Sáng nay, 26/10, tại Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024 đối với 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Dự và chỉ đạo hội nghị có Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc hội nghị.
Hội nghị lần này nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức Giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Đồng thời, đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.
Các tham luận tại Hội nghị làm rõ 5 vấn đề như: tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải; Phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương; Đóng góp của giải đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương; Việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác; Các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm, thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính – kế toán.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện cơ quan báo chí 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá: "Chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí, với nhiều phương thức làm báo hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng. Do đó, cần hướng đến mở rộng thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới. Số lượng giải cho loại hình này cũng cần được tăng lên. Ngoài ra, đối với nhiều loại hình báo chí đa phương tiện cũng như phương thức làm báo hiện đại, số tác giả cùng hợp tác tham gia vào sản xuất một tác phẩm báo chí những năm gần đây có xu hướng tăng lên, kinh phí sản xuất tác phẩm cũng tăng do ứng dụng công nghệ hiện đại. Vì thế, mức thưởng cần được tăng lên để kịp thời cổ vũ, động viên, tôn vinh lao động sáng tạo của các nhà báo. Đó cũng là động lực quan trọng thu hút thêm các loại hình báo chí và động viên những người làm báo tham gia, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ ngày càng cao của báo chí nước nhà trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, phục vụ tích cực, có hiệu quả hơn nữa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Một nội dung nữa cũng được được thảo luận, phân tích đánh giá chuyên sâu tại hội nghị là vấn đề triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024 đối với 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Theo đó, công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022 được đánh giá thu được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục: Nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị; thiếu kinh phí cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao và phổ biến tác phẩm trong hội viên (không có kinh phí để in sách, in đĩa); mục tiêu, phương thức hỗ trợ chưa có sự thống nhất giữa các Hội...
Tại Hội nghị, các đại biểu phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc, những bất cập và bàn giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giải.
Ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, đề xuất: “Tuy số lượng hội viên nhà báo ở 63 địa phương có chênh lệch rất lớn nhưng các bộ, ngành hữu quan thống nhất với Ban soạn thảo Đề án xây dựng 4 nhóm mức hỗ trợ là: 160 triệu đồng, 200 triệu đồng, 240 triệu đồng và cao nhất là 400 triệu đồng. Chúng tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2026-2030 nghiên cứu về việc xây dựng thêm các tiêu chí phân bổ kinh phí đảm bảo khoa học và công bằng hơn nữa; thuyết minh, giải trình chi tiết với các cơ quan quản lý Nhà nước làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn tới".
Lam Khánh