(CMO) Nghị quyết số 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động (NLÐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68) được xem là giải pháp thiết thực của Chính phủ tạo điều kiện cho các cơ sở phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống người dân, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
So với Nghị quyết 42 (năm 2020), Nghị quyết 68 bổ sung nhiều chính sách mới mở rộng thêm các nhóm đối tượng thụ hưởng, như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLÐ, lao động ngừng việc, trẻ em, lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ; hỗ trợ tiền ăn cho người thuộc diện F0, F1...
Cùng với những gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, các cấp liên đoàn, mặt trận cũng có nhiều hỗ trợ đối với người bị ảnh hưởng đại dịch. (Trong ảnh: Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà hỗ trợ các đối tượng cơ sở cai nghiện ma tuý). Ảnh: HỒNG NHUNG |
Chi hỗ trợ hơn 36,5 tỷ đồng
Với phương châm không để bỏ sót đối tượng đủ tiêu chí và đủ điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ngay sau khi Nghị quyết 68 của Chính phủ ra đời, cùng với sự chỉ đạo của tỉnh, Sở LÐ-TB&XH đã nhanh chóng, chủ động phối hợp các ngành liên quan rà soát, đề xuất chính sách đối với nhóm lao động tự do, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, ban hành văn bản hướng dẫn chặt chẽ quy trình các bước thực hiện thẩm duyệt hồ sơ từ ấp, khóm đến xã, phường, thị trấn.
Theo đó, thông tin cá nhân đối tượng nhận hỗ trợ cũng được cập nhật vào phần mềm quản lý lao động của tỉnh, hạn chế các trường hợp trùng lặp đối tượng hưởng hơn 1 định suất hỗ trợ. Hồ sơ đề nghị của các đối tượng được các cơ quan liên quan phối hợp thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt dứt điểm trong ngày.
Tỉnh Cà Mau hiện có 8/12 nhóm có hồ sơ thực hiện, các nhóm còn lại (2, 3, 5, 6) chưa phát sinh hồ sơ do doanh nghiệp (DN) chưa có nhu cầu hoặc chưa thực hiện được do giãn cách xã hội. Tính đến ngày 5/9, tổng số hưởng hỗ trợ 51.480 người, số tiền hơn 36,5 tỷ đồng. Có 4 nhóm đã thực hiện xong gồm: chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp; tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch; lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). 2 nhóm đối tượng cơ bản hoàn thành: nhóm hỗ trợ kinh doanh và nhóm vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Riêng gói hỗ trợ thuộc nhóm 12, hỗ trợ những lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác đã hỗ trợ trên 11.300 người, tổng số tiền gần 17 tỷ đồng.
Ðể kịp thời giúp người dân vơi bớt khó khăn, hồ sơ đề nghị của các đơn vị được Sở LÐ-TB&XH thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt dứt điểm trong ngày. Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH, thông tin: “Sở phối hợp các ngành liên quan xem xét tiếp tục mở rộng đối tượng tự do theo thẩm quyền, để mọi người dân gặp khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19 sớm được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không để sót đối tượng”.
Còn 4 nhóm chưa phát sinh hồ sơ
Ông Ân cho biết, hiện tỉnh Cà Mau còn 4 nhóm (nhóm 2, 3, 5, 6) chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, giãn cách xã hội kéo dài, các đơn vị sử dụng lao động thoả thuận để người lao động nghỉ việc không hưởng tiền lương và một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động thực hiện “3 tại chỗ”, hoặc không đảm bảo công tác phòng, chống dịch thì đóng cửa dừng hoạt động theo... nên các nhóm 2, 3, 5, 6 chưa có doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Ðối với doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” dẫn đến giảm số lượng lao động làm việc, nhiều lao động bị nghỉ việc nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ bởi chưa đáp ứng điều kiện (doanh nghiệp chưa dừng hoạt động). Ðồng thời, số lao động bị giảm do thực hiện “3 tại chỗ” không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ do tỉnh quyết định bởi có quan hệ lao động với doanh nghiệp.
Ðối với nhóm 8 - hỗ trợ người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), người cách ly y tế tập trung (F1), đã thực hiện 886 đối tượng F1, số tiền trên 1 tỷ đồng, chủ yếu là tuyến huyện. Ðối với các cơ sở cách ly tuyến tỉnh do Sở Y tế chủ trì, đang hoàn thiện tổng hợp hồ sơ.
Các đối tượng còn lại, Sở LÐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát và hoàn thành chi trả hỗ trợ sớm nhất. Ông Từ Hoàng Ân nhấn mạnh: “Tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ này. Việc hỗ trợ phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch; bảo đảm chính sách được áp dụng hiệu quả đến từng người thụ hưởng, đồng hành cùng NLÐ và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống”.
Hiện Cà Mau còn 4 nhóm chưa phát sinh hồ sơ: Nhóm 2 - Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Nhóm 3 - Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLÐ; Nhóm 5 - Hỗ trợ NLÐ ngừng việc và Nhóm 6 - Hỗ trợ NLÐ chấm dứt hợp đồng lao động. |
Mộng Thường - Hồng Nhung