Ông Trịnh Minh Thành là người ký quyết định thành lập Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau vào năm 2000 trên cương vị là Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Hiện tại, trên cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh 2 nhiệm kỳ qua, ông Trịnh Minh Thành tiếp tục cống hiến tâm huyết, trí tuệ vào công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Xuyên suốt hành trình ấy là sự hình thành, trưởng thành của công tác khuyến học, khuyến tài gắn với sự nghiệp “trăm năm trồng người” của tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Là người đồng hành, sâu sát với công tác khuyến học, khuyến tài tại Cà Mau trên những cương vị khác nhau, ông Trịnh Minh Thành đúc kết: “Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thành lập vào năm 1996 đã cụ thể hoá chủ trương lớn và khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, sự quan tâm và kỳ vọng của Đảng về công tác khuyến học, khuyến tài. Sau đó là các chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ pháp lý để tổ chức Hội Khuyến học các cấp hoàn thiện tổ chức, hoạt động. Đặc biệt là định hướng xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, cùng với sự hình thành, nở rộ các mô hình học tập làm hạt nhân cho toàn bộ phong trào khắp cả nước”.

 

“Có thể thấy, công tác khuyến học, khuyến tài đã được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội nhận thức, vận dụng triển khai hết sức linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và bối cảnh của đất nước trong từng thời điểm. Hiện nay, công tác khuyến học, khuyến tài đã đi sâu vào thực chất, mang tính cá thể hoá với mô hình công dân học tập. Có thể nói, công việc học tập đầu tiên, trước tiên là của chủ thể cá nhân, cùng với đó là môi trường, là các điều kiện để trợ lực, thúc đẩy và kết quả sau cùng biểu hiện bằng năng lực, phẩm chất toàn diện của từng cá nhân, con người cụ thể chớ không chung chung, trừu tượng”, ông Trịnh Minh Thành tâm đắc.

 “Từ những việc cụ thể như đồng hành, tiếp sức học sinh khó khăn; cổ vũ, vinh danh tinh thần tự học; xây dựng các mô hình hạt nhân học tập, điều hướng tới chính là lan toả, thấm sâu tinh thần học tập suốt đời vào nhận thức, suy nghĩ, hành động của mỗi người và toàn xã hội. Giáo dục luôn là Quốc sách của nước ta mà học tập chính là giá trị cốt lõi bất biến”, bằng trải nghiệm của bản thân, ông Thành tâm sự.

Công tác khuyến học, khuyến tài của Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi từ truyền thống hiếu học; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, của toàn hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội.

“Các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh được tổ chức từ tỉnh đến ấp, khóm và hiện diện ở cả cấp độ dòng họ với các Ban, Chi hội Khuyến học, đó là lợi thế để phong trào khuyến học, khuyến tài có mặt ở khắp nơi, thực hiện sứ mệnh của mình”, ông Thành thông tin thêm.

Năm 2010, họ Ðỗ tại xã Hoà Thành, TP Cà Mau được công nhận “Dòng họ khuyến học” và thành lập “Quỹ Khuyến học Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự”. Ðây là dòng họ khuyến học đầu tiên trong tỉnh.

Ông Ðỗ Thái Khang, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Hoà Thành, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự, thông tin: “Việc khuyến khích, động viên việc học tập của con em trong dòng họ đã có từ lâu nhưng chỉ là tự phát. Đến năm 2010, khi được công nhận là “Dòng họ học tập”, rồi năm 2014, Ban Khuyến học dòng họ Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự chính thức được thành lập thì công tác khuyến học, khuyến tài bài bản hơn, kết quả hơn".

Ban Khuyến học họ Ðỗ ở Hoà Thành lấy ngày 3/8 âm lịch hằng năm (ngày giỗ của 2 lãnh đạo nghĩa quân yêu nước Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự) để tổng kết năm hoạt động của mình.

