát triển

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, huyện Năm Căn đang triển khai đề án sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn. Theo đó, từ 7 xã và 1 thị trấn hiện tại, huyện sẽ tổ chức lại thành 3 đơn vị hành chính cấp xã.

Sẵn sàng cho bước chuyển đổi lớn

Thực hiện chủ trương lớn của Trung ương về tinh gọn bộ máy, từ ngày 1/7 tới đây, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Huyện U Minh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuẩn bị. Hiện các xã trung tâm đã hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng cho ngày chuyển đổi mang tính lịch sử.

Tiến đến chính quyền chuyên nghiệp, vì dân

Trong nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng phục vụ và tăng cường niềm tin của người dân, Cà Mau quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính (CCHC) với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hướng đến phục vụ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tiên phong của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, Cà Mau đang dần định hình hình ảnh một chính quyền năng động, chuyên nghiệp và gần dân.

Ðưa Cà Mau vào nhóm thứ hạng cao về PAR INDEX

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.

“Cú bứt phá” ngoạn mục

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.

Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Xã Tân Hưng Tây là một trong những đơn vị được đánh giá cao về nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số (CÐS) ở huyện Phú Tân. Thời gian qua, công tác này của xã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.