Cô giáo Trần Thị Việt Anh sinh năm 1950, ấp Kinh Ðứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Cô luôn ấp ủ nhiều ước mơ vì lợi ích chung, cùng nguồn năng lượng tích cực lan toả đến mọi người.
Người đưa đò có trái tim nhân hậu
Sinh ra và lớn lên thời điểm giặc càn quét quê hương dữ dội, hành trình đến trường bám chữ của cô Việt Anh cũng hết sức gian nan. Dù hoàn cảnh khắc nghiệt, vừa học vừa chạy giặc, không biết chết sống lúc nào, nhưng cô vẫn miệt mài bám chữ. Năm 1973, cô thi đậu vào Trường Ðại học Văn khoa, chuyên ngành Triết học tại Bạc Liêu. Bén duyên với nghề giáo, năm 1976, cô được cử đi học trường Ðảng 4 năm, sau đó công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bạc Liêu. Ðến năm 1990, cô Việt Anh được điều về làm Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THCS-THPT Khánh Hưng, sau 1 năm, cô trở thành Hiệu trưởng cho đến nghỉ hưu (năm 2008).
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là khoảng thời gian cống hiến tại Trường THCS-THPT Khánh Hưng, cô đã đồng hành giúp đỡ hàng trăm học trò nghèo thực hiện ước mơ đến trường.
Cô Việt Anh tâm tình: "Thời đó đi học bằng xuồng. Nhìn các trò nghèo có hôm đến trường ướt hết quần áo, tập vở; nhiều trò nghèo, nhà xa có nguy cơ bỏ học, tôi trao đổi với phụ huynh cho các con ở lại trường, tôi lo cơm nước hằng ngày cho các con".
Từ đó, ngôi trường cô dạy cũng như ngôi nhà của cô giáo Việt Anh là nơi tá túc của hàng trăm trò nghèo, khó khăn trên hành trình thực hiện ước mơ bám trường, học chữ.
Anh Lê Út Anh, hiện công tác tại Trại giam Cái Tàu, nhớ lại: "Tôi và 2 người bạn nữa từng được cô nuôi dưỡng khi học cấp 3, cô là ân nhân của tôi và gia đình. Cuối năm 2022, tôi và hơn 20 bạn học cũ gặp lại cô Việt Anh trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra trường. Cô trò vỡ oà trong niềm vui lẫn xúc động. Hạnh phúc lớn nhất của cô là biết được các trò mình từng giúp đỡ nay đã thành đạt. Ngày xưa nhà nghèo, xa trường, tôi được cô cho ở nhờ, công lao này tôi mãi khắc ghi".
Anh Nguyễn Văn Thạnh, giáo viên Trường THPT Võ Thị Hồng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, xúc động kể: “Suốt 3 năm học THPT, tôi cố gắng học thật tốt, đến cuối cấp điều kiện gia đình khó khăn, nên định tạm gác ước mơ nghề giáo. May mắn hoàn cảnh của tôi được cô Việt Anh cảm thông, chia sẻ. Năm đó, dù nghỉ hưu nhưng cô vẫn nhận giúp đỡ, trợ cấp tiền cho tôi suốt 4 năm đại học (2008-2012). Tôi biết ơn cô nhiều lắm, khi đứng trên bục giảng, tôi cũng luôn trân quý những họ trò nghèo vượt khó và tạo điều kiện để trò vươn lên, như tất cả những điều tôi đã nhận được từ cô Việt Anh - người cô tôi suốt đời mang ơn”.
Giám đốc với “khát vọng xanh”
Ðến thăm cô Việt Anh tại nhà riêng (ấp Kinh Ðứng A, xã Khánh Hưng), tôi càng thấy khâm phục cô, bởi nếp ăn uống, sinh hoạt đời thường rất khoa học, việc xử lý vấn đề trong cuộc sống cũng rất khéo. Cô Việt Anh đặc biệt quan tâm, chọn “năng lượng sạch” cho cơ thể, bởi với cô “sức khoẻ là vàng”, có sức khoẻ mới có thể thực hiện những mục tiêu đề ra trong cuộc sống. Và điều đó đã thể hiện trong ước mơ lớn của cô giáo Việt Anh, đó là tập hợp nông dân có cùng đam mê: “Sản xuất thuận thiên, tạo ra nông sản sạch”.
Cô Việt Anh thường xuyên tham gia các diễn đàn, đặt ra nhiều vấn đề quan tâm của nông dân, hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích nông dân.