Ông Đỗ Văn Hạnh, một trong những trưởng bối của họ Đỗ ở Hoà Thành cho biết: “Không chỉ hỗ trợ vật chất cho con cháu có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục việc học, họ tộc còn dành phần thưởng xứng đáng cho những con cháu có thành tích học tập tốt. Trước anh linh của tổ tiên đã gầy dựng nên truyền thống dòng họ hào hùng, sự tề tựu của đông đảo họ hàng thân quyến, các thế hệ tiếp nối của họ Đỗ vì thế rất lấy làm vinh dự, từ đó tiếp tục ra sức chăm ngoan học giỏi. Đây là cách giúp đỡ, động viên, khuyến khích tinh thần học tập cho thế hệ trẻ đầy trang trọng, thành kính và kết quả mà họ tộc chúng tôi đã duy trì nhiều năm qua”.

Trở lại với câu chuyện họ Lê ở Thới Bình, được gợi cảm hứng từ cách làm của họ Đỗ ở Hoà Thành và thành lập Quỹ khuyến học “Lê Văn Chương – Lê Hải Triều” – tên những bậc tiền nhân ưu tú của họ tộc vào năm 2014.

“Thông qua những buổi họp mặt mà nghĩa tình máu mủ ruột rà thêm thắt chặt. Tiếc gì với nhau không biết, nhưng hễ ai có khó khăn trong việc nuôi dạy con em học tập thì ngay lập tức được thân quyến, họ hàng giúp đỡ hết lòng, hết dạ. Những con cháu đỗ đạt thành tài, về báo công và được dòng họ vinh danh tại từ đường tổ tiên. Nhờ vậy, không khí thi đua học tập hết sức sôi nổi, kết quả khuyến học, khuyến tài ngày càng tấn tới”.

Trong mọi công việc, con người vẫn là yếu tố quyết định. Những người làm công tác khuyến học, khuyến tài ở Cà Mau chính là “giềng mối” quan trọng để giữ lửa, khơi lửa giúp cho toàn xã hội ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng của công việc vun gốc cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”.

“Của cho không bằng cách cho”, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, luôn nói với chúng tôi như thế mỗi bận gặp mặt. 77 tuổi, ông Hai Quang gắn bó với công tác khuyến học chính thức từ năm 2004, chưa kể 10 năm “vẹt năn lội sình, cuốc bộ” vận động quyên góp cho học sinh khó khăn khi còn là Hội trưởng phụ huynh cùng lúc ở 2 trường làng xã Khánh Thới (nay là xã Thới Bình, huyện Thới Bình). Không lạ khi cả huyện Thới Bình đều trìu mến gọi ông bằng danh xưng “Ông Hai khuyến học”.

Chúng tôi thích cách mà ông suy nghĩ về công việc, hay nói đúng hơn là đam mê của mình: “Ai nghĩ công tác khuyến học, khuyến tài như việc làm từ thiện là trật lắm à nghen. Cái này có 2 mặt của vấn đề. Một là khuyến học, nghĩa là làm sao để ai cũng được học hành như mong ước của Bác Hồ. Cái còn lại là động viên, khuyến khích để chăm bồi, phát triển những nhân tố nổi trội, có triển vọng. Phải học cái đã, không học coi như không thể thấy cái tài, thành tài. Mà sự học thì vô biên, không phải chỉ ở trường lớp, trường lớp là cái căn cơ, còn tự học, học suốt đời, học ở mọi chỗ, mọi nơi thì thiết thân cũng như không khí hít thở với mỗi người. Thế nên khuyến học, khuyến tài là công việc có thể quyết định đến vận mạng một đời con người, bắt đầu từ những sự đồng hành, hỗ trợ nhỏ nhất như tập vở, quần áo, xe đạp...”.

