(CMO) Đại tá Nguyễn Văn Phép, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Cà Mau từng tâm sự với chúng tôi rằng: “Có người nói, CCB là lực lượng… già, hoạt động cho vui. Không, chúng tôi là Bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi sẵn sàng xung phong trên mọi mặt trận, góp sức nhỏ vào sự phát triển của quê hương đến chừng nào có thể”.
Phong trào thi đua yêu nước nở rộ trong khắp lực lượng CCB Cà Mau, xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến. Tất cả đã làm vẻ vang thêm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ: bộ đội từ dân, của dân, do dân và vì dân, vì sự nghiệp trường tồn mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn.
Xung kích, nhân văn...
Gần và tiếp xúc nhiều với các chú lãnh đạo Hội CCB tỉnh Cà Mau, chúng tôi cảm nhận sâu sắc những đức tính tốt đẹp của bộ đội. Đơn giản, thiết thực và sâu sát là tinh thần làm việc của các chú. Nhưng với người lính, sức mạnh nằm ở tính kỷ luật và ý thức tự giác, thế nên đã tham gia lực lượng CCB là xác định cả những quyền lợi và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đại tá Nguyễn Văn Phép khẳng định: “Những CCB làm công tác từ cái tâm, từ lý tưởng, từ truyền thống, tất cả những báo cáo, số liệu đều không thể sánh bằng niềm tin, sự ủng hộ của xã hội, của Nhân dân dành cho chúng tôi”.
Cựu chiến binh huyện Đầm Dơi trao nhà đồng đội tại xã Tân Đức. |
Theo Đại tá Nguyễn Văn Phép, CCB trước tiên phải tự giúp mình, phải vững vàng, từ đó mới tính toán đến chuyện giúp đỡ xã hội. Đại tá Phép tâm sự: “Anh em CCB ở cơ sở hoạt động hiệu quả, trách nhiệm lắm. Công việc chung nào cũng có CCB. CCB luôn đi đầu, có tiếng nói, uy tín, có khả năng lớn trong vận động, tập hợp”. Trong câu chuyện của mình, ông Phép còn kể: “Anh em CCB làm tốt nhất phải kể đến việc hoà giải, xoá những điểm nóng, mâu thuẫn ở cấp cơ sở. Điều này cần kinh nghiệm, uy tín và khả năng thuyết phục”.
Và rồi, nghĩa cử tương trợ trong lực lượng CCB trở thành nét đẹp rất văn minh, nhân văn và rất bộ đội. Trong chuyến tháp tùng Đại tá Trần Ngọc Chi, Chủ tịch Hội CCB huyện Đầm Dơi về trao nhà cho đồng đội tại xã Tân Đức, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ tình cảm thiêng liêng của những Bộ đội Cụ Hồ. CCB Nguyễn Văn Phổi nhận căn nhà đồng đội mà rưng rưng nước mắt: “Cả đời tôi chỉ mơ ước có được căn nhà đàng hoàng. Nếu không có đồng chí, đồng đội thì chắc tới chết cũng không thoả nguyện. Nay có căn nhà mới, tôi làm mấy mâm cơm để mời đồng chí, đồng đội, cả những người đã khuất và những người đang có mặt”.
Còn cách giúp hội viên CCB thoát nghèo ở Năm Căn đã gợi mở những giải pháp vô cùng phù hợp, hiệu quả. Đại tá Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch Hội CCB huyện Năm Căn, cho biết: “Hơn 1.500 hội viên, nay chỉ còn 30 hộ nghèo. Giảm nghèo, nâng cao đời sống của lực lượng CCB là nhiệm vụ chúng tôi rất trăn trở”. Bởi theo ông Trung, CCB nếu còn nghèo, còn vất vả mưu sinh thì làm sao giúp đỡ người khác. Đa phần CCB đều có tuổi đời cao, đã cống hiến cho sự nghiệp chung, do đó, để hội viên còn khó khăn là có lỗi với đồng chí, đồng đội.
CCB Năm Căn tiên phong trong việc hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho con em CCB. Kết quả, có khoảng 500 con em CCB đã tìm được việc làm với thu nhập ổn định. Tỷ lệ hộ khá, giàu của hội viên CCB đã gần mức 50%. Nguồn lực từ quỹ hội hơn 5 tỷ đồng đã giải quyết cho mượn xoay vòng gần 1.000 hội viên để phát triển mô hình sản xuất, kinh tế hộ. Năm Căn cũng là một trong những địa phương hiếm hoi thành lập được 2 HTX và 17 tổ hợp tác kiểu mới trong lực lượng hội viên CCB. Không những vậy, CCB Năm Căn có 9 doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Đại tá Huỳnh Hoàng Vân, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Cà Mau, đánh giá: “So với trước đây, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong toàn lực lượng đã giảm sâu. Nhiều hội viên vươn lên làm giàu, rất đáng biểu dương. Trong mọi việc làm, suy nghĩ, chúng tôi đều đặt tinh thần xung kích và giá trị nhân văn để phục vụ, cống hiến”. Theo số liệu của Hội CCB, tỷ lệ hộ nghèo của hội viên có lúc ở mức 2 con số, nhưng thời điểm hiện tại đã giảm còn dưới 3%. Không chỉ vậy, CCB Cà Mau còn ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân CCB tỉnh Cà Mau. Điều này khẳng định rằng, CCB có thể tham gia và thành công trên nhiều lĩnh vực.
