ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 22:45:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Loa làng chống dịch

Báo Cà Mau (CMO) Thời kỳ 4.0, sự tân tiến, hiện đại của công nghệ len lỏi đến khắp những nẻo quê xa. Người ta hình như không còn để ý đến những chiếc loa thừa thải, lạc hậu. Nhiều chiếc loa hư hỏng, không bao giờ được sửa chữa, nhưng cũng không ai lấy xuống. Nhưng khi dịch bệnh đến, những chiếc loa ở thôn quê lại hồi sinh mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên. Lúc này, người người mới nhận ra sự tồn tại đầy giá trị của chiếc loa.

Thông tin sát sườn

Nhu cầu thông tin trong bối cảnh dịch bệnh trở nên vô cùng cấp thiết với mọi người. Thông tin giờ cũng quan trọng như bầu không khí để hít thở. Về xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), vùng căn cứ địa cách mạng, nhiều bậc cao niên cựu binh bộc bạch: “Theo dõi tin tức dịch bệnh giờ như theo dõi tin tức chiến sự hồi trước. Mình phải biết giặc tới đâu, hung hiểm cỡ nào để còn thủ thế”. Thì đúng quá rồi, dịch Covid-19 là giặc, một loại giặc vô hình, quá nhanh, quá nguy hiểm.

Rồi cũng chính lúc này, người dân quê Nguyễn Phích trang trọng ngóng về những chiếc loa làng để dõi theo thông tin diễn biến của dịch bệnh. Bởi thông tin trên không gian mạng Internet, nhất là các trang mạng xã hội đã trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát. Thông tin phòng, chống dịch từ các kênh báo, đài chính thống dù phong phú, cập nhật nhưng vẫn chưa đủ, chưa thoả với những âu lo thường trực của người dân khi dịch bệnh đã ẩn khuất đâu đó sát cạnh mình.

Phó bí thư Ðảng uỷ xã Nguyễn Phích Trần Quốc Sự là người phụ trách Ban Biên tập của trạm truyền thanh địa phương, cho biết: “Trạm truyền thanh đi vào hoạt động có tổ chức, quy củ vào năm 2018”. Dù điều kiện vật chất, nhân lực khó khăn, nhưng trạm truyền thanh Nguyễn Phích được tổ chức vận hành khá chuyên nghiệp, tạo ấn tượng tốt với Nhân dân. Theo đó, ngoài các buổi tiếp sóng, xã đã tổ chức sản xuất 1 bản tin với thời lượng 30 phút/ tuần, phát định kỳ vào thứ 6 hàng tuần.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, trạm truyền thanh xã càng nhận được sự quan tâm của người dân. Theo ông Sự, không chỉ cung cấp những thông tin chính thống, cập nhật công tác phòng, chống dịch Covid-19 chung của đất nước, của tỉnh, của huyện, trạm truyền thanh xã còn cung cấp những bản tin khẩn sát sườn với diễn biến dịch bệnh tại địa phương. Ông Sự chia sẻ: “Khi có diễn biến dịch liên quan đến xã, nhất là những bản tin khẩn về các trường hợp F, thông qua hệ thống loa cố định và loa lưu động, chúng tôi chuyển tải thông tin ngay đến toàn thể người dân, kèm theo đó là nội dung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa bàn cập nhật nhất”.

Trong những chuyến phát loa di động, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch xã Nguyễn Phích, huyện U Minh kết hợp nắm chặt địa bàn, hỗ trợ khó khăn và thắc mắc của người dân ở những tuyến nhánh xa xôi, hẻo lánh.

Xã Nguyễn Phích công khai số điện thoại liên lạc với các đồng chí lãnh đạo, trong đó có người phụ trách trạm truyền thanh để sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của người dân. Sự tin yêu của người dân với những chiếc loa còn được ông Sự chia sẻ thêm: “Bà con thấy loa ở đâu hư, loa rè thì gọi điện cho mình xuống sửa liền. Bà con nói, loa hư làm sao biết tin tức gì về dịch bệnh”.

