(CMO) Theo thông lệ, tháng 6 được chọn là Tháng hành động vì trẻ em với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về trẻ em. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cuối năm 2019, toàn tỉnh có 237.130 trẻ, số trẻ em dưới 6 tuổi là 111.197 trẻ em; trên 10.700 trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa có 406 trẻ, trẻ em bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 2.278 trẻ em. Nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của trẻ em đối với đất nước, nhiều chủ trương, chính sách ra đời hướng tới mục tiêu vì lợi ích tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức của trẻ em.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Lê Dũng cùng lãnh đạo sở, ngành thăm, tặng quà trẻ em Cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi Hưng Phước, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. |
Theo Trưởng phòng Bảo trợ và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Bùi Lệ Oanh, để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống, cũng như công tác bảo vệ trẻ em được kịp thời, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị lạm dụng sức lao động và một số vấn đề liên quan đến trẻ em gây bức xúc xã hội. Các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cũng như huy động các nguồn lực trong xã hội, góp phần quan trọng để trẻ em được chăm sóc sức khoẻ và có cơ hội, điều kiện để phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mặc dù các ngành, các cấp bằng nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã cũng được thành lập, tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Những tháng đầu năm toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ trẻ em bị xâm hại (giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Do đó, là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều giải pháp phòng tránh xâm hại trẻ em nói chung và phòng tránh xâm hại tình dục nói riêng. Tuyên truyền Luật Trẻ em trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức như hội thi, hội diễn, sự kiện truyền thông tìm hiểu Luật Trẻ em, về các quyền và bổn phận của các em nhân tháng Hành động vì trẻ em, ngày Gia đình Việt Nam, tháng Hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với các chủ đề chủ động phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt tổ chức các lớp tập huấn cho trẻ em, cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em những kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em, hướng dẫn các em nhận biết những kỹ năng tự bảo vệ mình…
“Trẻ em có quyền được sống an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc... đều là những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định rõ trong Luật Trẻ em năm 2016. Bởi vậy, trước thực tế vẫn còn những hành vi gây tổn hại, vi phạm quyền trẻ em đã khiến cho trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết”, bà Bùi Lệ Oanh cho biết thêm.
Những hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em là tội ác nghiêm trọng và việc phòng chống hành vi xâm hại tình dục trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng ai mà của toàn xã hội. Bên cạnh đó, gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, yếu tố quyết định đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình là những người gần gũi mật thiết, thường xuyên bên cạnh trẻ em, nên việc chăm sóc con trẻ không chỉ là trách nhiệm mà còn là bản năng. Trong gia đình, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được thực hiện một cách khoa học, với những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Chăm sóc phải gắn liền với bảo vệ, phải xác định gia đình chính là nơi an toàn nhất cho trẻ em.
Nhiều thông điệp truyền thông ý nghĩa được gửi đi trong tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 như: “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”; “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”; “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em”; “An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ”; “Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em”… Dù tên gọi có khác nhau, nhưng tất cả những thông điệp nhân tháng Hành động vì trẻ em đều mang chung ý nghĩa nhân văn sâu sắc: hãy yêu thương và chăm sóc trẻ em. Cùng với việc yêu thương, chăm sóc, tạo mọi điều kiện để trẻ được học hành, vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội ở địa phương. Mọi thành viên trong xã hội hãy tích cực tham gia các hoạt động ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi xâm hại trẻ em để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách và tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện, trở thành người công dân có ích cho xã hội như mong muốn của Bác Hồ vĩ đại./.
Thanh Phương