Và những câu chuyện đẹp
Những ngày Cà Mau oằn mình trong đợt mưa tối trời tối đất, chúng tôi về Hàng Vịnh, Năm Căn theo lời giới thiệu của Hội CCB huyện về một nhân vật đặc biệt. Đó là CCB Mai Sáu, một doanh nhân có tiếng ở Năm Căn, chủ doanh nghiệp Vĩnh Hoà Phát. Chủ tịch Hội CCB xã Hàng Vịnh Đinh Ngọc Doanh có tiết lộ trước: “Anh Sáu làm ăn bài bản, uy tín và thành công. Đáng quý nhất là lúc nào anh cũng khiêm nhường, đặc biệt là luôn dang tay giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Nhập ngũ từ năm 1976, đến năm 1982 thì phục viên, ông Mai Sáu về lập nghiệp tại Hàng Vịnh. Thời gian khó, cơm không đủ no, tài sản chỉ là thửa đất mới khai hoang, bản tính kiên trì, quyết tâm và dấn thân của người lính giúp ông Mai Sáu có một sự nhạy cảm đặc biệt với chuyện làm ăn. Ban đầu, ông sản xuất vỏ lãi, xuồng composite. Thời hoàng kim của giao thông đường thuỷ, cơ sở sản xuất của ông Sáu chiếm thị phần lớn ở vùng Năm Căn, Ngọc Hiển. Thoái trào, ông Sáu quay sang làm HTX sản xuất tôm giống Thành Công. Rồi khoảng hơn 10 năm trước, với trăn trở máu thịt về một mặt hàng truyền thống độc đáo, ông Sáu dồn toàn bộ tâm huyết để sản xuất, quảng bá bánh phồng tôm.
Thương hiệu bánh phồng tôm Vĩnh Hoà Phát không chỉ đi khắp nước mà còn sang một số nước bạn, đặc biệt tham gia nhiều chuỗi siêu thị nổi tiếng như Big C, Tứ Sơn… Ông Sáu bộc bạch: “Bánh phồng tôm là mặt hàng rất độc đáo, riêng có của Cà Mau. Bánh phồng tôm Cà Mau ngon từ nguyên liệu, cách làm và quan trọng nhất là tâm huyết của con người”. Qua quá trình tự học hỏi, vượt qua thất bại, ông Sáu chính là một trong những cá nhân tiên phong mang bánh phồng tôm Năm Căn đi xa. Ông Sáu cho biết: “Hiện nay tôi đã trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, tự động hoá dây chuyền sản xuất. Có khoảng 10 loại bánh phồng tôm với các nguyên liệu độc đáo, chất lượng hảo hạng”.
Cựu chiến binh Mai Sáu (bên phải), người luôn vượt qua thách thức, sống sẻ chia và vươn lên làm giàu chính đáng. |
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của mình, ông Sáu luôn đặt sự sẻ chia với người khác là mục tiêu sống của đời mình. Gần 20 công nhân làm việc tại doanh nghiệp của ông Sáu đều nhận được các chế độ đãi ngộ và thu nhập khá. Với chất lượng, thương hiệu, bình quân cơ sở bánh phồng tôm Vĩnh Hoà Phát xuất khoảng 7 tấn hàng/tháng. Ông Sáu là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội CCB huyện Năm Căn, là người luôn đề xuất và tham gia nhiệt thành với công tác hội. Với ông Sáu, niềm vui là cho đi, là giúp đồng đội, đồng chí, những người yếm thế trong xã hội.
Còn rất nhiều câu chuyện đẹp về hình ảnh người CCB Cà Mau trong thời bình, vượt qua khó khăn, sống cống hiến và đầy trách nhiệm với xã hội. Tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững, làm giàu hợp pháp đã trở thành dấu ấn nổi bật của hoạt động Hội CCB thời gian qua. Như lời gởi gắm của Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Bạch Đằng: “Trong mọi hoàn cảnh, CCB luôn là lực lượng xung kích, nêu cao tinh thần, truyền thống tốt đẹp của người Bộ đội Cụ Hồ, đồng hành và góp sức vào công cuộc gìn giữ, xây dựng, phát triển quê hương”./.
Phạm Lê Nguyên