Ngày 18/5, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau. Trước đó, đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình thiệt hại trên tôm, tình trạng xâm mặn tại một số huyện trên địa bàn.
(CMO-NP) Ngày 18/5, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau. Trước đó, đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình thiệt hại trên tôm, tình trạng xâm mặn tại một số huyện trên địa bàn.
Nắng nóng, xâm nhập mặn không chỉ làm thiệt hại trên 51.000 ha lúa mà còn tác động mạnh đến lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản do độ mặn tăng cao, tôm nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng. Độ mặn trên các tuyến sông hiện nay dao động từ 36-42%o, trong ao nuôi từ 40-55%o, thậm chí có nơi lên đến 60%o. Ở những vùng nuôi nằm sâu trong nội đồng như huyện U Minh, Thới Bình, TP Cà Mau và một phần của huyện Phú Tân, Cái Nước, do điều kiện khó trao đổi nước nên độ mặn thường cao hơn những vùng nuôi ven biển như huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển.
Thứ Trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám (thứ hai từ trái sang) cùng Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đến kiểm tra thực tế tình hình nuôi tôm của gia đình anh Nguyễn Hoàng Nam, Ấp 11, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình. ẢNH THANH QUANG |
Qua kết quả khảo sát và thống kê nhanh của các huyện, TP Cà Mau, đến thời điểm này, ước thiệt hại trên tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến khoảng 52.467 ha, chiếm 19,7% diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến toàn tỉnh (266.168 ha), trong đó, tỷ lệ chết trên 70% là 17.622 ha, chết từ 30-70% là 34.845 ha. Nếu ước chi phí 1 ha khoảng 5 triệu đồng thì tổng giá trị thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng.
Chia sẻ những khó khăn của Cà Mau, nhất là người nông dân đang trực tiếp chịu tác động, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám hứa sẽ ủng hộ tỉnh hết mình trong việc hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn, tái sản xuất trở lại. Ngoài ra, Thứ trưởng còn cho rằng đối với trà lúa - tôm hiện nay, tỉnh cần có giải pháp chỉ đạo đặc biệt. Bởi lẽ, theo dự báo phải đến hết tháng 5, đầu tháng 6 mới bắt đầu có mưa. Khi ấy người dân mới có thể thả tôm trở lại, trong khi đến tháng 8 phải tiến hành rửa mặn để sản xuất lúa. Khoảng thời gian này quá ngắn nên nếu không có giải pháp chỉ đạo đặc biệt vụ tôm tới cũng không thành công mà vụ lúa cũng có khả năng không sản xuất được.
Để vụ tôm và vụ lúa thành công, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, ngay thời điểm này, tỉnh cần có giải pháp tập hợp doanh nghiệp sản xuất giống trên địa bàn và có cơ chế hỗ trợ họ cung ứng cho thị trường tôm giống có kích cỡ lớn để rút ngắn thời gian nuôi cũng như giảm tỷ lệ thất thoát. Đối với kiến nghị của tỉnh nhanh chóng xây dựng những công trình chống mặn cũng như nạo vét trục kinh xung quanh khu vực rừng trạm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám sẽ tiếp thu và trình Bộ trưởng tìm giải pháp cũng như nguồn vốn hỗ trợ Cà Mau.
Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu: “Các địa phương tiến hành rà soát một cách nhanh chóng và chính xác diện tích, mức độ thiệt hại trên tôm nuôi để sớm có chính sách tiếp tục hỗ trợ người dân. Sở NN&PTNT tỉnh, các huyện cử cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn để nắm bắt tình hình cũng như hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai; tổ chức sản xuất và cả lịch thời vụ phải theo từng vùng từng loại cây trồng vật nuôi cụ thể. Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình thời tiết nhất là dự báo La Nina khi đưa ra lịch thời vụ và vận động người dân gia cố bờ bao khuôn hộ để chủ động trữ nước rửa mặn khi có mưa hoặc bơm tháo úng khi xuất hiện mưa lớn cục bộ"./.