Hiếu học gắn với công việc khuyến học, khuyến tài là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của việc học tập. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục toàn diện hướng đến mọi người, vì mọi người, là nền tảng căn cội của sức mạnh đất nước: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và “Muốn xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa thì phải có nguồn lực dồi dào”, chú trọng xây dựng thành con người mới xã hội chủ nghĩa để phục vụ quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Người, muốn trở thành người có đức, có tài để phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc, cho Nhân dân thì “suốt đời phải học tập”. Bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về tự học.

Kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc và tư tưởng của Người, công tác khuyến học, khuyến tài của nước ta trong những năm qua luôn được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Đặc biệt, từ tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 làm “Ngày Khuyến học Việt Nam”.

Tại tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc, công tác khuyến học, khuyến tài với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thực chất đã khích lệ phong trào xây dựng xã hội học tập theo hướng phục vụ các nhiệm vụ phát triển và đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ chấn hưng nền giáo dục nước nhà trong bối cảnh mới; thật sự góp phần “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí” cho quê hương, đất nước.

“Tôi học lớp 3 trường làng thôi, không có bằng cấp gì. Nhờ sự ham học hỏi, nỗ lực học hỏi, học đi đôi với hành mà có được chút ít kết quả” - ông Nguyễn Văn Rô, ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tâm sự bằng cái chất nông dân Nam Bộ hịch hạc, hào sảng.

Nếu không tường tận, ít ai biết ông nông dân ở miệt Cà Mau xa xôi này đã 11 lần đến Thủ đô để báo cáo và được vinh danh các thành tích thi đua lĩnh vực khoa học kỹ thuật cấp Trung ương.

Hành trình của ông Tư Rô, như cách gọi của bà con trong vùng là “kỳ cục” và “hổng ai ngờ”.

Vùng Cà Mau sau chuyển dịch (năm 2000) khoảng mươi năm, bà con nông dân điêu đứng vì tình cảnh dịch bệnh trên tôm diễn biến khó lường, những đầm tôm phải liên tục cải tạo để tái vụ vừa tốn kém chi phí, vừa vô cùng vất vả, khó khăn. Lúc này, “máu nghề” của Tư Rô trỗi dậy: “Tại sao không làm ra loại máy móc tiện lợi, hợp túi tiền, đỡ tốn công sức cho nông dân cải tạo vuông tôm”. Chính ý nghĩ ấy khiến Tư Rô bỏ nghề “thầu” xây dựng, cắm mặt vô sắt thép, máy móc ngày đêm để tìm lời giải đáp. Gia đình ngơ ngác. Làng xóm xì xầm. Mặc kệ, Tư Rô trình làng cái máy cày “lội nước” đầu tiên với tuyên bố: “Cái này xài tốt mịch, cải tạo vuông tôm, đầm tôm công nghiệp. Hổng tin xin mời bà con sử dụng thử, có nói dóc thì tội tình gì tui cũng chịu!”

Ông Dương Văn Khôi, nguyên Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Đông Hưng, kể: “Máy cày thì dân làm ruộng ai không biết, còn máy cày “lội nước” của Tư Rô nó ngộ quá. Lúc đầu bà con bán tín, bán nghi, nhưng khi vận hành thử thì kết quả quá sức mong đợi. Ai sử dụng cũng bị thuyết phục hoàn toàn về hiệu quả, lợi ích chi phí và đồng ý rằng, chưa có nhà khoa học nào làm ra cái loại máy lạ đời mà công dụng kỳ diệu như máy của ông Tư Rô hết”.

Dẫn giải thêm về ý tưởng của máy cày “lội nước”, ông Tư Rô cho biết: “Cải tạo vuông tôm hay ao tôm công nghiệp là để tái tạo môi trường đất mới cho con tôm sinh trưởng, cơ chế cũng như cày ruộng để trồng lúa, nhưng cái khác là máy phải hoạt động trong môi trường đầm nước. Máy cày “lội nước” là câu trả lời chớ còn gì nữa, đơn giản vậy thôi”.

Với kết cấu chính gồm động cơ máy đuôi tôm, trục cày, hệ thống phao nổi, tay cầm lái vận hành, bản vẽ thiết kế của ông Tư Rô hình thành rõ ràng trong đầu và được vẽ ra “đại khái” trên tập học sinh.

“Quá trình làm ra cái máy đầu tiên khó khăn lắm chớ. Nhưng những cái đầu tiên thì đâu ưng ý được, tui phải đi thực tế coi bà con sử dụng ra sao, ý kiến thế nào để điều chỉnh thêm. Cái nữa là tìm tòi, học hỏi trên internet, thời đại số nên nhiều cái học được nhanh chóng và hữu ích lắm. Từ đó cái máy của mình không chỉ hoàn thiện về kỹ thuật mà còn cả tính ứng dụng và hiệu quả thực tế”.

