(CMO) Không chỉ đẹp về cảnh sắc, tài nguyên thiên nhiên, mà vùng đất U Minh còn có những làng nghề truyền thống mang đậm hồn quê, đó là nghề đan đát sàng, sịa, rổ, nia… bằng tre trúc, tồn tại gần 100 năm qua.
Bà con xứ rừng U Minh, ngoài chăm sóc rừng, lúa, cây ăn trái…, lúc nhàn rỗi thường tranh thủ đan đát để tăng thu nhập, điển hình như ở xã Nguyễn Phích. Người dân nơi đây rất tự hào với nghề đan đát, bởi nghề này không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình mà còn là nghề “cha truyền con nối”, được gìn giữ và trao truyền qua bao thế hệ.
Ven đường về U Minh. |
Cụ bà Nguyễn Thị Bé năm nay 81 tuổi, ở Rạch Chệt, có trên 60 năm đan sàng, sịa. Bà đã truyền nghề cho con, cháu, người thân trong gia đình, bà con lối xóm, để góp sức gìn giữ cái nghề mà cha ông để lại.
Cụ bà Nguyễn Thị Bé năm nay 81 tuổi, ở Rạch Chệt, đã có trên 60 năm làm nghề đan đát sàng, sịa. |
Bàn tay khéo léo của người đan đát sàng, sịa, rổ, nia…
Sịa có lòng nông, lỗ thưa; sàng có lòng sâu, lỗ nhỏ, là những vật dụng trước đây thường dùng để sàng gạo thóc, tấm và cám... Ngày nay, sản phẩm sàng, sịa bán rất chạy ở miền biển, dùng để phơi cá khô, tôm khô, sàng ruốc…
Chị Liên Ngọc Giàu được cụ bà Nguyễn Thị Bé truyền nghề, đến nay chị Giàu là một trong những người đan sàng, sịa có tiếng xứ Nguyễn Phích. |
Có dịp về U Minh, du khách đừng quên ghé xã Nguyễn Phích để khám phá làng nghề đan đát, chọn mua những sản phẩm thủ công truyền thống tuy mộc mạc nhưng chứa đựng cả hồn quê.
Những năm gần đây, rất nhiều đơn hàng từ các hộ làm nghề biển ở Trần Văn Thời, Ðầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển… sử dụng sản phẩm sàng, sịa để phơi tôm, khô, sàng ruốc, mang đến lợi nhuận cho bà con làm nghề đan đát ở xã Nguyễn Phích. |
Anh Duy thực hiện