(CMO) Là tác giả trẻ (sinh năm 1989), song cái tên Lâm Hữu Tặng ngày càng trở nên quen thuộc với giới nghệ sĩ và người mộ điệu. Các tác phẩm của anh được nhiều đài phát thanh - truyền hình (PT-TH) ở miền Tây, chương trình truyền hình, nghệ sĩ nổi tiếng… đánh giá cao. Quá trình lao động nghệ thuật của Lâm Hữu Tặng được hun đúc từ niềm đam mê, hiện thực cuộc sống và cách dẫn chuyện giàu cảm xúc.
Chất liệu từ cuộc sống
Lâm Hữu Tặng quê ở Cà Mau, từ nhỏ đã thể hiện niềm yêu thích cải lương, vọng cổ, nghe đi nghe lại những vở cải lương xưa, rồi sưu tầm băng đĩa, sách báo về cải lương. Những năm học THPT, Tặng tập sáng tác truyện, thơ và vọng cổ, tuy nhiên chỉ để cho mình tự hát, tự thưởng thức.
Học giỏi Văn, năm 2006, Tặng đỗ vào Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, Tặng tập viết cảm nhận những bài vọng cổ, âm nhạc cộng tác với báo Sân khấu TP Hồ Chí Minh. Cơ duyên được học hỏi từ nghệ nhân Bảy Quý, Tặng hiểu thêm về nhịp nhàng của bài vọng cổ, rồi tập tành sáng tác. Năm 2009, Tặng cho ra đời bài ca cổ “Ngoại ơi”. Tác phẩm đầu tay của Tặng được chọn quay hình và truyền hình trực tiếp trong chương tình “Những dòng sông hò hẹn” năm 2010, là động lực để Tặng tiếp tục theo đuổi đam mê.
Ra trường, Lâm Hữu Tặng làm việc tại Ðài PT-TH Bình Phước, là biên tập viên phụ trách mảng chương trình dân ca cổ nhạc, cải lương. Như cá gặp nước, Lâm Hữu Tặng có điều kiện cọ xát với chuyên môn, giao lưu với các nghệ sĩ, ca sĩ; thu nạp nhiều chất liệu cuộc sống qua những chuyến công tác… Tác giả trẻ Lâm Hữu Tặng dần định hình phong cách sáng tác, mỗi bài ca cổ là sự lay động về phận đời, con người và niềm tin yêu vào cuộc sống. Lâm Hữu Tặng tâm sự rằng, việc tìm ý tứ cho mỗi bài ca là điều khó nhất, trong vai trò Bí thư Chi đoàn, anh sôi nổi trong các hoạt động, phong trào của Ðoàn thanh niên, trải nghiệm nhiều chuyến đi thực tế, để tích luỹ vốn chất liệu.
Những sáng tác của Lâm Hữu Tặng thường bắt nguồn từ những câu chuyện anh quan sát được, cảm nhận theo cách của mình và tái hiện câu chuyện bằng giai điệu vọng cổ đằm thắm, chân tình. Bài “Tình má với Năm Căn” do NSƯT Hoa Phượng thể hiện, được quay hình trên Ðài PT-TH Cà Mau, là tâm tình của người con gái quê ở Năm Căn những năm còn nghèo khó. Thuở nhỏ cô sống bên mẹ với tình thương vô bờ bến, nơi vùng quê hẻo lánh, hai mẹ con nương tựa nhau bên mảnh vuông nhỏ, rồi con gái cũng đến tuổi lấy chồng, mẹ một mình thui thủi. Cô gái lấy chồng về thị xã Cà Mau (nay là TP Cà Mau), cuộc sống đủ đầy vật chất và hạnh phúc, nhưng cô luôn canh cánh nỗi nhớ về mẹ của mình, khi mẹ vẫn tảo tần một mình trong căn nhà nhỏ; nhiều lần vợ chồng cô muốn mẹ về chung sống, nhưng mẹ nhất quyết không xa nơi mẹ gắn bó cả đời người. Ngày mẹ mất, cô gái không kịp về để vuốt mặt mẹ lần sau cuối…
Lâm Hữu Tặng tham gia Hội thi “Tiếng hát Người làm báo”. |
Bài vọng cổ “Chị Hai” kể về một người chị dành cả thanh xuân để lo cho 8 đứa em côi cút. Khi các em đã lớn khôn, dựng vợ gả chồng, chị Hai vẫn đi về đơn côi chiếc bóng. Nhưng rồi chị mắc bệnh ung thư… Ðây là câu chuyện có thật, 1 trong 8 người em ấy đã nhờ Hữu Tặng viết bài ca về chị mình, và bài vọng cổ “Chị Hai” ra đời trong niềm xúc động của tác giả. Tác phẩm hoàn thành cũng là lúc người chị ấy ra đi… Trong đám tang, người em trai hát bài ca cổ của Hữu Tặng viết cho chị mình khiến ai nấy sụt sùi thương cảm.
