Hơn 160 tỷ đồng, một con số không nhỏ – là nguồn lực các cấp Khuyến học tỉnh Cà Mau vận động từ năm 2019 tính đến 6 tháng đầu năm 2024 (bình quân hàng năm đạt trên 28 tỷ đồng). Từ nguồn lực quý giá này, hàng chục ngàn học sinh nghèo hiếu học được tiếp tục đến trường; những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập có sự cổ vũ, động viên kịp thời. Song, đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ, vì bên cạnh đó, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh còn tổ chức vận động từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ trực tiếp tại địa phương và tại các trường trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Trịnh Minh Thành tâm đắc: “Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt việc giao thông đi lại ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, suốt gần 25 năm qua, Hội Khuyến học các cấp thực sự là người bạn đồng hành tin cậy của ngành giáo dục, góp phần duy trì và phát triển các mô hình học tập, thúc đẩy phong trào xã hội học tập và học tập suốt đời không ngừng phát triển”.

Trước thềm mỗi năm học mới, sức người, sức của và tấm lòng của cả cộng đồng hướng mạnh mẽ về công tác khuyến học, khuyến tài. Cấp Hội Khuyến học đã trở thành cầu nối, lan toả và nhân lên sức mạnh, niềm tin đối với sự nghiệp “trồng người”. Đơn cử như Công ty Xổ số kiến thiết Cà Mau đã tài trợ 1.010 suất học bổng trị giá 1 tỷ 10 triệu đồng, cấp cho học sinh là con em gia đình nghèo bán vé số lẻ hoặc học sinh nghèo hiếu học của 101 xã, phường, thị trấn. Hay như Ban liên lac đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP. Hồ Chí Minh; các cơ sở tôn giáo thuộc Ban trị sự Gíao hội Phật giáo, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã góp phần trợ cấp hàng trăm suất học bổng cho học sinh tỉnh Cà Mau hàng năm…   

Theo ông Trịnh Minh Thành, bên cạnh sự chung tay của cộng đồng, các cấp Hội Khuyến học còn chủ động xây dựng quỹ bằng nhiều chương trình, hoạt động phong phú, làm lan tỏa, tôn vinh và nhân lên các giá trị tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống hiếu học, thông qua những phong trào, chương trình hoạt động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực như: “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị”, “Tiếp sức cho em đến trường”, “Vì đàn em thân yêu”, “Chắp cánh ước mơ”, “Trao gửi yêu thương”; các mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”,  “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Công dân học tập”, còn có các lớp học tình thương xoá mù chữ duy trì nhiều năm qua… được đông đảo Nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và làm theo.

Với thông điệp “Không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học”, Cà Mau đã khơi dậy mạch nguồn khuyến học, khuyến tài; thúc đẩy mạnh mẽ trong toàn tỉnh phong trào xã hội hóa với đa dạng, dồi dào nguồn lực tiếp sức. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tổ chức đoàn thể các cấp và nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng triển khai các chương trình hỗ trợ, đỡ đầu trẻ khó khăn, mồ côi như chương trình “Mẹ đỡ đầu” của các cấp hội phụ nữ; các cấp bộ Đoàn triển khai mô hình “Em nuôi của Đoàn”; hay mô hình“Nâng bước em đến trường - Con nuôi Đồn Biên phòng” của Bộ đội Biên phòng;… Cùng với trao học bổng hằng tháng, những người “mẹ nuôi”, “anh chị nuôi” còn là điểm tựa tinh thần để các em sẻ chia tâm tư, tình cảm, cùng các em tháo gỡ khó khăn trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống. Đặc biệt trong những năm đại dịch Covid-19 bùng phát, các cấp hội cũng đã thực hiện có hiệu quả chương trình “Máy tính cho em”.

Là địa phương có số học sinh được hỗ trợ hơn 6 tấn gạo, ông Nguyễn Trọng Quý, Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình bày tỏ: “Việc hỗ trợ gạo này thực hiện theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đã góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình có con em đi học ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Từ đó, giúp các trường thuận lợi trong việc huy động học sinh ra lớp, hạn chế mức thấp nhất số học sinh bỏ học”.

