(CMO) Xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) có 201 hộ đồng bào dân tộc Khmer, kết quả từ việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là đòn bẩy, động lực để Nhân dân xã nói chung, đồng bào dân tộc nói riêng vươn lên, ổn định cuộc sống.
Hộ chị Lý Kim Em (Ấp 3) không chỉ tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình, trở thành hộ khá giàu, mà còn tiêu biểu về giữ nghề đan đát truyền thống vốn có ở địa phương trên 30 năm qua. Chị Kim Em cho biết, vườn trúc khoảng 300 m2 được gia đình trồng gần 20 năm nay, từ đó, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, gia đình duy trì nghề đan đát, vừa có sản phẩm phục vụ sinh hoạt trong gia đình, vừa thêm nguồn thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng.
Gia đình chị Lý Kim Em (Ấp 3) trồng trúc, tạo nguồn nguyên liệu duy trì nghề đan đát truyền thống tại địa phương. |
Gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ và anh Thạch Văn Ô (Ấp 7) có 3 công đất sản xuất, nhưng do sản xuất kém hiệu quả, con nhỏ, nên năm 2016 gia đình rơi vào hộ nghèo. Xét thấy gia đình anh Ô chí thú làm ăn, cuối năm 2020, chính quyền địa phương ưu tiên xét hỗ trợ 40 triệu đồng cất nhà, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tạo điều kiện cho gia đình được vay vốn 20 triệu đồng từ dự án nước sạch vệ sinh môi trường để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, khoan giếng nước; đồng thời hỗ trợ 170 con vịt giống, 10 bao thức ăn, vốn đầu tư mua máy cắt cây, tạo việc làm cho anh Ô… Từ đó, gia đình anh Ô có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. Cùng năm, gia đình tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Hiện nay, với nghề cắt cây thuê, anh Ô có thu nhập bình quân 200.000-300.000 đồng/ngày; chị Mỹ thì gầy đàn và duy trì chăn nuôi gia cầm. Chị Mỹ khẳng định: “Ðảng, Nhà nước đã tạo điều kiện giúp hộ nghèo có nhà mới, có vốn sản xuất… Phần còn lại thì bản thân gia đình phải cố gắng vươn lên, góp phần cùng địa phương trong công tác giảm nghèo”.
Với việc học tập và làm theo Bác, bà Ðặng Thị Lan (Ấp 7) cho rằng, có nhiều cách để học Bác, riêng bà, học Bác bằng việc góp sức trồng hoa, hàng rào cây xanh, tận dụng đất trống trồng hoa màu giúp tăng thêm thu nhập và tạo diện mạo đẹp vùng nông thôn, góp phần cùng địa phương xây dựng NTM. Bà cũng cho rằng, bản thân mình phải ra sức lao động, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc…
Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Trần Quốc Sự cho biết: “Ðã qua, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của mỗi người dân, xã đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: hỗ trợ vay vốn, đất ở, đất sản xuất, con giống, triển khai các công trình an sinh trên địa bàn ấp có đông đồng bào dân tộc… Ngoài ra, địa phương cũng tranh thủ vận động mạnh thường quân xây dựng cầu giao thông nông thôn trên tuyến có đông đồng bào dân tộc sinh sống; vận động xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc. Trong 2 năm (2019-2020) vận động xây dựng được 5 căn, trị giá mỗi căn 40 triệu đồng… Qua đó, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn xã nói chung và trong đồng bào dân tộc nói riêng. Cuối năm 2020, xã còn 183 hộ nghèo, chiếm 3,7%, trong đó còn 20 hộ nghèo là đồng bào dân tộc”./.
Loan Phương