Mới đây dư luận xuất hiện một số thông tin về việc “Chính quyền địa phương bắt buộc phải mua vật liệu xây dựng tại nơi được chỉ định” trong xây dựng nhà thuộc chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát xảy ra trên địa bàn xã Hồ Thị kỷ, huyện Thới Bình.
Hai hộ dân được cho là có liên quan là hộ chị Cao Thị Bé (chủ hộ: Hữu Tiền Anh, ấp Đường Đào) và Lê Diễm My (chủ hộ: Đỗ Quốc Trường, ấp Cây Khô). Đây là 2 trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây nhà mới với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ.
Hiện trạng căn nhà của chị Lê Diễm My (ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ).
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Cà Mau, 2 trường hợp này được hỗ trợ xây nhà vào cuối năm 2024. Cùng thời gian này có thêm 35 trường hợp khác tại xã Hồ Thị Kỷ được xét duyệt và hỗ trợ từ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Căn nhà đã được đưa vào sử dụng vào trước Tết Nguyên đán 2025 của chị Cao Thị Bé (ấp Đường Đào).
Ông Nguyễn Trung Thuật, Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Trước khi triển khai xây dựng nhà trong chương trình “xoá nhà tạm, nhà dột nát” trước Tết Nguyên đán 2025, để cho bà con có cái tết đầm ấm và sung túc, UBND xã có đến triển khai xây dựng nhà để bàn giao kịp tiến độ. Trong khi đó, tiền chưa chuyển về quỹ Vì người nghèo của xã, nên UBND xã có triển khai hộ dân có điều kiện mua vật liệu xây dựng tại các cơ sở kinh doanh để xây dựng nhà thì tự liên hệ tìm mua, sau khi được cấp trên chuyển tiền về thì sẽ chi và quyết toán đúng quy định. Còn nếu trường hợp không có nơi để mua thiếu thì UBND xã hướng dẫn hộ dân đến cơ sở vật liệu xây dựng được UBND trao đổi và làm việc trước đó để mua trên cơ sở UBND xã đứng ra bảo lãnh “nhận nợ”, khi có tiền thì sẽ quyết toán cụ thể”.
“Qua làm việc với các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn có 2 cơ sở chấp thuận với phương án mà UBND xã đưa ra. Đồng thuận bán vật tư để người dân xây dựng nhà trước, còn tài chính sẽ giải quyết sau. Việc mua bán là giao dịch dân sự giữa người dân và doanh nghiệp, vì thế giá cả do bên mua và bên bán tự thỏa thuận”, ông Thuật cho biết thêm.
Trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Cà Mau, chị Cao Thị Bé (ấp Đường Đào) cho biết, chị được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà, ngoài ra từ tiền tích luỹ chỉ bỏ thêm 45 triệu đồng, nâng tổng mức xây dựng ngôi nhà là 105 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng, từ việc mua vật tư đến hoàn công ngôi nhà hoàn toàn không có sự chỉ định bắt buộc. Sự việc được diễn tiến hoàn toàn giống như trình bày của Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ.
Một hoá đơn mua bán tại một cơ sở kinh doanh khác (ngoài địa điểm được UBND xã hướng dẫn) do chị Cao Thị Bé cung cấp để chứng minh hoàn toàn không có chuyện bắt buộc mua ở đâu.
Khi được PV hỏi, trong xây dựng ngôi nhà như hiện nay chị có gì không hài lòng với cách thức tổ chức, quản lý Nhà nước của chính quyền sở tại, chị Bé cho rằng: “Tôi hoàn toàn không có gì là không hài lòng, cán bộ địa phương cũng thường xuyên lui tới để giám sát. Chỉ có phần mái lợp, kẽm, trước đó tôi có tới chỗ cơ sở kinh doanh do địa phương giới thiệu, thấy giá cao hơn giá một số nơi khác (khoảng 10 ngàn đồng) nên tôi không mua”.
Theo trình bày của chị Bé, để hoàn thành ngôi nhà như hiện tại chỉ có phần cát, đá, gạch, xi măng được chị mua thiếu tại địa điểm theo hướng dẫn của địa phương. Còn một số vật tư khác đều được chị tự tìm hiểu và mua ở một số cơ sở khác. Dù mua ở địa điểm nào, tất cả số tiền đều được địa phương hỗ trợ thanh toán.
Ông Thuật cho biết, sau khi xuất hiện thông tin chính quyền địa phương bắt buộc phải mua vật liệu xây dựng tại nơi được chỉ định, chúng tôi đã thành lập đoàn công tác xác minh từng hộ. Trường hợp của chị Lê Diễm My (ấp Cây Khô) cũng tương tự. Trình bày với đoàn công tác (có biên bản ghi nhận), tại cơ sở mà chính quyền hướng dẫn đến để tham khảo mua, giá kẽm cao hơn từ 20-30 ngàn đồng. Chị My khẳng định, không có chuyện cán bộ địa phương thông báo rằng chỉ được thanh toán tiền hỗ trợ nếu mua vật liệu xây dựng tại cơ sở đã được chỉ định. Ngoài ra, qua làm việc, chị My cũng cho biết, phần cửa sau khi gia đình phát hiện hoa văn không đồng bộ, thì gia đình không có liên hệ với bên giao để xin đổi lại. Và cửa bị móp là do chị My dẫn xe vào trúng phải, chứ không phải do lỗi của nhà cung cấp.
Biên bản làm việc ghi nhận xác nhận của hộ dân không có việc địa phương buộc phải mua vật liệu xây dựng tại nơi được chỉ định mới được thanh toán.
Liên quan đến giá cả vật liệu xây dựng, ông T, chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Cà Mau cho biết, trên lĩnh vực xây dựng, chuyện chênh lệch giá cá ở các cơ sở kinh doanh là chuyện rất bình thường. Giá cả cao thấp còn tuỳ thuộc vào quy mô cơ sở kinh doanh, nguồn cung vật tư (đầu vào), vị trí vận chuyển, nhân công vận chuyển...
“Giải pháp mà chúng tôi đưa ra trong thực hiện không ngoài việc đảm bảo tiến độ cũng như mong sớm hoàn thành ngôi nhà để người dân có một cái tết cổ truyền đầm ấm. Giải pháp tình thế nhằm mục đích thực hiện một chương trình nhân văn lại bị hiểu sai lệch, làm dư luận hoài nghi, điều này làm tôi rất buồn”, ông Thuật trần tình.
Văn Đum