Lao động thời vụ cũng là hình thức xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhưng người lao động chỉ đi trong thời gian ngắn (5-6 tháng), không cần quá nhiều thủ tục, kinh phí, nhưng vẫn được đảm bảo công việc ổn định, có thu nhập khá cao. Hình thức lao động này đang được người lao động ưa chuộng và mong muốn xuất ngoại để làm việc, thay đổi cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Huyện Thới Bình là địa phương thực hiện tốt hình thức lao động thời vụ. Vừa qua, huyện đã kết ký kết thoả thuận với quận Buan, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc, để đưa lao động địa phương này sang làm việc thời vụ. Tháng 5/2024, huyện đưa 50 lao động đi làm việc tại tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc. Kết thúc hợp đồng, 21 lao động được gia hạn thêm 45 ngày, các lao động khác trở về quê hương.

Phấn khởi khi nhận về mức lương cao, đó là tâm trạng chung của nhiều lao động huyện Thới Bình khi trở về từ lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người lao động khi có chuyến làm việc hiệu quả tại xứ sở Kim Chi.

 

Được biết, chị Xen cùng nhiều lao động tại tỉnh Cà Mau được lao động thời vụ nghề nông tại Hợp tác xã Nông nghiệp của quận Buan, tỉnh Jeollabuk. Hằng ngày mọi người đi thu hoạch nông sản như ớt, cà chua, dâu tây, rau cải... Mỗi tháng bình quân thu nhập mỗi người tầm 30 triệu đồng tiền Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ, qua 5 tháng, 25 ngày làm việc, sau khi trừ các chi phí, mỗi lao động có tổng thu nhập mang về khoảng 135 triệu đồng. Bên cạnh đó, tại đây mọi người còn được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ như: thời gian làm việc 8 giờ, nếu tăng ca thì không quá 2 giờ, có xe đưa rước, chỗ ăn, ở, sinh hoạt thoải mái. Người lao động làm việc được Hợp tác xã đăng ký tham gia 4 loại bảo hiểm, đóng một số loại thuế theo quy định của Hàn Quốc…

Những ký kết thoả thuận giữa huyện Thới Bình và quận Buan, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc, đã mang đến niềm tin cho người lao động khi họ được làm việc trong môi trường phù hợp với bản thân, nhiều chế độ ưu đãi, chính sách bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động Việt Nam, đã mang đến niềm tin, để nhiều gia đình khó khăn tự tin tiếp cận với XKLĐ.

Ông Trần Thanh Trung, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ĐTB&XH huyện Thới Bình, chia sẻ: “Nhiều lao động tại huyện Thới Bình rất vui mừng khi tham gia lao động thời vụ. Chỉ hơn 5 tháng nhưng thu nhập mỗi người hơn 100 triệu đồng tiền Việt Nam. Thật sự Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đã mở ra nhiều cơ hội, điều kiện để người lao động tiếp cận với thị trường lao động quốc tế. Lựa chọn được công việc phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện bản thân, nguồn thu ngoại tệ tăng cao so với khi làm việc trong nước, giúp nhiều lao động địa phương ổn định cuộc sống, giảm nghèo hiệu quả”.

 

“Nếu so sánh 1 tháng làm việc ở Việt Nam thì bên Hàn Quốc, tôi thu nhập gấp nhiều lần, vì ngoại tệ có giá cao. Tôi không bằng cấp chuyên môn, ở đây đi lột tôm thu nhập không bao nhiêu. Chật vật hơn khi tôi đơn thân lo cho 3 đứa con đang tuổi học hành. Nhờ tham gia lao động thời vụ ở Hàn Quốc mà gia đình có thêm nguồn thu nhập, bản thân tôi cũng được trải nghiệm về nền nông nghiệp hiện đại”, chị Tươi tâm sự.

Giấc mơ đổi đời của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần trở thành hiện thực khi họ tự tin tham gia xuất khẩu lao động tại những quốc gia có nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người lao động tỉnh Cà Mau nói chung, nâng cao được cả về tay nghề và nguồn thu nhập. Đây sẽ là bước đệm quan trọng để công cuộc giảm nghèo của tỉnh tiếp tục đi lên vững chắc.

BÀI 1: RÚT NGẮN HÀNH TRÌNH GIẢM NGHÈO

BÀI 3: ĐỀ ÁN ĐÚNG, QUYẾT SÁCH HAY

Xuất bản ngày: 23/11/2024