ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 5-2-25 16:40:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tết này ở đảo Trường Sa

Báo Cà Mau Những ngày cuối cùng của năm cũ, thời tiết vùng biển, đảo Trường Sa có sóng to gió lớn do gió mùa Ðông Bắc tràn về. Chiến sĩ ở các đảo, điểm đóng quân tất bật với công việc đón mùa xuân mới - Xuân Ất Tỵ 2025.

Tại đảo Cô Lin, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin, Thiếu tá Nguyễn Xuân Duy cho biết, Tết đến, Xuân về đối với chiến sĩ đảo Cô Lin nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung là khoảnh khắc rất đặc biệt. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phòng thủ bảo vệ đảo, giúp đỡ ngư dân và bảo vệ ngư trường, giữa không gian bao la của biển đảo, giữa đất trời chuyển mình vào xuân, niềm hạnh phúc của chiến sĩ đảo Cô Lin như được nâng lên, càng vững tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc.

Trước thềm xuân mới, chiến sĩ đảo Nam Yết vui như ngày hội lớn. Những người lính trẻ sơn gốc cây xanh, quét vôi nhà chỉ huy và các công trình huấn luyện, trang trí bàn thờ Tổ quốc, hoàn tất tờ báo tường, kê bàn ghế chuẩn bị hái hoa dân chủ đêm giao thừa.

Gói bánh chưng bên cột mốc chủ quyền.

Gói bánh chưng bên cột mốc chủ quyền.

Lần đầu đón Tết giữa biển khơi, Hạ sĩ Phạm Tất Bằng xúc động: “Tôi 19 tuổi, đây là lần đầu đón Tết xa nhà. Mặc dù rất nhớ đất liền, nhưng niềm vui tràn ngập trong lòng. Ðón xuân ngoài đảo cũng vui tươi như ở đất liền, có đồng đội, chỉ huy bên cạnh động viên, tôi sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

20 năm tuổi quân, 6 năm đón xuân ngoài đảo, Ðại uý quân nhân chuyên nghiệp Hà Văn Thọ ở đảo Trường Sa Lớn, chia sẻ: “Cái cảm giác chộn rộn, niềm vui chung - riêng tràn ngập trong lòng. Bây giờ Trường Sa và đất liền đã thu dần khoảng cách, Tết ngoài đảo có đầy đủ hương vị ngày xuân”.

Ngoài gói bánh chưng, bánh tét thì tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy, nhảy bao bố là món ăn tinh thần đặc biệt của lính đảo mỗi khi Tết đến Xuân về.

Xuân Ất Tỵ này, chiến sĩ đảo Sơn Ca xây dựng kế hoạch thi kéo co có thưởng cho quân và dân xã đảo. Theo Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, Trung tá Hoàng Thanh Sơn, đến hẹn lại lên, xuân nào đảo Sơn Ca cũng tổ chức trò chơi dân gian. “Các trò chơi dân gian được tổ chức trong 3 ngày Tết. Phân đội nào đoạt giải cao được cộng điểm trong phong trào thi đua “Mừng Ðảng mừng Xuân” và tặng thưởng. Các hoạt động, trò chơi dân gian luôn hấp dẫn chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ”, Trung tá Sơn cho biết.

Chính trị viên đảo Sinh Tồn Ðông, Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp cho biết: “Tổ chức trò chơi dân gian trong 3 ngày Tết không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Qua đó, truyền đi thông điệp văn hoá hướng về nguồn cội của dân tộc. Ngoài các trò chơi dân gian như kéo co, chơi cờ, nhảy bao bố, đẩy cây có thưởng, đảo cũng tổ chức “rèn sức ngày xuân” cho những chiến sĩ có thể lực chạy vũ trang có thưởng. Ðây là bộ môn thể thao ngày Tết được nhiều chiến sĩ yêu thích”.

Trong khi người người, nhà nhà ở đất liền vui Tết đón Xuân, thì những người lính đảo Trường Sa phải đứng gác trong gió gào, sương biển và trực sẵn sàng chiến đấu không kể ngày đêm. Dẫu nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và không kém phần gian khổ, song tất cả đều xác định tốt nhiệm vụ, vững tay súng canh chủ quyền Tổ quốc cho Nhân dân cả nước đón Tết vui Xuân trong yên bình, hạnh phúc.

Trò chơi đẩy gậy hấp dẫn lính đảo.

Trò chơi đẩy gậy hấp dẫn lính đảo.