Với giá thành không quá 20 triệu đồng/máy cày, trọng lượng khoảng 100 kg, hoạt động trên mọi điều kiện địa hình, 5 loại máy cày của ông tư Rô sáng chế đã đáp ứng linh hoạt công năng sử dụng tuỳ theo nhu cầu của nông dân: Máy cày trục đổi đất nuôi tôm quảng canh, đầm tôm công nghiệp; máy cày xới đất trồng bồn bồn; máy cày phơi đất phục vụ vùng đất lúa – tôm; máy cày cải tạo môi trường nuôi tôm phù hợp với tất cả các mô hình nuôi, máy cày cải tạo đất trồng hoa màu...

Nhưng cái chính, như lời gan ruột của ông: “Phải giúp ích được bà con, để bà con bớt phần vất vả, bớt tốn kém chi phí trong lao động sản xuất. Còn cái máy nó đã tốt, mình tiếp tục nghiên cứu cho nó tốt hơn nữa, cái đó là tâm nguyện phấn đấu của đời tui”.

Máy cày của ông Tư Rô được đặt tên là “Máy cày phao nổi và máy trục - ước mơ nhà nông”, còn chủ nhân của chiếc máy được trìu mến gọi với danh xưng “Ông Tư máy cày” mà bà con nông dân Cà Mau và khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã trọn lòng tin cậy, hàm ơn.

Những danh hiệu từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương khiến bản thân ông Tư Rô thấy mình càng phải nỗ lực phấn đấu nhiều thêm: “Tôi may mắn có sự hỗ trợ, đồng hành, động viên của người thân, bạn bè, các cấp, các ngành, nhất là gởi gắm của bà con nông dân. Nghiệm ra rằng, muốn làm được điều gì có ích cho bản thân, cho cộng đồng thì đều bắt đầu từ ý thức học hỏi mọi lúc, mọi nơi. Sự học hỏi là không ngừng nghỉ, suốt đời học hỏi cũng không bao giờ là đủ”.

Năm 1931, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ở xứ Rạch Gốc (Ngọc Hiển) tận chót Mũi Cà Mau, từ lớp học của thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã ngời lên ánh sáng chân lý của tri thức, của thời đại với con đường cách mạng mà Bác Hồ, Đảng ta đã lực chọn cho dân tộc. Lời của Giáo Hiển thức tỉnh, xoá tan màn đêm cho những phận người nô lệ, mất nước dưới chính sách “ngu dân” của giặc cướp nước và bè lũ tay sai: “Sự dốt nát lu mờ của dân tộc, của giai cấp cần lao là nỗi sỉ nhục, là hiểm hoạ lớn nhất”; công việc khai hoá dân trí cho đồng bào là công việc “cấp cứu”. Tên tuổi của nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển tạc bất tử vào lịch sử Cà Mau với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940) lừng lẫy và được xác tín là người đã khai mở truyền thống hiếu học, coi trọng việc học tập của vùng đất này trong thời đại Hồ Chí Minh.

Theo sự gợi mở ấy, chúng tôi về Thới Bình. Ông Nguyễn Trọng Quý, Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, tự hào giới thiệu: “Chuyện gì không biết chớ chuyện học hành ở xứ này là công việc quan trọng hàng đầu của người người, nhà nhà. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc chớ không để con cháu mình chịu cảnh dốt chữ. Cũng nhờ học hành, nhiều thế hệ con em Thới Bình trưởng thành, trở thành công dân tốt, cán bộ tốt, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.

 

Trong câu chuyện, ông Quý kể về dòng họ Lê ở Thới Bình với nhiều điều tâm đắc: “Sự học là của mỗi người, thế nhưng môi trường học tập là gia đình, họ hàng, rồi nhà trường, cộng đồng xã hội. Phải có môi trường tốt thì học tập mới đơm hoa, kết trái được. Người trước làm gương cho người sau, cứ thế nối tiếp nhau để tinh thần học tập trở thành nếp nghĩ, cách làm, thành sợi chỉ đỏ nối dài mãi”.

“Nhờ học tập mà thế hệ cha ông chúng tôi đã lưu lại tiếng thơm cho hậu thế, đó là ông Lê Văn Chương, ông Lê Hải Triều, là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, cán bộ có nhiều đóng góp cho cách mạng. Năm 1954, nhiều con em họ Lê được Đảng, Bác Hồ cho đi tập kết ra Bắc để học tập, đào tạo, sau này trở thành kỹ sư, bác sĩ, cán bộ để góp sức cho Tổ quốc. Truyền thống ấy được họ Lê tiếp tục kế thừa, phát huy mãi mãi”, ông Lê Đoàn Kết chia sẻ thêm.

