Những ngày tháng Tư lịch sử, từng dòng người đến với đất thiêng Côn Ðảo, đến để tưởng nhớ và tri ân những thế hệ kiên trung trong đấu tranh cách mạng đã viết nên trang sử bi hùng giữa biển khơi...
Huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây ghi dấu sự đấu tranh kiên cường bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong suốt 113 năm (1862-1975) thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cho một ngày đất nước đón ánh hào quang của độc lập, tự do, non sông thống nhất.
Ðến với hệ thống di tích: Nhà tù Côn Ðảo, Bảo tàng Côn Ðảo, Nghĩa trang Hàng Dương... bấy nhiêu thôi cũng đủ để hình dung được sự tàn khốc của địa ngục trần gian và tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ. Máu xương của hơn 20 ngàn người đã hoà trong đất đai, cây cỏ và nước biển mặn, làm nên huyền thoại Côn Ðảo.
Chắc hẳn ai cũng lặng người xúc động và cảm phục, tự hào trước những tượng đài bất tử... Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý, tạo thành sức mạnh và niềm tin vững chắc cho những thế hệ tiếp nối bảo vệ, dựng xây.
Mộ Nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, mà ai đến Côn Ðảo cũng đều mong được đến viếng.
Khách tham quan di tích, được nghe thuyết minh về các hình thức tra tấn tại trại Phú Tường. Nơi đây được gọi là chuồng cọp kiểu Pháp, được bí mật xây dựng năm 1940 với 120 phòng biệt giam.
Bên trên chuồng cọp là hệ thống song chắn và hành lang để canh ngục. Chúng thường dùng gậy dài có đầu bọc sắt nhọn để đâm, chọc tù nhân, cùng với nhiều cách tra tấn dã man như dội nước bẩn, ném vôi bột, cấm tắm...
Vào lúc cao điểm, từ 5-12 người bị nhốt vào một buồng. Họ phải ăn, ngủ, đại, tiểu tiện ngay tại chỗ, rất khổ cực.
Bảo tàng Côn Ðảo như một khoảng lặng lịch sử, nơi lưu giữ hiện vật về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, về lịch sử phát triển của con người và vùng đất Côn Ðảo.
Mộng Thường thực hiện