(CMO) Theo Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hiền, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, nghề dệt khăn rằn ở Hồng Ngự có hơn 100 năm qua. Ban đầu do người Khmer, người Chăm nuôi tằm lấy kén, nhuộm vải, dệt lụa (lãnh Mỹ A) rồi dần dần chuyển sang nghề dệt khăn rằn. Và ngày nay còn tồn tại làng dệt khăn rằn Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (có người gọi là làng dệt khăn choàng Long Khánh). Hiện làng dệt có trên 100 khuôn dệt thủ công và máy dệt cải tiến, máy may, cho ra nhiều sản phẩm mới có mặt khắp thị trường trong nước, được du khách ưa chuộng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lời, 77 tuổi (ấp Long Tả, xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự) học nghề dệt khăn rằn do cha mẹ dạy khi mới hơn 10 tuổi. Từ nuôi tằm lấy kén, kéo chỉ, nhuộm chỉ đủ màu, quay chỉ vào khuôn và dệt, bà đều thành thạo. Hiện bà đã chỉ dạy lại cho con cháu để duy trì nghề truyền thống gia đình.
Quầy trưng bày khăn rằn tại Tuần lễ Văn hoá - Du lịch tỉnh Đồng Tháp 2019. |
Chị Nguyễn Thị Kim Chiều, Chủ nhiệm HTX dệt khăn rằn ấp Long Tả, cho biết: Từ khi được Nhà nước hỗ trợ vốn để nâng cấp, cải tiến máy hấp hơi, máy dệt điện… và Hội LHPN xã Long Tả mở lớp dạy nghề may cho chị em phụ nữ trong xã thì thu nhập của các chị tăng thêm, cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể.
Tại nhà chị Kim Chiều, chị Cúc Huệ trước đây mua chỉ về nấu, nhuộm bằng nồi củi tốn nhiều công, nhiều nhiên liệu và kéo dài thời gian, nay có máy hấp cải tiến bằng hơi nước, lò sấy bằng điện nên mỗi nồi 50 kg chỉ chỉ hấp trong 1 giờ. Bình quân mỗi ngày hấp trên 600 kg chỉ, đủ cung cấp cho làng dệt sử dụng trong 1 ngày, không phải thuê mướn nơi khác làm chỉ dệt.
Khăn rằn Long Khánh có mặt tại thị trường trong cả nước. |
Khi cải tiến máy dệt điện, từ 20 m vải/ngày/người đã nâng lên 1 người đứng 2 máy dệt, năng suất dệt tăng gấp đôi và thời gian giảm một nửa, thu nhập tăng 2 lần so với trước. Mẫu mã cũng được cải tiến, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện máy móc làng dệt được cải tiến cho ra sản phẩm có nhiều hoạ tiết, hoa văn trên nền vải, hơn 50 hội viên của HTX dệt khăn rằn có nhiều sáng kiến trong thiết kế, may các sản phẩm, từ quần áo, túi xách, cà vạt… bằng chất liệu vải khăn rằn vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa bảo tồn giá trị truyền thống của làng dệt có hơn trăm năm tuổi ở Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp./.
Phơi chỉ dệt khăn rằn. |
Dệt khăn rằn bằng máy cải tiến ở Long Tả, Long Khánh, Hồng Ngự. |
Lê Vũ Hoàng