(CMO) Không chỉ ở thành thị mà ở những vùng quê, vùng nông thôn trong tỉnh, công tác phòng, chống dịch cũng được quan tâm hàng đầu.
“Ở quê mà, có gì ăn đó; đi ra đồng hái vài cọng bông súng, câu mấy con cá rô là có bữa cơm quê giản đơn rồi…”, ông Nguyễn Văn Chín, ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, cho biết.
Về vùng ngọt hoá xã Khánh Lộc, tìm hiểu công tác chống dịch nơi đây, Phó chủ tịch UBND xã Ðinh Tấn Lạc cho biết: “Trước khi Chỉ thị 16 được ban hành, xã đã tiến hành tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trên trạm truyền thanh (mỗi ngày 2 lần). Bên cạnh đó, xã cũng thành lập 2 tổ tuyên truyền (mỗi tổ 5 thành viên), trong đó mỗi ấp cử 2 đồng chí. Tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh mỗi ngày từ 2-3 lần cho bà con nắm được tình hình dịch bệnh cũng như thông điệp 5K...".
Hiện tại, 9/9 ấp của xã Khánh Lộc đã trang bị mỗi ấp 2 loa di động để tuyên truyền phòng, chống dịch thường xuyên. |
Và khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bà con ý thức cao và thực hiện rất tốt, đặc biệt là những người từ vùng dịch trở về, bà con cũng thông tin cho ấp, xã. Tuy ở vùng quê nhưng trên địa bàn xã có một chợ nhóm và một số tiểu thương buôn bán tạp hoá, vì thế, những ngày qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã đến từng hộ tiểu thương nhắc nhở, căng dây giữ khoảng cách 2 m đối với người mua, để sẵn nước rửa tay và khẩu trang, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Chợ nhóm vẫn được phép hoạt động nhưng cho ngồi giãn cách và không còn chạy xe đi bán như trước nữa.
Chị Nguyễn Thu Thuỷ, ấp Rạch Ruộng A, xã Khánh Lộc, là tiểu thương bán tạp hoá đã nhiều năm ở địa phương, thông tin: “Ai đến đây mua đồ cũng phải bắt buộc tuân thủ 5K hết, giữ khoảng cách 2 m để bảo vệ mình và mọi người”.
Tại quầy thuốc Khánh Lam, ấp Rạch Ruộng A, từ ngày giãn cách xã hội, chị Tô Như Liên (chủ quầy thuốc) đã làm bộ khung có “cầu trượt” nhằm tuân thủ khoảng cách 2 m khi người dân đến mua thuốc. Chị Liên cho biết: “Ngày đầu tiên giãn cách là thực hiện liền, tôi tìm tòi học hỏi trên mạng, bạn bè bán thuốc khác, làm sao để thuận tiện hơn cho người dân đến mua thuốc và vẫn giữ được khoảng cách”.
Sáng kiến mới của quầy thuốc tây Khánh Lam (ấp Rạch Ruộng A) giúp người dân giữ khoảng cách 2 m khi đến mua thuốc. |
Trưởng ấp Vườn Tre Nguyễn Văn Thiết thông tin: “Ðầu tiên là cho người dân thực hiện ký cam kết phòng chống dịch, đặc biệt là thông điệp 5K. Ấp vẫn tiếp tục phát loa truyền thanh khắp ấp; đặc biệt xử lý nghiêm trường hợp người từ vùng dịch trở về mà không khai báo y tế. Hiện tại ấp có 1 hộ đang cách ly y tế hộ gia đình, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, tránh trường hợp họ đi ra ngoài”.
Ở nông thôn bà con chỉ nghe các thông tin về dịch bệnh qua báo chí, truyền hình, vai trò cầu nối vẫn là các ấp phổ biến cho người dân: “Chỉ thị 16 không phải là ngăn sông cấm chợ, bà con vẫn phải tiêu thụ hàng hoá để phát triển kinh tế. Trước đây hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, còn giờ thì ai ở nhà nấy”, ông Thiết phân trần.
Ấp Vườn Tre hiện tại có 216 ha lúa hè thu đang giai đoạn đứng cái làm đòng, dự kiến đến cuối tháng 8 dương lịch sẽ bắt đầu thu hoạch. Ông Dương Văn Hưng, ấp Vườn Tre, mong muốn thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tiếp cận và thu mua lúa của bà con.
Những ngày giãn cách xã hội cũng như một phép thử cho người dân. Nhìn chung, bà con lúc đầu cũng lo lắng, nhưng thông qua nhiều biện pháp tuyên truyền của địa phương, bà con đã hiểu rõ hơn, không còn hoang mang, lo sợ. Nói vui như ông Nguyễn Văn Chín, ấp Vườn Tre: “Giờ gạo có sẵn, cá đồng cũng có; chỉ còn mua thêm những nhu yếu phẩm đơn giản khác thôi chứ không lo lắng gì nhiều”.
Ông Ðinh Tấn Lạc cho biết, đã qua có 3 hộ cách ly y tế tại nhà, địa phương cũng vận động tặng gạo, mì gói, tiền mặt, các nhu yếu phẩm cần thiết… Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, quan trọng nhất là mỗi người dân phải nâng cao ý thức, mỗi người là một lá chắn để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cộng đồng xã hội./.
Nhật Minh