ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 00:40:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lướt sóng trên thảm phù sa

Báo Cà Mau (CMO) Vỏ lãi, một loại phương tiện có hình dáng lạ mắt, tốc độ di chuyển nhanh, chỉ thấy phổ biến trên vùng sông nước Tây Nam Bộ, đặc biệt có nhiều ở các tỉnh Nam Sông Hậu. Không chỉ du khách mà bà con ở miền Bắc rất thích thú khi lần đầu được ngồi trên chiếc vỏ lãi lướt như bay trên sông nước và cả trên bãi phù sa.

Thành tạo từ phù sa sông Mê Kông lắng tụ, hệ thống sông rạch chằng chịt là đặc điểm nổi bật của vùng đồng bằng rộng lớn 4 triệu hécta này và chưa tìm được con số thống kê toàn vùng thì chiều dài các con sông tự nhiên ở Cà Mau là hơn 8.000 km. Ở đây sông rạch là yếu tố đầu tiên để hình thành nên làng xóm, mọi ngôi nhà đều hướng ra phía sông. Từ nửa đầu thế kỷ XX về trước, sự di chuyển của con người trên vùng đất này chủ yếu dựa vào thuỷ lộ. Xa xưa khi đất chưa được thuần hoá, cây lúa chưa thể cấy trồng, tôm cá là nguồn sống chủ yếu của những ngư dân ban đầu có mặt ở đây. Để khai thác nguồn lợi thuỷ sản dồi dào này, bắt buộc mọi người phải có xuồng ghe. Phương tiện ấy lớn hay nhỏ, khai thác trên sông, trên biển thì tuỳ vào nguồn tài lực của từng nhà, nhưng nhất thiết phải có chiếc xuồng, chiếc vỏ để chở tôm, cá vừa bắt được trên sông rạch.

Sinh sống miền sông nước, ít nhất mỗi gia đình phải có phương tiện đi lại trên sông nước - chiếc xuồng, chiếc vỏ là cầu nối quan trọng nhất của từng nhà với xã hội bên ngoài. Thế giới xuồng ghe nơi này vì thế cũng hết sức đa dạng, có hàng chục loại khác nhau, từ chiếc xuồng ba lá nhỏ bé chỉ chở được 1, 2 người cho đến chiếc ghe chài có sức chở đến 50, 70 tấn hàng hoá. Từ đầu thập niên 50 của thế kỷ XX trở về trước, khi chiếc máy thuỷ động cơ du nhập vào nước ta còn hạn chế, việc đi lại trên vùng sông nước chủ yếu bằng xuồng chèo, dùng sức mạnh của con người. Để tăng nhanh tốc độ và giảm thiểu sức người, cư dân vùng sông nước biết tận dụng hiệu quả sức đẩy của gió và dòng chảy của thuỷ triều. Năng động, sáng kiến luôn là tính cách nổi bật của người sống trên vùng đất mới.

Do đặc điểm sông nước nên nghề đóng ghe xuồng rất phổ biến trong vùng, ở mọi địa điểm dân cư nơi nào cũng có trại xuồng, trại ghe. Nghề đóng xuồng ghe là nghề truyền đời của nhiều gia đình, có những địa danh nổi lên toàn vùng của nghề đóng ghe xuồng ở Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ngày trước, toàn bộ ghe xuồng được chế tác từ gỗ sao, dên dên, 2 loại gỗ này có độ bền tốt trong môi trường nước. Tuy nhiên, những loại gỗ này không sẵn có mà phải tìm ở cánh rừng miền Đông Nam Bộ nước ta, hay Campuchia xuôi dòng sông Mê Kông đem về.

Chiếc vỏ lãi ra đời vào những năm 60 của thế kỷ XX, do nghệ nhân Tiêu Như Sum ở kinh Tắc Ráng, phường An Hoà, TP Rạch Giá (Kiên Giang) sáng tạo nên. Cùng với sự du nhập máy thuỷ động cơ của nước ngoài vào vùng Tây Nam Bộ, thay thế cho xuồng chèo, việc đi lại trên vùng sông nước trở nên nhanh chóng. Nhiều người nhận thấy, xuồng ghe kiểu cũ, gắn máy đuôi tôm khó phát huy hết tốc độ, thế là chiếc vỏ lãi ra đời. (Có nơi gọi là chiếc tắc ráng như đã nói phần trên).

Nhà văn Sơn Nam kể lại: “Máy đuôi tôm hồi xưa gắn trên chiếc tàu gỗ, mũi nhọn, chạy chậm rề rề - Thời chống Pháp, ở miền Nam nhập máy đuôi tôm ở Nhật Bản về 1, 2 chiếc chạy coi oai lắm - lần đầu tiên đưa xuồng máy ra mé biển chạy lướt sóng, chẻ sóng nhờ động cơ mạnh - vỏ tắc ráng nó hay ở chỗ chạy trên vùng nước cạn được, chạy chẻ sóng to gió lớn mà đi, nhờ kỹ thuật đóng vỏ lãi nhỏ, dài thon... để cân đối với sức nặng của chiếc máy đuôi tôm đặt sau lái chạy trên mọi ngõ ngách ở miền Tây tiện lợi biết bao nhiêu! Tới bây giờ chưa có ai thay thế kỹ thuật của ông Tiêu Như Sum sáng chế ra...”.

So sánh chiếc vỏ lãi ngày nay lướt chạy trên sông có dài hơn, hẹp bề ngang hơn lúc ban đầu của chiếc tắc ráng nguyên thuỷ. Tuy nhiên, để đẩy chiếc vỏ lãi chạy nhanh hơn, với tốc độ lên đến 40-50 km/giờ như ngày nay, những người thợ máy như anh Lâm Thanh Sơn ở Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, đã có nhiều cải tiến để nâng vận tốc cho chiếc máy đuôi tôm ngoại nhập của Mỹ, Nhật, Trung Quốc... chạy nhanh hơn, ít tốn xăng khi di chuyển trên sông.

