Từ đầu năm đến nay, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn. Thiếu kinh phí cho việc thực hiện truyền thông vận động chiến dịch tăng cường lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình (CSSKSS-KHHGÐ) đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Ðặc biệt, hàng ngàn cộng tác viên (CTV) dân số vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Trung ương...
Từ đầu năm đến nay, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn. Thiếu kinh phí cho việc thực hiện truyền thông vận động chiến dịch tăng cường lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình (CSSKSS-KHHGÐ) đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Ðặc biệt, hàng ngàn cộng tác viên (CTV) dân số vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Trung ương...
Theo kế hoạch, tháng 6, Cà Mau bắt tay vào tổ chức hoạt động truyền thông vận động chiến dịch tăng cường lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGÐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Thế nhưng, hiện nay kế hoạch vẫn còn nằm trên giấy vì không có kinh phí thực hiện.
![]() |
Nhân viên chuyên trách dân số hướng dẫn chị em cách CSSKSS-KHHGÐ. |
Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh, cho biết: “Ðể tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGÐ đạt hiệu quả phải triển khai ngay từ đầu năm. Vì thời điểm này, nhiều chị em phụ nữ đi làm ăn xa trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ngoài việc cung cấp dịch vụ, thực hiện chiến dịch tuyên truyền sẽ tác động đến suy nghĩ của mọi tầng lớp Nhân dân trong việc chấp hành chính sách về dân số”.
Thế nhưng, đã cuối tháng 9, ngành dân số vẫn chờ kinh phí từ Trung ương và dự kiến đến tháng 10 mới có thể triển khai. Như vậy, thời gian triển khai chiến dịch gấp gáp, khó đạt mục tiêu và hiệu quả sẽ không cao.
Mỗi khi ngành dân số tỉnh triển khai chiến dịch, nhiều phụ nữ trong tỉnh, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có dịp được kiểm tra SKSS và thực hiện KHHGÐ. Chị Nguyễn Hồng Lam (28 tuổi, ở ấp Dinh Củ, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 2 con, lớn 4 tuổi, nhỏ 3 tuổi. 3 năm qua tôi được CTV dân số vận động và hướng dẫn cách uống thuốc ngừa thai. Do ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nên tôi không đi khám phụ khoa định kỳ tại bệnh viện tuyến trên. Vì vậy, tôi chỉ chờ đến khi Nhà nước triển khai các đợt chiến dịch tại xã thì tôi đến để được tư vấn, khám sức khoẻ”.
Không chỉ khó khăn trong kinh phí triển khai chiến dịch, 1.866 CTV dân số hoạt động tại 948 ấp, khóm vẫn chưa nhận được hỗ trợ hằng tháng từ Trung ương. Theo anh Nguyễn Việt Tân, CTV dân số ấp Rau Dừa C, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, từ đầu năm đến nay, anh chỉ mới nhận được hỗ trợ của tỉnh 100.000 đồng/CTV/tháng. Kinh phí hạn chế nên CTV gặp khó khi đi tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, nâng cao nhận thức về CSSKSS-KHHGÐ. Và thiếu kinh phí nên với những CTV dân số vùng sâu, vùng xa chỉ làm việc bằng sự nhiệt tình.
Ông Châu Hải Dương, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Ðầm Dơi, cho biết: "Toàn huyện có 16 nhân viên chuyên trách và 276 CTV DS-KHHGÐ phụ trách 16/16 xã, thị trấn, với 42.407 hộ dân, 190.808 khẩu. Qua 9 tháng đầu năm, toàn huyện chỉ có 11.363 ca áp dụng các biện pháp tránh thai, giảm 1.236 ca so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số trẻ em sinh ra 761 trẻ, trong đó có 47 trẻ là con thứ 3 trở lên. 1.178 đối tượng được tư vấn trong 9 tháng đầu năm. “Ðịa bàn rộng, đi lại khó khăn trong khi đó chế độ thù lao chưa phù hợp với công việc đảm nhiệm của CTV dân số”, ông Châu Hải Dương cho biết thêm.
Ở một số xã, nhân viên chuyên trách dân số phải tự bỏ tiền túi ứng trước để triển khai các hoạt động tuyên truyền. Với những địa phương không tìm được nguồn kinh phí thì mọi hoạt động không thể triển khai.
“Do nguồn kinh phí không có nên tiến độ triển khai chiến dịch chậm. Các dự án nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn dường như chưa thể hoạt động”, bà Phạm Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Cái Nước, cho biết thêm.
Lợi thế của người làm công tác tuyên truyền dân số là chính những CTV dân số, nhân viên y tế là những người sống ở ngay trong cộng đồng dân cư, họ có thể hiểu rõ nhu cầu, có thời gian gần gũi với người dân nên mọi lúc, mọi nơi có thể tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn về sức khoẻ cho người dân hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí chậm không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến công tác dân số cũng như tiến độ thực hiện các chiến dịch mà còn khiến CTV dân số cơ sở thiếu nhiệt tình, gắn bó trong công việc. Do đó, các cơ quan hữu quan cần rút kinh nghiệm, sớm khắc phục tình trạng trên, tạo thuận lợi để ngành dân số duy trì các hoạt động, góp phần đảm bảo các chỉ tiêu về DS-KHHGÐ hằng năm.
Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng cho biết: "Chế độ chính sách cho đội ngũ CTV dân số còn hạn chế, chưa tương xứng với công sức bỏ ra nên đội ngũ này thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác DS-KHHGÐ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng đội ngũ nhân viên của các cơ sở y tế địa phương tuy đã được nâng cấp và bổ sung kiến thức nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ KHHGÐ chất lượng cao. Nguồn kinh phí được giao cho sự nghiệp DS-KHHGÐ quá chậm, gây khó khăn cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia mà Trung ương đã chỉ đạo thực hiện. Kinh phí đầu tư cho Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGÐ giảm mạnh, dẫn tới không đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện các hoạt động thiết yếu nhằm đạt các mục tiêu chương trình".
Chiến dịch truyền thông lồng ghép CSSKSS-KHHGÐ góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung, của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nói riêng, về công tác CSSKSS-KHHGÐ, tích cực góp phần bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng và ổn định quy mô dân số, phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, ngành dân số rất cần trợ sức từ Trung ương, địa phương để đạt được các mục tiêu đề ra./.
Bài và ảnh: Thanh Phương