Âm thầm cống hiến

Các thành viên của Trạm Truyền thanh xã Nguyễn Phích khiến những người làm báo chuyên nghiệp như chúng tôi nể phục. Trực chiến 24/24 giờ, khi cần là lên sóng chỉ với máy móc, trang thiết bị thô sơ và những con người tay ngang. Anh Nguyễn Minh Thật được bố trí làm kỹ thuật viên của trạm, đồng thời là nhân viên không chuyên trách phụ trách hoạt động của Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã. Còn nhiệm vụ phát thanh viên do chị Trương Thị Ý Thơ, nhân viên Trạm Y tế xã và anh Huỳnh Hảnh, giáo viên Trường THCS Hoàng Xuân Nhị phụ trách. Ông Sự khoe: “Thấy vậy thôi chớ anh em làm chuyên nghiệp lắm, bà con khen nhiều. Anh em coi đó là động lực phấn đấu”.

Tinh thần cống hiến là điều không cần bàn cãi với những người gắn bó Trạm Truyền thanh xã Nguyễn Phích. Bởi khoản hỗ trợ hoạt động cho công tác truyền thanh chỉ mang tính tượng trưng là chính. Như anh Thật, tự mày mò học hỏi việc vận hành, sửa chữa máy móc, đường truyền, loa phóng. Còn những phát thanh viên thì tranh thủ thu chương trình khi đã hoàn thành nhiệm vụ công tác. Ngạc nhiên hơn, khi cần thu phát một bản tin khẩn, phát thanh viên chỉ cần thu vào điện thoại thông minh, gởi file cho kỹ thuật viên xử lý hậu kỳ, Ban Biên tập duyệt, trong vòng 45 phút sẽ có chương trình phát đến người dân một cách chỉn chu.

Trạm Truyền thanh xã Nguyễn Phích với trang thiết bị đơn giản, nhân lực tay ngang, nhưng đóng góp tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19.

Xã Nguyễn Phích hiện có hệ thống 35 cụm loa cố định với 70 chiếc và 20 loa di động phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Ông Sự nhẩm tính: “Với số lượng hiện tại, công suất hoạt động đã đạt 100%, thông tin cơ bản phủ hết toàn địa bàn, tuy nhiên, cần phải thêm loa nữa mới đạt hiệu quả như mong muốn. Còn anh em làm việc với tinh thần cao nhất, hiệu quả nhất có thể”. Trong điều kiện dịch bệnh, giãn cách, hệ thống loa càng phát huy tác dụng. Người dân ở tại nhà vẫn nắm bắt được thông tin chính xác, cập nhật về diễn biến dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Nhơn (Ấp 9), nhà ở nhánh xa, chưa có lộ, thổ lộ: “Giờ dịch bệnh, giãn cách, có loa cố định, loa di động nên mình biết chỗ mình ở tình hình ra sao. Thấy vậy chớ vững lòng lắm. Còn nếu ở một chỗ mà không biết gì nữa thì chắc là rầu khỏi ngủ nghê, ăn uống gì luôn”. Khi hỏi ông, loa phát vậy bà con mình nghe rõ không, ông trả lời ngay: “Rõ chớ. Phải rõ thì mình mới biết dịch tới đâu, chỗ nào để... né nữa chớ”.

Hệ thống loa di động của xã Nguyễn Phích không chỉ là cầu nối thông tin. Theo ông Sự, anh em phát loa, đồng thời công tác ở ấp, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vừa nắm địa bàn thật chặt, thật sát. Có gì bà con còn băn khoăn thì giải đáp thắc mắc trực tiếp hoặc điện thoại về xã để có thông tin chính thống cho người dân ngay lập tức. Vậy nên loa đi đến đâu, công tác phòng, chống dịch Covid-19 sát sườn đến đó.