Tác giả trẻ Lâm Hữu Tặng còn thể hiện tài năng qua các kịch bản cải lương như: vở "Nỗi niềm hối hận” phản ánh nạn phá thai trong giới thanh thiếu niên hiện nay. Vở “Tìm lại cội nguồn” của anh được Ðài PT-TH Bình Phước dàn dựng, tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2016 đạt bằng khen.
Trọn vẹn với đam mê
Lĩnh vực sáng tác vọng cổ không có trường đào tạo hay chuyên ngành đặc thù, lợi thế của anh là học ngành Văn học và Ngôn ngữ, mê đọc sách, tâm hồn thấm đẫm qua giai điệu ngọt ngào của những bài bản vọng cổ, nên cách dùng câu từ của Lâm Hữu Tặng mộc mạc nhưng chắc nghĩa; bình dị nhưng không xuề xoà; trong sáng, dễ đi vào lòng người. Cuối tháng 11/2017, Lâm Hữu Tặng đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài “Những đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong sáng tác vọng cổ của Soạn giả Viễn Châu” đạt 9,7 điểm.
Tính đến nay, Lâm Hữu Tặng đã có gần 300 bài vọng cổ được các nghệ sĩ tham gia trình diễn ở các chương trình lớn như “Vầng trăng cổ nhạc”, “Ðường đến danh ca vọng cổ” (HTV); “Tài tử tranh tài” (THVL); các nhà đài khu vực… do các NSƯT Cẩm Tiên, Phượng Loan, Kim Tiểu Long, Thanh Ngân, Thu Vân... thể hiện, như: “Nỗi chờ mong”, “Hẹn thêm lần nữa”, “Quê em”, “Bông bần rụng trắng mặt sông”, “Ngoại ơi”... trong đó có bài “Bàn tay anh” và “Người cha miền đất đỏ” được Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Phước trao giải thưởng.
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, Lâm Hữu Tặng cho ra đời nhiều tác phẩm vừa góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch, vừa lan toả thông điệp nhân văn, mang lại hiệu ứng tích cực cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những sáng tác của anh được thu âm và phát hành trên các trang mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng. Có thể kể đến như: “Vững niềm tin em nhé” (Nghệ sĩ Hùng Vương thể hiện), “Áo xanh, áo trắng” (Mỹ Tiên thể hiện), “Chiếc khẩu trang của mẹ” (Thanh Thuý thể hiện), “Em sẽ chờ anh” (NSƯT Hoàng Tùng và Thu Hiền thể hiện), đặc biệt là ca khúc “Ba sẽ về” do ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thể hiện được nhiều khán giả yêu thích.
Gần đây Lâm Hữu Tặng thể hiện lối viết tươi mới hơn, hiện đại hơn song vẫn vẹn nguyên cảm xúc sâu lắng, lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, lôi cuốn, với “Người tình không đến”, “Lỡ mối duyên quê”, “Tình ấm chiều quê”, “Tình em Tháp Mười”, “Con gái miền Tây”, “Vì lỡ thương nhau”... Mới đây, trong Hội thi “Tiếng hát Người làm báo”, anh đã sáng tác bài “Báo chí thời hội nhập”, được các thành viên Ban giám khảo là Nghệ sĩ Thanh Hằng, NSƯT Huỳnh Khải và NSƯT Ðào Vũ Thanh thể hiện và đánh giá cao. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 vừa qua, Lâm Hữu Tặng sáng tác bài “Có một nghề”, được NSƯT Trọng Hữu và NSƯT Cẩm Tiên trình bày trong chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” (HTV).
Ngừng việc ở Ðài PT-TH Bình Phước sau 11 năm gắn bó, Lâm Hữu Tặng thử sức với công việc kinh doanh và dành nhiều thời gian hơn cho sáng tác. Lâm Hữu Tặng tâm sự: “Tôi xem đây là bước ngoặt để mình bứt phá. Dù cuộc sống gặp bất kỳ biến cố nào, tôi vẫn giữ mãi ngọn lửa đam mê đối với việc sáng tác vọng cổ bằng cảm xúc thật và từ những trải nghiệm cuộc sống”./.
Mộng Thường