19 tuổi đời, một năm tuổi quân, lần đầu tiên đón xuân trên đảo. Nỗi nhớ đất liền, cha mẹ cứ tăng dần khi chuyến tàu chở hàng quà xuân từ đất liền cập cảng. Hạ sĩ Ðinh Văn Hiếu ở đảo Cô Lin không giấu được xúc động: “Ðây là Tết đầu tiên tôi xa cha mẹ, nhớ đất liền lắm, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là canh chủ quyền biển đảo yên bình cho Nhân dân cả nước đón Tết. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Lần thứ 3 trong đời quân ngũ đón Tết giữa biển trời Tổ quốc, Thiếu uý Phạm Xuân Quí ở đảo Cô Lin “gom” nỗi nhớ đất liền vào những vần thơ. Trong khi đó Ðại uý Phạm Khắc Lượng ở Phân đội 1 Trường Sa Lớn quả quyết: “Ngày Tết ai cũng nhớ đất liền, cha mẹ, vợ con. Nhưng nếu không có những người lính Trường Sa thì ai là người canh đảo. Vui xuân mới không quên nhiệm vụ, chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã có chiến sĩ Trường Sa canh giữ”./.

 

Mai Thắng

 

Làng quê khởi sắc

Ngọc Hiển vinh dự là 1 trong 2 huyện được tỉnh phê duyệt Ðề án xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021-2025. Sau thời gian quyết liệt triển khai thực hiện, địa phương đã có những bước tiến phấn khởi, diện mạo nông thôn khởi sắc, kinh tế, đời sống người dân ngày càng nâng lên. Ðây là tiền đề, là động lực để cả hệ thống chính trị và Nhân dân huyện quyết tâm, dốc sức hoàn thành mục tiêu về đích huyện NTM đúng hẹn.

Vì thế hệ tương lai

Phong trào hiến đất xây trường học đã và đang lan toả, mang lại giá trị lâu dài đối với sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện Cái Nước. Hành động này không chỉ thể hiện tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp vì sự nghiệp giáo dục mà còn giúp con em địa phương có điều kiện tốt hơn trong học tập và cơ hội phát triển tương lai.

Tự tin bước vào năm mới

Năm 2024, huyện Cái Nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, cả năm đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu chủ yếu theo nghị quyết đề ra.

Ðầu xuân nói chuyện ấm no

Trong hành trình rút ngắn khoảng cách giữa hộ giàu với hộ nghèo, người dân huyện U Minh từ chỗ chỉ biết gắn bó với cây tràm thâm canh, 1 vụ lúa/năm, nay đã áp dụng nhiều mô hình đa cây, đa con, chuyển đổi từ vụ lúa sang vụ tôm - lúa trên cùng diện tích. Ðặc biệt là không còn độc tôn cây tràm, thay vào đó là phát triển mạnh cây keo lai, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định. Ðây là câu chuyện mở hướng thoát nghèo của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện trong hơn 1 thập kỷ qua.

Vùng quê trù phú

Tuyến lộ “xương sống” nối từ Quốc lộ 1 đến đô thị biển Cái Ðôi Vàm mở rộng thông thoáng, là động lực cho huyện ven biển Phú Tân tăng tốc phát triển. Theo đó, trên 1.100 km lộ nông thôn được kết nối về đến những vùng quê trù phú, yên bình. Năm 2024, huyện Phú Tân tiếp tục ghi nhận sự vươn lên ngoạn mục trong phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội và đời sống người dân.

Bừng sáng đô thị Năm Căn

Qua rà soát, đến cuối tháng 10/2024, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đã đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh (ÐTVM), với 52/52 nội dung theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ðịa phương đã hoàn thiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM, với 99,91% tổng số hộ dân đồng thuận. Ðây là kết quả đáng tự hào sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, là cơ sở để UBND huyện Năm Căn công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM trong năm 2024.

Xã Lý Văn Lâm trước thềm nông thôn kiểu mẫu

Mùa xuân đang đến gần, người người, nhà nhà hân hoan đón chào năm mới với nhiều hy vọng mới. Ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, không khí mùa xuân càng thêm rộn ràng khi diện mạo quê hương đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên.

Sức bật đô thị cực Nam

TP Cà Mau, trung tâm tỉnh lỵ đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ những nghị quyết, định hướng mang tính chiến lược, đúng đắn của Ðảng bộ thành phố, diện mạo đô thị cực Nam ngày càng tươi mới với nhiều niềm tin, khát vọng.

Lễ sớt bát đầu năm mới

Như đã thành thông lệ, vào ngày mùng 1 tết âm lịch hằng năm, tại chùa Monivongsa, Phường 1, TP Cà Mau đều diễn ra lễ sớt bát, thu hút nhiều phật tử, chư tăng, cư sĩ, phật tử… từ các ngôi chùa Khmer trong tỉnh Cà Mau đến tham dự.

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.