Xã Nguyễn Phích có 20 ấp, vào loại xã lớn nhất của tỉnh Cà Mau, nhờ những chiếc loa mà công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thêm chặt chẽ, kịp thời. Quan trọng hơn là từ những chiếc loa mà niềm tin của người dân vào chính quyền thêm vững, ý Ðảng - lòng dân thống nhất keo sơn. Thật lạ kỳ, trong thời đại 4.0, có những điều tưởng chừng như cũ kỹ, lạc hậu như chiếc loa làng, bỗng trở nên có sức sống và giá trị mạnh mẽ đến vậy. Nhưng nói gì thì nói, tất cả chỉ là phương tiện. Và nếu không có những con người với cách nghĩ, cách làm vì Nhân dân, vì quê hương, đất nước đáng trân quý, thì chẳng có gì để bàn nữa...

 

Phạm Quốc Rin

 

Liên kết hữu ích

Nâng tầm y tế cơ sở

Thời gian qua, hệ thống y tế ở địa phương chủ động đầu tư, tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật quan trọng trong hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Việc đầu tư kỹ thuật mới không chỉ nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho đơn vị y tế mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí trong khám và điều trị bệnh.

Tận tâm với nghề y

24 năm gắn bó với nghề, Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Ðặng, Trưởng trạm Y tế xã Khánh Thuận, huyện U Minh, làm việc bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình công tác, Bác sĩ Ðặng luôn hết mình vì người bệnh, tận tâm với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trị liệu nghệ thuật

Trị liệu nghệ thuật là phương pháp sử dụng nghệ thuật như công cụ hữu ích để bệnh nhân cải thiện về tinh thần, cảm xúc, được ứng dụng trong can thiệp phục hồi chức năng (PHCN). Bằng hình thức thực hiện các hoạt động như: vẽ tranh, tô màu, nặn đất sét, âm nhạc và nhảy múa, hay kể chuyện bằng hình ảnh..., trị liệu nghệ thuật được xem như cách chữa lành tâm lý, giúp bệnh nhân cải thiện khả năng điều khiển bàn tay và ngón tay, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sáng nay (9/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm ra quân kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cà Mau.

Họp đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, sáng nay (8/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tổ chức họp triển khai công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Can thiệp sớm trẻ chậm nói

"Hiện nay, tình trạng trẻ chậm nói khá phổ biến, do bẩm sinh, hoặc môi trường xung quanh. Các dấu hiệu thường khó nhận diện, do phụ huynh chưa nắm rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bé được đưa đến đây khám chủ yếu bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp bằng ngôn ngữ, hạn chế khả năng tiếp thu...", Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải, Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin.

Ðồng hành can thiệp sớm trẻ có vấn đề phát triển

Ở nước ngoài, các gia đình có trẻ gặp vấn đề về phát triển rất quan tâm và nhiệt tình tham gia các nhóm hỗ trợ để thay đổi năng lượng của bản thân, muốn được cung cấp năng lượng tích cực cũng như những kiến thức hữu ích nhằm giúp trẻ nhỏ điều trị bệnh, hoà nhập với cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với văn hoá Á Ðông như ở Việt Nam nói chung và các tỉnh xa xôi như Cà Mau nói riêng, vấn đề này khá nhạy cảm, khiến các bậc phụ huynh khó thể mở lòng chia sẻ. Nếu cha mẹ không vững vàng thì việc điều trị bệnh cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Tổ chức phi lợi nhuận "Sống cùng tự kỷ" đã kết hợp với Tổ chức phi lợi nhuận "Y học cộng đồng" tổ chức nhóm tương trợ phụ huynh, dành cho gia đình của trẻ có vấn đề về phát triển.

Hướng tới phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, vào chiều 3/1/2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, mặc dù bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tuy nhiên, trong năm 2024 kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng khả quan. Theo đó, tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm 2024 cũng được đảm bảo, nguồn hàng hoá dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng sốt giá.