(CMO) Mới 11 tuổi đời đã 3 lần chịu cảnh mất người thân, trở thành đứa trẻ mồ côi, phải sống nương nhờ vào người bác ruột hiện đang sinh sống tại Ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh; gia đình người bác thuộc diện hộ nghèo, lại mang nhiều bệnh tật, nên cuộc sống vô vàn khó khăn. Đó là hoàn cảnh em Châu Tấn Phát, sinh năm 2013, rất cần mọi người chung tay giúp đỡ.
Em Châu Tấn Phát là con của ông Châu Văn Có, sinh năm 1963 và bà Phạm Thị Thuận, sinh năm 1973, ở xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ngay sau khi Tấn Phát chào đời khoảng 2 tháng thì mẹ em qua đời, không có mẹ nên tuổi thơ của em là một chuỗi ngày dài vất vả.
Để có tiền lo cho con và cuộc sống hàng ngày, năm 2020, ông dắt con trai lên TP Hồ Chí Minh để mưu sinh. Thời điểm này cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ông Có không may nhiễm Covid-19 và tử vong vào ngày 21/7/2021.
Không có mẹ, giờ lại mất ba, Tấn Phát trở thành đứa trẻ mồ côi, sống bơ vơ nơi đất khách quê người mà không có người thân chăm sóc khi em phải thực hiện cách ly do dịch bệnh.
Sau những ngày dịch giã đi qua, Tấn Phát được đưa về quê Sóc Trăng sống cùng bà nội, chẳng được bao lâu thì bà mất, để lại em lạc lõng giữa dòng đời.
Thương cho hoàn cảnh của em nên người bác ruột là ông Nguyễn Văn Tích (sinh sống ở Ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) nhận về nuôi cho đến ngày hôm nay. Nhưng hoàn cảnh gia đình ông Tích hiện cũng rất khó khăn.
Ông Tích chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, chỉ có khoảng 300 m2 đất của người cháu cho mượn để ở và trồng màu kiếm thu nhập sống lây lất qua ngày. Hiện tại tôi bị bệnh nhồi máu cơ tim, còn vợ tôi bị bệnh sa khớp vai nên không làm việc gì nặng nhọc được. Hai vợ chồng tôi mỗi tháng phải đi bệnh viện lấy thuốc uống, có những loại thuốc ngoài bảo hiểm phải mua ở ngoài tốn từ 2 -3 triệu đồng mỗi tháng. Mặc dù nghèo khổ nhưng con cháu của mình, biết bỏ đâu bây giờ nên nhận cháu về nuôi, được tới đâu hay tới đó”.
Nhiều người thắc mắc vì sao Tấn Phát họ Châu, còn ông Tích họ Nguyễn mà lại là dòng họ ruột, điều này được ông Tích lý giải: Do trước đây ba ông tham gia kháng chiến hoạt động bí mật nên phải thường xuyên thay tên đổi họ, ông Tích và những người anh chị em trước đều họ Nguyễn, khi sinh ông Có (cha của Tấn Phát) thì ba của ông đổi thành họ Châu cho đến cuối đời.
Không ba, không mẹ, lại sống với bác trong cảnh nghèo khó nên Tấn Phát chịu rất nhiều thiệt thòi từ tinh thần đến vật chất. Hiện tại năm học mới đã gần kề nhưng Phát vẫn còn đang thiếu thốn nhiều thứ từ tập, sách, cặp, đồ dùng học tập, thậm chí là xe đạp, vì từ nhà em đến trường cũng gần 10 cây số. Năm học mới này Phát lên lớp 3; hai năm lớp 1 và lớp 2 em đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Tấn Phát nhỏ nhẹ chia sẻ: “Con không biết tương lai con sẽ như thế nào nữa, bởi không biết bác có khả năng lo cho con tới đâu. Con chỉ biết hiện tại phải cố gắng học thật giỏi thôi. Giờ con đi học về nhà cố gắng phụ việc nhà cho hai bác khoẻ để có thể lo cho con được nhiều hơn”.
Ông Trần Hoàng Tú, Trưởng Ấp 19, xã Khánh Thuận, cho biết: “Gia đình ông Tích thuộc diện hộ nghèo, trước đây vốn đã khó bởi hai vợ chồng đều lớn tuổi lại mang trong mình bệnh tật, nay cưu mang thêm đứa cháu nữa thì thật sự quá khó khăn. Ông Tích có 3 người con nhưng hầu hết đều còn chật vật nên không giúp đỡ gì cho vợ chồng ông. Đã qua địa phương cũng tạo điều kiện cho gia đình ông được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhằm giúp gia đình đỡ vất vả phần nào”.
“Việc lo cho tương lai của cháu Tấn Phát đối với gia đình ông Tích là cả một quá trình, chính vì thế, tôi mong các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ cháu Tấn Phát để cháu có tương lai tươi sáng hơn”, Trưởng Ấp 19 kêu gọi./.
Trần Thể