Theo nhẩm tính, chỉ từ 2014 đến nay, họ Lê ở đất Thới Bình có khoảng 40 tấm bằng đại học, sau đại học. Con số ấy tiếp tục tăng tiến qua từng năm. Ông Kết chiêm nghiệm: “Bằng cấp thì cũng quan trọng, sâu xa hơn chính là nhờ học tập, nỗ lực bằng những con đường khác nhau, cách thức khác nhau mà con cháu họ Lê ở Thới Bình đều trở thành công dân tốt, có cuộc sống ổn định, có đóng góp hữu ích cho xã hội. Dòng họ chúng tôi nhắc nhở nhau về chuyện học với nhiều góc độ, cái nào cũng quan trọng. Học làm người là trước tiên, là nền tảng; học kiến thức, trường lớp là để mở mang trí tuệ, mở ra cơ hội phát triển; học và thực hành cách sống, lý tưởng sống đúng đắn là công việc suốt đời”.

Câu chuyện đẹp về những vùng “đất học” ở Cà Mau hiện hữu sinh động, tin cậy, chắp thêm tin yêu cho chúng tôi khi ghé thăm vùng đất Đầm Dơi. Như kinh nghiệm dân gian, muốn biết nơi đâu sung túc thì ghé chợ, còn muốn biết chuyện học hành tốt hay không thì tất nhiên phải đến... trường học. Địa chỉ chúng tôi chọn đến một cách chủ đích là Trường THPT Đầm Dơi – một trong những “thương hiệu” danh tiếng của giáo dục Cà Mau - nơi hội tụ, kết tinh đầy đủ nhất những mùa hoa thơm, trái ngọt và rạng danh truyền thống hiếu học của vùng đất xứ Đầm “địa linh, nhân kiệt”.

Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi, tâm sự rằng: “Thành tích, truyền thống của nhà trường bắt đầu từ tinh thần hiếu học, coi trọng việc học tập của con người Đầm Dơi. Chuyện gì cũng vậy, phải “có bột mới gột nên hồ”. Nhà trường thừa hưởng kết quả giáo dục của các nhà trường ở bậc học dưới, nền tảng vững vàng ấy đã giúp chất lượng giáo dục của đơn vị luôn ổn định và đạt nhiều kết quả khích lệ trong suốt chặng đường qua”.

Là ngôi trường luôn thuộc tốp đầu của tỉnh Cà Mau về chất lượng giáo dục, Trường THPT Đầm Dơi còn có một nét đẹp rất riêng, thấm đẫm nghĩa tình, đó là việc nhiều cựu học sinh của trường sau khi học tập lại quay về trở thành giáo viên, nối tiếp truyền thống và khêu sáng giấc mơ tri thức cho thế hệ kế cận.

Như để giải toả thắc mắc, thầy Hưng tiếp lời: “Những giáo viên từng là cựu học sinh của trường đều là những người thầy đầy đủ năng lực về tri thức, phẩm chất, có khát vọng quay về để đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở quê nhà. Nhiều thầy cô giáo trong số ấy có thành tích công tác xuất sắc. Điều đó đã góp nên bản sắc, niềm tự hào và truyền thống của nhà trường và là tài sản quý báu được giữ gìn, phát huy, lan toả”.

Hình thành từ năm 1980, Trường THPT Đầm Dơi trải qua nhiều chặng đường phát triển, khẳng định vị trí. Biết bao lớp học sinh đã trưởng thành, toả đi muôn nơi để cống hiến, phụng sự cho quê hương, đất nước.

“Hành trang của nhà trường không chỉ cho tôi kiến thức mà là những tình cảm sâu nặng, những bài học quý báu để làm người, sống đúng, sống hữu ích. Đó cũng là những điều tôi trao gởi lại học sinh của mình, những thế hệ sẽ tiếp nối truyền thống hiếu học, làm rạng danh sức vóc, trí tuệ của con người vùng đất Đầm Dơi”, thầy Đức bộc bạch.

Chúng tôi đã đi, đã thấy, đã tin về truyền thống hiếu học của quê hương Cà Mau. Nhưng không điều gì tự nhiên mà có, mà vẹn thành. Chúng tôi muốn nhìn sâu hơn, để đi tới cùng tận tâm thế và cách thức mà Cà Mau giữ lửa, truyền lửa và làm bừng sáng công tác khuyến học, khuyến tài - công việc vun gốc cho trăm năm và mãi mãi tương lai.

Hải Nguyên – Băng Thanh

Đồ hoạ: Lê Tuấn