“Cao điểm” là cách ông Hai Quang gọi quãng thời gian cận kề năm học mới. Chúng tôi ngạc nhiên là với địa bàn cả huyện Thới Bình rộng lớn, công việc bộn bề, ông vẫn có thể tường tận những hoàn cảnh học sinh khó khăn nhất để tìm cách hỗ trợ. “Có khó gì, chú chạy xe tới nhà nắm bắt thông tin luôn. Có sẵn cái gì giúp cái đó, chưa giúp được thì tìm cách”, ông nói. Những cuộc gọi của ông, vui nhất là khi thông tin có hoàn cảnh học sinh khó khăn đã được tiếp sức và buồn nhất là khi một học sinh nào đó không thể tiếp tục đến trường.

Bằng cái tâm và uy tín, ông Hai Quang rất “mát tay” trong việc vận động nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài.

Chúng tôi để ý, mọi lúc, mọi nơi, ông Hai Quang nói gì thì nói cũng quay về và nhấn mạnh chủ đề học tập, nhất là khi tận tay trao gởi những phần quà, học bổng cho các em học sinh: “Phải học mới nên người, phải học mới tự lo cho bản thân, rồi mới giúp ích được cho xã hội”. Thành tựu mà ông Hai Quang tự hào nhất là: “Công việc của mình là giúp nuôi dưỡng con chữ, tri thức, ước mơ, từ đó mở ra tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ”. Những đóng góp của ông Hai Quang nói riêng và nhiều, rất nhiều cán bộ làm công tác khuyến học trên khắp mảnh đất Cà Mau nhiệt thành, thầm lặng mà giá trị, ý nghĩa đã kết tinh thành những mùa hoa thơm, trái ngọt cho đời.

Khuyến học, khuyến tài là công việc thường xuyên trong các nhà trường. Tại trường THPT Đầm Dơi, công việc vun gốc “trồng người” mang lại những dấu ấn mới mẻ với nguồn năng lượng tích cực. Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng nhà trường tâm tình: “Đã thành truyền thống, các thế hệ thầy cô xuất phát từ cái tâm, trách nhiệm của mình đã góp sức vận động, tìm nguồn hỗ trợ cho học sinh của nhà trường, tuyệt đối không để bất cứ học sinh nào của nhà trường vì khó khăn mà không theo đuổi được việc học tập. Và mừng hơn, các thầy cô còn đóng vai trò cầu nối, tư vấn, thậm chí “săn học bổng” cho học sinh của mình, từ đó nhiều em đã có cơ hội được phát triển bản thân ở những môi trường giáo dục tốt nhất”.

Đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, phát huy tối đa giá trị của nguồn lực khuyến học, khuyến tài là những nguyên tắc bất di, bất dịch của Trường THPT Đầm Dơi.

“Trước các đợt trao học bổng, nhà trường sẽ cho các em dự kiến được nhận học bổng có đơn trình bày về mục đích sử dụng học bổng, cam kết về kết quả học tập và được sự xác nhận của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh”, thầy Hưng thông tin về quy trình bình xét, trao học bổng tại nhà trường.

Đây là cách làm mới, đầy tinh tế của nhà trường để các em học sinh trân quý hơn những nguồn lực giúp đỡ mình, càng nêu cao ý thức trách nhiệm và ý chí phấn đấu trong học tập.

Và một thông tin rất thú vị, theo thổ lộ của ông Trịnh Minh Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau: “Hồi trước, khuyến học, khuyến tài vận động được bao nhiêu là trao hết bấy nhiêu, nhưng hiện tại, Hội Khuyến học tỉnh đã có nhà tài trợ để gởi quỹ tiết kiệm vào ngân hàng, dùng lãi tích được hằng năm để góp thành các suất học bổng cho học sinh. Cái “gốc” nhân văn sinh sôi cái “lãi” nghĩa tình, hữu ích để sự nghiệp khuyến học, khuyến tài ở Cà Mau thêm bền vững và lan toả những thông điệp, giá trị tốt đẹp vào cuộc sống”.

Hải Nguyên – Băng Thanh

Đồ hoạ: Lê Tuấn

Xuất bản: 24/9/2024

Bài 1: “Ngọc sáng” nở rộ khắp quê hương

Bài 3: Chung sức, chung lòng, chung một niềm tin