Giải quyết việc làm nói chung và công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm cho thanh niên trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội. Có việc làm ổn định sẽ góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Những quyết sách đúng đắn của tỉnh Cà Mau đã mở ra nhiều cơ hội để người lao động tiếp cận thị trường lao động quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng.
Từ năm 2018 đến nay, trải qua 2 giai đoạn (2018-2022) và (2022-2025), Đề án Đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng được triển khai và thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã kết nối và thực hiện tuyển chọn, đưa 1.750 lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc tại các nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc (theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc - EPS và chương trình lao động thời vụ). Trong đó, Nhật Bản 1.029 người, Đài Loan 469 người, Hàn Quốc 228 người và các thị trường khác 24 người.
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 409 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dài hạn, bên cạnh đó, cũng có trên 70 người lao động xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng thời vụ tại Hàn Quốc, đạt 68,16% chỉ tiêu. Tính bình quân thu nhập của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài dao động khoảng trên 30 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Đề án đã tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp với khả năng tài chính của người lao động tỉnh Cà Mau.
Bà Quách Thanh Thoảng đánh giá: “Có thể khẳng định một điều rằng, xuất khẩu lao động là một hướng đi đúng đắn giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Người lao động không chỉ có thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện sống của chính mình mà còn gửi tiền về hỗ trợ gia đình, nâng cao mức sống của người thân tại quê nhà. Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động còn mang lại những kỹ năng và kinh nghiệm quý báu khi làm việc tại các quốc gia phát triển, hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa, nâng cao năng lực cá nhân, có cơ hội áp dụng những kiến thức mới khi trở về quê hương, góp phần phát triển kinh tế địa phương”.
Có thể thấy, hiện nay, thị trường xuất khẩu lao động ngày càng rộng mở, không chỉ ở những thị trường truyền thống, thu nhập thấp mà đã mở ra nhiều cơ hội việc làm có thu nhập cao tại những thị trường khó tính. Đây không chỉ là cơ hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà còn là chìa khoá nâng chất lượng nguồn nhân lực.
Hơn 6 năm thực hiện đề án, xuất khẩu lao động đã trở thành xu hướng mới của người dân địa phương, nhất là những đối tượng trong độ tuổi lao động.
Nói về cơ hội rộng mở cho lao động đi xuất khẩu lao động trong thời gian tới, trong buổi tư vấn giới thiệu việc làm tại huyện Ngọc Hiển vừa qua, bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông tin: 'Trung tâm lao động ngoài nước là đơn vị được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng theo các chương trình phi lợi nhuận mà Bộ Lao động đã trực tiếp ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể là đưa người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; làm việc tại Nhật Bản IMSpan và OSAKA; làm việc tại Cộng hoà liên bang Đức, Đài Loan, Úc… với nhiều ngành nghề đa dạng như điều dưỡng, phục vụ nhà hàng, khách sạn, công nghệ ô tô, điện tử, nông nghiệp…
Cánh cửa lương lai tươi sáng trong hành trình giảm nghèo đang dần được hiện thực hóa trong cách nghĩ, cách làm của những người trong cuộc.
Tại những “miền đất hứa”, người lao động tỉnh Cà Mau khi xuất ngoại làm việc, họ tự tin khẳng định bản thân trên chặng đường đổi đời bằng chính năng lực và kỳ vọng về tương lai. Xuất khẩu lao động sẽ càng lan toả nhiều hơn từ chính câu chuyện người thật, việc thật, để người lao động tỉnh Cà Mau tự tin tham gia làm việc ngoại quốc, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.