“Nghỉ hưu, ban đầu tôi chỉ nghĩ chăm vườn cây trái sạch để phục vụ trong gia đình và khuây khoả tinh thần, ai ngờ khi bắt tay vào làm thì niềm đam mê trỗi dậy. Nhất là khi chứng kiến những nông dân ngậm ngùi nhìn vườn cây ăn trái nhà mình chết rũ, không biết đường cứu chữa do thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm...”.
Vì lý do đó, năm 2019, cô Việt Anh đã tập hợp được 17 chủ vườn ở nhiều xã khác nhau trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, với tổng diện tích khoảng 25 ha, thành lập HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng. Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, cô Việt Anh tiếp tục trở thành "ân nhân của nhiều nông dân".
Sản phẩm của HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng được trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp Cà Mau năm 2023 (ngày 25/10).
Anh Lê Minh Khôn, ấp Kinh Ðứng A, là một trong số đó. Vợ chồng anh Khôn từng làm công nhân ở Bình Dương, ngày trở về quê hương tay trắng, được cô Việt Anh bảo bọc, phụ cô chăm sóc vườn. Người anh của anh Khôn nuôi cá bổi thua lỗ, dẫn đến phá sản, phải bán đất. Anh không nỡ để đất hương hoả vào tay người khác, nhưng kinh tế cũng không đủ để mua lại.
Trước tình huống đó, cô Việt Anh đã ra tiền giúp anh Khôn thuê lại phần đất này. Từ khu vườn “chết”, sau 5 năm cải tạo, ứng dụng làm vườn qua những chuyến HTX cử đi học tập kinh nghiệm, đến nay, khu vườn của anh Khôn sum suê trái, hằng năm thu hoạch trên 10 tấn bưởi. Tích luỹ vốn, anh Khôn thuê thêm được miếng đất mới trồng cam xoàn. Nhờ đó, anh Khôn có nguồn khu nhập khá, ổn định cuộc sống. Xem cô như người ơn lớn nhất trong đời, nay vợ chồng anh Khôn trở thành con nuôi và xem cô Việt Anh như người mẹ thứ hai đáng kính.
Anh Lê Minh Khôn, một trong số nông dân mang ơn cô Việt Anh, nay cũng đã thành công, cùng vườn bưởi cho trên 10 tấn trái/năm.
Là nông dân yêu vườn, điều làm anh Phạm Diệu Linh, ấp Cơi 5B, xã Khánh Bình Tây, khá thất vọng là vườn bưởi với trên 500 gốc 5 năm tuổi vẫn không đậu trái, số ít do ngập nước vàng lá, rồi chết cây. Biết được cô Việt Anh thành lập HTX cây ăn trái sạch, anh xin tham gia. Cô Việt Anh cùng các thành viên phụ trách kỹ thuật kịp thời ra tay cứu vườn bưởi của anh Linh. Ðến nay, bưởi ra trái và sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp Tết năm nay.
Anh Linh chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều anh em trong HTX, đa phần từng thất bại nặng nề ngay trên mảnh vườn thửa ruộng nhà mình, nhưng không biết đường xở, cô Việt Anh chính là người mở đường, đưa chúng tôi đến thành công”.
Cô Việt Anh rất tâm huyết và thoả lòng khi hoàn thành 2 mục tiêu: tập hợp nông dân thành lập HTX cây ăn trái sạch và đưa sản phẩm bưởi da xanh hữu cơ của HTX đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện cô đang tập trung cho mục tiêu rất quan trọng và có vai trò quyết định là tranh thủ cùng các ngành chức năng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, xây dựng chuỗi liên kết đầu ra ổn định, để thành viên HTX nói riêng, bà con tỉnh Cà Mau nói chung an tâm sản xuất và sống tốt trên mảnh vườn, thửa ruộng nhà mình. Ðây là đích đến, cũng là điều mơ ước của biết bao nông dân chân chính.
Sống trọn cho sự nghiệp trồng người đến khi về hưu, cô Việt Anh “gieo ơn” cho biết bao trò nghèo. Giờ, dù ở tuổi 73 nhưng cô vẫn đồng hành cùng nông dân thắp ngọn lửa đam mê, gieo những “hạt giống xanh” cùng nông dân mở ra kỳ vọng mới, tương lai tươi sáng hơn trên chính mảnh đất quê nhà...
Loan Phương