Trong lúc gỗ cây rừng ngày một khan hiếm, sự du nhập công nghệ chế tạo xuồng ghe bằng composite của nước ta vài năm gần đây đã góp phần đáng kể, tạo bước đột phá trong việc phát triển giao thông thuỷ. Nhẹ hơn và bền hơn gỗ, chất liệu composite làm cho tốc độ chiếc vỏ lãi trở nên nhanh hơn.

Giờ đây, người dân ở Trần Đề (Sóc Trăng) hay Gò Công - Rạch Chèo (Phú Tân - Cà Mau) không còn trầm mình dưới nước hay lê bước trên bãi lầy để khai thác thuỷ sản thủ công, bắt từng con sò, con nghêu... mà có sự trợ giúp của chiếc vỏ lãi khi di chuyển cào sò, cào chem chép trên bãi phù sa ngập nước. Mỗi vùng sông nước ở miền Tây luôn có những con người sáng tạo không theo công thức trường học mà dựa trên sự mẫn cảm của bản năng phản ứng sinh tồn.

Ngày nay, sự hiện diện của chiếc vỏ lãi ở sông nước miền Tây đã trở thành nét văn hoá độc đáo mang tính đặc thù của một vùng đất. Giải đua vỏ lãi dịp 30/4 hàng năm ở tỉnh Cà Mau cũng góp thêm ngày hội văn hoá cộng cư các sắc tộc ở Nam Bộ như: đua thuyền Rồng, đua ghe Ngo của người Khmer hàng năm. Những ông vua tốc độ giữ vị trí quán quân nhiều năm liền của cuộc đua vỏ lãi ở Cà Mau như: Lâm Hoàng Sơn, Võ Hậu Chín. Hai nông dân chính hiệu đã giữ hàng chục chiếc cúp đua vỏ lãi cấp tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thế kỷ XX.

Đua vỏ composite trên bãi bồi Đất Mũi. Ảnh: THANH DŨNG

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiếc vỏ lãi đóng vai trò quan trọng trong việc chuyên chở vũ khí, phân phối cho chiến trường sông nước miền Tây. Có thể nói, chiếc vỏ lãi ngày nay là biểu tượng cho tính cách năng động, sáng tạo của người dân miền Tây trong cách sống thích nghi với thiên nhiên và với hoàn cảnh xã hội hiện đại. Và với tính cần cù, bộ óc thông minh của người Cà Mau, chiếc vỏ lãi còn tiếp tục lướt sóng không ngừng trên thảm phù sa./.

 

Vũ - Trọng

 

Ðộc đáo chùa cổ Vĩnh Tràng

Toạ lạc tại đường Nguyễn Trung Trực, phường Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa cổ lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá Quốc gia ngày 30/8/1984.

Gành Ðá Ðĩa điểm check-in thú vị

Gành Ðá Ðĩa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Phú Yên. Ðây là địa danh không thể bỏ qua với những người yêu thích thiên nhiên và đam mê khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của các hiện tượng địa chất.

Di tích quốc gia đặc biệt tháp Vĩnh Hưng

Toạ lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu (cách Quốc lộ 1 từ cầu Dần Xây khoảng 15 km), tháp Vĩnh Hưng là một tháp cổ có kiến trúc tháp thuộc nền văn hoá Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ, khung niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII sau Công nguyên.

Dấu ấn du lịch Sóc Trăng

Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã hình thành một số cụm du lịch như: du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch miệt vườn, du lịch biển... Sóc Trăng không chỉ là nơi cho những ai yêu thích, khám phá giá trị văn hoá đa dạng, nhiều màu sắc, mà còn là nơi dừng chân tuyệt vời cho những ai yêu thích thiên nhiên, chốn yên bình...

Kỳ vĩ Phong Nha - Kẻ Bàng

Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), một trong những khu vực nổi bật của di sản thế giới tại Việt Nam, nổi tiếng với hệ thống hang động ngoạn mục và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Thú vị chuyến khám phá Cù lao An Bình

Cù lao An Bình có diện tích khoảng 60 km2, bao gồm 4 xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh, Ðồng Phú thuộc địa phận huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Hồn đất trên Gốm chùa Ðồng Nai

Tại sao có tên gọi Gốm chùa? Chỉ đơn giản là sản phẩm gốm được tạo tác bởi những đôi tay, khối óc của các tu sĩ trong một ngôi chùa tại Ðồng Nai - chùa Tăng Hội.

Trọn lòng yêu kính Bác

Xuôi dòng lịch sử, đầu tháng 9/1969, sau khi nhận tin Bác Hồ từ trần, người dân xã Long Ðức (nay thuộc TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vô cùng tiếc thương, để tang, cùng nhau nấu cơm cúng và lập bàn thờ tại nhà thờ Bác theo phong tục địa phương. Nhiều người bày tỏ nguyện vọng xây dựng đền thờ để tưởng nhớ Bác. Ðến đầu năm 1970, Thị uỷ Trà Vinh họp và quyết định xây dựng đền thờ.

Hải Vân Quan - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Hải Vân Quan (cổng quan trên đèo Hải Vân), công trình được vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây dựng vào tháng 2 năm Bính Tuất (1826). Phía trước cổng quan viết 3 chữ "Hải Vân Quan", phía sau viết 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Nơi lưu giữ hiện vật lịch sử đặc biệt

Toạ lạc gần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Hà Nội) là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh và thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như các phong trào yêu nước khác.