Chủ trương khuyến học, khuyến tài của Đảng, Nhà nước đã được hiện thực hoá sinh động ở các trường học tại Cà Mau, cụ thể bằng các phong trào xây dựng quỹ học bổng tiếp sức cho các em gặp hoàn cảnh khó khăn với không khí sôi nổi, hiệu quả thực chất. Thầy Huỳnh Êm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình chia sẻ: “Không chỉ vào đầu năm học mới mà xuyên suốt quá trình các em học tập tại trường, quỹ khuyến học nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, đóng góp từ mọi nguồn lực xã hội. Và tuỳ từng thời điểm, hoàn cảnh học sinh cụ thể, nguồn quỹ hỗ trợ hiệu quả cả về vật chất và tinh thần cho các em học sinh nghèo vượt khó, nhất là con em đồng bào dân tộc Khmer ở Ấp 7”.

Trường THPT Đầm Dơi luôn coi công tác khuyến học, khuyến tài có vai trò rất quan trọng, tạo ra động lực lớn cho các thế hệ học sinh phấn đấu, trưởng thành. Bởi nhà trường xác định, khuyến học, khuyến tài không chỉ dành cho những học sinh khó khăn mà còn là nguồn năng lượng tích cực để cổ vũ, khích lệ cho những học sinh có thành tích xuất sắc. Những phần thưởng là động lực để nuôi dưỡng, đào tạo ra những hạt giống tốt, tạo ra phong trào thi đua tích cực trong học tập. Khuyến học, khuyến tài đã trở thành một trong những cảm hứng mới mẻ, thiết thực để góp vào truyền thống đầy tự hào của nhà trường. “Bình quân mỗi năm nguồn quỹ cho công tác khuyến học, khuyến tài của nhà trường lên đến 200 -300 triệu đồng”, thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Đầm Dơi thông tin.

 

Có thể thấy, truyền thống hiếu học của quê hương Cà Mau, tinh thần nhân văn, nhân ái và nghĩa tình của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đã được phát huy với những cách làm cụ thể, sáng tạo, tạo động lực mạnh mẽ để phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.

“Từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp hội; sự mẫn cán, tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã từng bước ăn sâu, bắt rễ vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo và đưa phong trào xã hội học tập phát triển rộng và mang lại hiệu quả thiết thực hơn”, ông Trịnh Minh Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau đúc kết. Quan trọng hơn, việc tổ chức quản lý chặt chẽ và sử dụng nguồn quỹ kịp thời, đúng mục đích mang lại hiệu quả thiết thực, ý nghĩa xã hội tốt đẹp. Theo đó kết quả vận động hàng năm của hầu hết các đơn vị huyện, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, năm sau cao hơn năm trước.

"Song song đó, Hội Khuyến học tỉnh cũng đã chú trọng nhiều hơn đến việc cổ vũ, khen thưởng, động viên các tài năng trẻ, các tấm gương học tập của người lớn; xây dựng các mô hình học tập gắn vai trò của nhà trường với gia đình và xã hội; phát triển nhiều loại hình học tập phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của Nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh khi đánh giá về vai trò của Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau.

Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà giáo dục vĩ đại - Người khai sinh và đặt nền móng cho nền giáo dục của đất nước Việt Nam thời đại mới: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với bối cảnh hiện nay, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

"Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò công tác khuyến học như là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc", ông Trịnh Minh Thành chia sẻ thêm.

Và hơn hết là hình thành, truyền tải, lan toả nhận thức đúng, cách hiểu đúng về việc học trong thời đại mới, học suốt đời, học đi đôi với hành, học gắn với phát triển hoàn thiện năng lực phẩm chất của mỗi cá nhân. Xây dựng hình mẫu công dân mới trong bối cảnh mới gắn với yêu cầu về nguồn nhân lực cao phục vụ mục tiêu phát triển đất nước từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

Thực tế tươi mới, sinh động cho thấy, phong trào khuyến học, khuyến tài của Cà Mau đã, đang và sẽ bắt đúng mạch nguồn của cuộc sống, thời đại; được các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ. Và đây, Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có một ngày đặc biệt, ngày 2/10 - Ngày Khuyến học Việt Nam, ngày để vinh danh, lan toả những giá trị sâu sắc, ý nghĩa to lớn của công tác khuyến học, khuyến tài. Đó không chỉ là lời thúc giục hàng triệu hội viên Hội khuyến học trong cả nước cũng như ở Cà Mau thêm tự tin, hăng hái với những việc làm đầy ý nghĩa của mình, mà còn là mệnh lệnh hiệu triệu, nhân thêm sức mạnh của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội chung sức, chung lòng, chung một niềm tin để dựng xây, khơi dậy tương lai đất nước./.

Hải Nguyên – Băng Thanh

Đồ hoạ: Lê Tuấn

Xuất bản: 25/9/2024

Bài 1: “Ngọc sáng” nở rộ khắp quê hương

Bài 2: Bừng sáng “ngọn lửa” khuyến học, khuyến tài