Giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà Nước và là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Cà Mau đã xác định trong những năm qua. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, công tác giảm nghèo của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, giải pháp được cho là “chìa khoá” để mở cánh cửa tương lai, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả cho người lao động hiện nay của địa phương chính là xuất khẩu lao động.

Từ một gia đình nghèo khó, chỉ vỏn vẹn 3 công đất trồng lúa, nhà cửa lụp xụp; vợ chồng ông Dương Văn Kiệt, ấp Tân Tiến, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời giờ đây sống trong ngôi nhà khang trang trị giá gần 800 triệu đồng, mua thêm được đất canh tác. Đó không chỉ nhờ vào nỗ lực của gia đình mà còn có sự góp sức không nhỏ của đứa con trai đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài những năm qua.

Ông Kiệt mãn nguyện: “Hồi xưa nghèo lắm, nợ nần, chật vật lo cho mấy đứa con đi học. Khi đó hai vợ chồng phải làm lụng vất vả, cắt lúa mướn, phát cỏ để kiếm tiền nuôi 6 miệng ăn. Giờ trả hết nợ, cất được nhà, cuộc sống được ổn định vậy là mừng rồi”.

Con trai lớn của ông Kiệt là anh Dương Quốc (sinh năm 1982) đi XKLĐ sang Hàn Quốc gần 10 năm qua. Theo lời ông Kiệt chia sẻ, anh Quốc làm trong công ty phụ tùng xe ô tô với mức lương hợp đồng 60 triệu đồng/tháng. Nhờ vào sự chịu khó của anh Quốc, cộng với tích góp của gia đình, từ 3 công đất ruộng, nay gia đình ông Kiệt đã sở hữu 18 công đất nuôi tôm.

Ông Kiệt dẫn chúng tôi qua cây cầu ngang sông, đến thăm vài hộ gia đình cũng có con xuất ngoại. Đó là gia đình chị Trương Thị Kiệp, có 2 đứa con (1 trai, 1 gái); đứa con trai lớn 27 tuổi của vợ chồng chị cũng quyết tâm đi XKLĐ sang Hàn Quốc để cải thiện đời sống gia đình.

Chị Kiệp chia sẻ: “Trước hoàn cảnh cũng khó khăn, nuôi tôm thất bát, vợ chồng tôi đi làm hồ, làm mướn, cuộc sống bấp bênh, thiếu trước hụt sau. Gia đình chỉ có 1 thằng con trai nên khi nó đi mình cũng lo lắm. Từ lúc con đi tới giờ cũng hơn 1 năm rồi, công việc bên đó ổn định, mỗi tháng con gửi về tầm 30 triệu đồng”.

Do hoàn cảnh khó khăn, được sự hỗ trợ từ chính sách cho vay xuất khẩu lao động, gia đình chị Kiệp vừa vay, vừa mượn gần 200 triệu đồng từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội và người thân để chi phí cho con trai đi Hàn Quốc. Hơn 1 năm nay, với số tiền hằng tháng con gửi về, gia đình chị đã trả hết số nợ vay, mượn trước đó và còn dư ra chút đỉnh để chăm lo gia đình.

“Nó nói "tết này con về, nhưng con sẽ đi nữa, khi có tay nghề sẽ được tiếp tục hợp đồng lao động". Nó quyết tâm làm để dành dụm cưới vợ, cất nhà”, chị Kiệp tự hào khi kể về con trai mình.

Huyện Trần Văn Thời là địa phương thực hiện khá tốt công tác xuất khẩu lao động so với các huyện, thành phố trong tỉnh. Nhờ công tác tuyên truyền tích cực, nhận thức của người dân không ngừng nâng lên. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã đưa được 286 người tham gia lao động và học tập ở các thị trường ngoài nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Nhiều trường hợp hộ gia đình cầm cố đất, không có đất canh tác, nhưng khi có con, em tham gia XKLĐ đã tích luỹ được nguồn ngoại tệ gửi về cho gia đình chuộc lại đất đai, mua thêm đất canh tác. Những hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có con đi xuất khẩu lao động hầu hết đều thoát được nghèo, vươn lên trung bình, khá, địa phương cũng không còn gánh nặng.

Một số trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi trở về có điều kiện khởi nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương; một số tham gia làm việc ở các công ty, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có thu nhập cao và ổn định".

Tính ưu viết và nhân văn từ Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc nước ngoài, giai đoạn 2021-2025 dần tạo được sức lan toả sâu rộng. Người lao động cập nhật nhiều thông tin chính thống nên mạnh dạn tham gia, vượt qua rào cản về địa lý, thời gian. Lao động ở nước ngoài không chỉ có nguồn thu nhập cao, người lao động còn có thêm nhiều trải nghiệm về văn hoá, tập quán, phong cách làm việc hiện đại của người lao động nước ngoài.

Cứ như thường lệ, tầm khoảng 20 giờ mỗi buổi tối, vợ chồng anh Lê Văn Trung và chị Ngô Thị Phương, Ấp 7, xã Khánh Lâm, huyện U Minh lại mở Zalo nghe điện thoại từ con trai đang lao động ở Hàn Quốc gọi về. Với vợ chồng anh Trung, con trai là niềm tự hào của gia đình, bởi dù gia đình không phải thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, nhưng với ý chí vươn xa lao động, lập thân lập nghiệp, giờ con trai anh chị đã có công việc với mức lương khá ổn định.

Xã Khánh Lâm cũng là địa bàn có đông lao động trong độ tuổi đi XKLĐ, nhiều nhất huyện U Minh. Ông Đào Quốc Kiểng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện U Minh, thông tin: “Người lao động đi xuất khẩu từ 2 năm trở lên ở nước ngoài, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình rất cao. Mỗi tháng các em gởi tiền về cho gia đình từ 20-30 triệu đồng. Đây là số tiền thực tế khảo sát ở một số gia đình. Năm 2023 huyện đã đưa 45 lao động, năm 2024 có 56 lao động đi xuất khẩu, đạt 94%.

Có thể thấy, hiện nay, XKLĐ đã trở thành xu hướng mới của người dân địa phương, nhất là những lực lượng người trong độ tuổi lao động. Hướng đi này mở ra cơ hội việc làm với mức lương cao, thu nhập ổn định, giúp cải thiện điều kiện sống của người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

BÀI 2: LAO ĐỘNG THỜI VỤ - “HIỆN THỰC HOÁ” GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI

BÀI 3: ĐỀ ÁN ĐÚNG, QUYẾT SÁCH HAY