Cà Mau vừa ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển trên địa bàn, tất cả đều trên tuyến biển Ðông, với 6 vị trí đặc biệt nguy hiểm, dài gần 30 km, nhu cầu vốn đầu tư khẩn cấp trên 2,2 ngàn tỷ đồng để xây dựng kè chắn sóng, ngăn chặn sạt lở, bảo vệ bờ biển. Trong đó, riêng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã có đến 4 vị trí, với chiều dài cần đầu tư hệ thống kè 20.150 m, nhu cầu vốn trên 1,6 ngàn tỷ đồng.
Không còn rừng phòng hộ, sóng biển tiếp tục bào mòn và phá huỷ đất rừng sản xuất. Những đầm tôm, nhà cửa của người dân vùng rừng ngập bên bờ biển Ðông giờ đối mặt với biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trước thiên tai; nhiều người đã tính đến việc phải rời đi khi mùa mưa bão đang về.
Chưa có kè chắn sóng bảo vệ, đai rừng phòng hộ vốn dày đặc bên bờ biển Ðông nay đã bị phá huỷ hoàn toàn. (Ảnh chụp trên địa bàn xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển).
Anh Nguyễn Việt Khái, Trưởng ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Trước đây, khi còn rừng phòng hộ, người dân phía trong yên tâm bám trụ sản xuất rừng - tôm, ổn định cuộc sống. Những năm gần đây, bờ biển sạt lở rất nhanh, đai rừng phòng hộ biến mất, sóng biển tiến vào tàn phá vuông tôm nên nhiều người phải bỏ xứ ra đi. Hiện chỉ còn khoảng 15 hộ theo tuyến biển bám trụ, nhưng sản xuất cũng chỉ cầm chừng và luôn trong tâm trạng âu lo trên phần diện tích ngày một teo tóp vì sóng biển”.
“Chiến luỹ” mong manh được anh Nguyễn Việt Khái dựng lên nhằm bảo vệ diện tích đất còn lại trước ảnh hưởng của sóng biển tác động.
“Tôi có 4,5 ha đất rừng kết hợp nuôi tôm, năm rồi sóng biển tràn vào phá huỷ 2 ha. Chạy lùi vào trong, gom góp tiền bạc gia cố diện tích còn lại. Nhưng năm nay không biết cầm cự được bao lâu, hay cũng phải rời bỏ nơi cả đời gầy dựng, sớm cùng chung số phận như những hộ dân trước đó”, ông Khái trăn trở hướng mắt về phía vuông tôm của mình trước đây, giờ đây đã là bờ biển.
Ông Lâm Trường Hải, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, cho biết, tốc độ sạt lở bờ biển trên địa bàn diễn ra khá nhanh và ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn và diễn biến khó lường.
“Với tình hình thực tế, khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là khi có bão hay áp thấp nhiệt đới thì những hộ dân vùng sạt lở ven biển này phải di dời. Khả năng của địa phương, việc lo cho họ có nơi để tái định cư cũng đã rất khó, nói gì đến sản xuất, sinh kế. Không thể tiếp tục để mất đất rừng, mất đi sinh kế của người dân, chúng tôi mong muốn có sự đầu tư kè bảo vệ bờ biển khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở, bảo vệ đất rừng, bảo vệ đời sống của người dân”, ông Hải chia sẻ thực trạng và kiến nghị.
Trước tình huống cấp bách, Cà Mau xây dựng hệ thống kè nhằm giảm thiểu tác động của sóng biển bên bờ Nam vàm Kênh Năm (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) nhưng chưa hoàn thiện và khép kín, nên sạt lở vẫn diễn ra.
Ðây là thực trạng không riêng gì ở xã Tam Giang Tây hay trên địa bàn huyện Ngọc Hiển mà trải dài triền biển Ðông từ Ðầm Dơi đến Năm Căn.
Dù đã hình thành tuyến kè chắn sóng hai bên bờ thuộc cửa biển Vàm Xoáy (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển), nhưng trước tình hình thực tế, cần khẩn cấp xây dựng tiếp hệ thống kè 550 m (bờ Nam 300 m) tiến sâu vào phía trong, nhằm bảo vệ khu dân cư.
“Sạt lở ngày càng gia tăng. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời, sẽ có nguy cơ đe doạ đến các khu dân cư tập trung xã Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi); các trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, diện tích đất sản xuất của người dân, đặc biệt là công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nêu thực trạng./.
Trần Nguyên thực hiện