(CMO) “Ven biển Đông không có hệ thống đê, nên tình hình sạt lở hiện đang diễn biến rất nghiêm trọng. Nếu không kịp thời có giải pháp trong đầu tư hệ thống kè bảo vệ bờ thì mỗi năm mất đi khoảng 200 ha”, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTN tỉnh Cà Mau, thông tin.
Từ đây đến cuối năm, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc sẽ kéo theo mực nước dâng cao, khu vực ven biển Đông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, làm cho tình trạng sạt lở đất ven biển, mất đai rừng phòng hộ thêm nghiêm trọng.
“Hiện, nhiều vị trí sâu vào trong từ 45-50 m, tại những vị trí xung yếu sạt lở tiến sâu vào phía trong từ 80-100 m mỗi năm, gây áp lực lên hạ tầng xây dựng, đặc biệt nguy cơ ảnh hưởng đến đường Hồ Chí Minh”, ông Nam chia sẻ.
Thiên tai ngày càng gây áp lực lớn lên bờ biển Cà Mau, mỗi năm, làm mất đi khoảng 200 ha đất rừng ven biển. (Ảnh: Nước biển dâng kèm sóng lớn đánh vào đai rừng nằm sâu phía trong các tuyến sông ra biển bên bờ Đông, huyện Ngọc Hiển). |
Đã qua, từ nhiều nguồn lực đầu tư, Cà Mau đã tập trung xây dựng trên 40 km đê biển Tây, cùng với đó là hệ thống kè hộ đê kéo dài từ Tiểu Dừa (Khánh Tiến - U Minh) đến thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, ngăn chặn được tình trạng sạt lở, đang tạo được độ bồi lắng phù sa ven bờ, tiến tới khôi phục đai rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, Cà Mau vẫn còn trên 16 km tuyến bờ Tây đang trong tình trạng cần có giải pháp xử lý khẩn cấp bởi mức độ sạt lở rất nghiêm trọng, với nhu cầu nguồn vốn khá lớn trên 930 tỷ đồng, trong khi đó hỗ trợ từ Trung ương chỉ 150 tỷ đồng. Cùng với đó, 20 km cho 4 dự án cần xử lý khẩn cấp bờ Đông chưa có nguồn đầu tư.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, chỉ từ năm 2015 đến nay, Cà Mau đã mất đi 2.100 ha rừng phòng hộ ven biển. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng cao khi mà các dự án khẩn cấp chưa được triển khai kịp thời do thiếu và không có nguồn đầu tư./.
Trần Nguyên