(CMO) Làng nghề truyền thống bột gạo Sa Đéc có trên 100 năm nay, tập trung ở các xã: Tân Phú Đông, Tân Quy Đông, An Hoà… của TP Sa Đéc. Không chỉ chế biến nhiều loại bột gạo, bột nếp; từ bột, nhiều hộ còn làm ra các loại bánh như: Hủ tiếu Sa Đéc, bánh phở, bánh canh, bún, bột gạo Bích Chi, bánh phồng Sa Giang..., tạo nên danh tiếng cho làng nghề, góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều gia đình.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, cần có nhiều chủng loại bột gạo cung cấp cho các lò, các nhà máy để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, nhiều hộ đầu tư, cải tiến công nghệ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nương (chủ cơ sở sản xuất bột gạo Tư Nương) có 4 đời làm bột gạo ở làng nghề Sa Đéc, cho biết: Ban đầu khi làm bột gạo, việc vo gạo bằng tay mất nhiều công lao động, tốn thời gian, năng suất thấp, kém vệ sinh. Năm 2015, ông tìm hiểu, nghiên cứu và sáng chế ra máy vo gạo vừa sạch, lại không bể hạt, dễ sử dụng, giá thành rẻ để thay thế sức người. Nhờ vậy mà giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở, các nhà máy sản xuất thực phẩm. Nhờ dùng máy vo gạo, máy xay bột, cơ sở cung cấp ra thị trường mỗi ngày 80-90 tấn bột gạo tươi cho các cơ sở sản xuất bánh phở, bánh canh, bún, hủ tiếu và nhiều loại bánh kẹo, sản phẩm ăn liền khác.
Ông Lê Tấn Sang (Công ty SXTM Bột thực phẩm Tấn Sang) cho biết: Trước đây làm bột gạo phải đánh, ngâm rồi mới xay, mất nhiều thời gian, tốn nhiều nhân công, không đạt chuẩn độ mịn theo yêu cầu nhà sản xuất bột thực phẩm. Năm 2009, ông Tấn Sang nghiên cứu chế tạo ra máy nghiền bột bằng Inox 304 theo quy chuẩn an toàn thực phẩm, 1 máy sản xuất 1 tấn bột thay cho 50 lao động xay thủ công. Nhờ đó đã cho ra lò nhiều loại bột gạo, bột bắp, bột đậu xanh, bột khoai tây… cung cấp cho thị trường. Các loại bột mịn, hoà tan 100% trong nước, không lắng cặn ở đáy thau và được xếp hạng tiêu biểu top 80 của Việt Nam.
Ông Phạm Thanh Bình (Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi) cho biết: Tiền thân của nhà máy bột Bích Chi có từ năm 1966, chuyên sản xuất bột gạo lức, bột đậu cung cấp cho thị trường trong nước. Sau nhiều lần nâng cấp, nhà máy cho ra lò trên 50 sản phẩm bột truyền thống nổi tiếng. Gần đây, nhà máy đầu tư cải tiến công nghệ chế biến cho ra các sản phẩm mới phục vụ các bữa ăn công nghiêp như: Phở, bún, bánh tráng, bánh phồng tôm, bánh phồng cá, cua, mực và bánh phồng chay. Sản phẩm của Bích Chi đạt 10 Huy chương Vàng về tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam và có mặt tại bữa ăn các nước: Đài Loan, Hồng Kông, Úc, Nhật, Mỹ, EU…
Cơ sở sản xuất Bánh phồng Sa Giang được thành lập năm 1960, sử dụng lao động tại địa phương cho ra lò 200 tấn bánh phồng tôm trong 1 năm. Đến năm 1999, Công ty Sa Giang nâng cấp nhà máy sản xuất bánh phồng tôm và cho ra lò 800 tấn/năm. Năm 2010, nhà máy được cải tiến công nghệ sản xuất lên đến 4.500 tấn/năm với hàng trăm sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và EU.
Theo thời gian, làng nghề truyền thống làm bột ở Sa Đéc không ngừng được cải tiến công nghệ, đa dạng sản phẩm. Hiện sản lượng cung cấp ra thị trường trong nước bình quân trên 50.000 tấn bột/năm, giải quyết công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương./.
Phơi hủ tiếu tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Chính, Sa Đéc. |
Ông Nguyễn Văn Nương kiểm tra bột gạo sấy khô trước khi giao cho khách hàng. |
Làm bánh tráng từ bột gạo Sa Đéc. |
Bánh lá chan nước cốt dừa tại Làng ẩm thực Sa Đéc. |
Thưởng thức bánh làm từ bột gạo tại Làng ẩm thực Sa Đéc. |
Lê Vũ Hoàng