(CMO) Sáng ngày 29/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tham dự.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 192 điều đã cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 qua nhiều năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số hệ thống pháp luật khác; một số điều, khoản của Luật thiếu tính khả thi; nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường; điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cần được thể chế hóa kịp thời. Lần sửa đổi này khá cơ bản, toàn diện với nhiều điểm mới, quy định mới. Nhưng cần đánh giá kỹ hơn về tác động chính sách của Luật này trong thực tiễn cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, sự phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Những dòng sông vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời phơi đáy trong mùa hạn
4 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tháo gỡ hơn 240 kiến nghị, vướng mắc của các địa phương trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Các kiến nghị xoay quanh công tác quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết khiếu nại, tố cáo; khung giá đất, bồi thường, hỗ trợ đối với dự án đi qua địa bàn nhiều tỉnh; về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường đối với những cơ sở phá sản, không có khả năng cải tạo, phục hồi môi trường; trách nhiệm thực hiện quan trắc thành phần môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, quan trắc môi trường xung quanh....
Năng suất, chất lượng lúa giảm do hạn hán, xâm nhập mặn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị này với các địa phương nhằm thảo luận, góp ý đối với Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tài nguyên nước ngày càng suy giảm
Bên cạnh những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dự báo trong thời gian tới, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn diễn biến rất phức tạp; các tác động dài hạn đã được dự báo, nhận diện, tuy nhiên những tác động ngắn hạn là khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan. An ninh nguồn nước đang là vấn đề cấp bách trong thời gian tới. Tình trạng thiếu bùn, cát, thiếu nước sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giông lốc diễn biến bất ngờ Ảnh: Trọng Nguyễn
Những tháng cuối năm 2020, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để trình Quốc hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hoàn thành việc rà soát, cắt giảm thực chất 50% số thủ tục hành chính và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phấn đấu cung cấp 50% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường cho người dân. Chú trọng thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo. Theo đó, nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững, hiệu quả các nguồn tài nguyên. Đồng thời, hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai; tăng cường điều phối liên vùng, tạo cơ chế tài chính, đầu tư, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Hồng Phượng