ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 3-5-25 18:51:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Một lần gặp Bác Ba Phi

Báo Cà Mau Đã hơn 6 thập kỷ trôi qua kể từ ngày ông Trịnh Thành Thân đóng quân ở vùng Lung Tràm, được gặp bác Ba Phi. Thế nhưng, khi nhắc lại kỷ niệm này, trong ánh mắt và giọng nói của người cựu chiến binh tuổi ngấp nghé 80 này vẫn bộc lộ niềm vui xen lẫn tự hào. Có lẽ, bởi những câu chuyện “nói dóc tỉnh bơ” của bác Ba Phi không chỉ mang lại tiếng cười, mà còn là ký ức đẹp về vùng đất Cà Mau một thời trù phú...

Chân dung bác Ba Phi.

Chân dung bác Ba Phi.

Gặp một lần, nhớ một đời

Khoảng giữa năm 1964, khi đang công tác tại Tiểu đoàn D2311 (Quân khu 9), ông Trịnh Thành Thân (hiện ngụ Ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) có đợt đóng quân tại Lung Tràm, gần nhà bác Ba Phi. Vốn nghe danh bác Ba Phi từ lâu, nay lại được đóng quân ngay tại đất vườn nhà ông nên người lính trẻ này càng tò mò, háo hức muốn được tiếp cận với “người nổi tiếng”.

Ông Thân kể, bác Ba Phi khi đó tuổi đã cao (ông sinh năm 1884) nhưng còn khoẻ mạnh, rắn rỏi. Người nhìn thông thái, nói năng mạch lạc, hài hước. Ông thường mặc đồ bà ba rất giản dị. Ông nói chuyện "dóc" tỉnh bơ khiến ai cũng vừa cười vừa ngờ ngợ. Nhưng cái hay của bác Ba Phi là nói dóc không làm người ta phiền lòng, mà ngược lại còn mang đến niềm vui, sự gắn kết.

Chuyện của ông thường không có “mở bài, thân bài, kết bài” gì, chỉ là những lời đối đáp trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày.

Hôm đó bác bảo: “Trời ơi, mấy cháu ơi, ra ngoài ao kiếm cá bổi ăn. Cái hầm của tao cá bổi nhiều lắm, cau khô rụng bao nhiêu nó ăn hết bấy nhiêu!”.

Những người lính trẻ nghe, háo hức kéo nhau xuống ao dọn cỏ, bắt cá. Thế rồi... chẳng bắt được mấy con.

Ông Thân bảo, bác cần người tiếp dọn cỏ cái ao nên “gạt” mấy anh lính trẻ, nhưng ông không lợi dụng. Ông có chuẩn bị cá mắm sẵn. Khi mấy anh lính trẻ lên bờ với vẻ mặt thất vọng, ông chỉ mớ cá đang rọng, biểu họ đem về ăn đỡ. Vậy là vui cả làng.

Có lần mấy anh lính trẻ hỏi: “Ở xứ này nghe nói rùa dữ lắm hả bác Ba?”.

Bác Ba trả lời: “Rùa thì khỏi phải nói”. Rồi ông kể: “Hôm đó tao bơi cái xuồng trên lung, nó bu lại vịn hai bên be đặc nghẹt. Có con rùa chúa bợ lên không nổi, tao phải vòng dây đưa về, rồi xẻ thịt mời cả xóm lại ăn. Có hai thằng nhậu xỉn, cây cầu khỉ nó qua không được, vậy là tao lấy cái mu (mai) rùa đẩy xuống làm xuồng cho nó qua sông”.

“Cả đám tụi tôi cười cái rần. Ông nói, tụi bây không tin hả, không tin thì hỏi bác gái mày coi!”, ông Thân hào hứng nhắc lại câu chuyện hơn nửa thế kỷ trước.

Cũng theo trí nhớ ông Thân, bác Ba Phi có đặc điểm là nói xong rồi không khi nào thừa nhận là mình nói chơi, nói dóc. Mọi người cười thì ông chỉ chúm chím và bảo cái câu muôn thuở: “Không tin thì hỏi bác gái bây coi!”.

“Mà bác gái cũng “ăn rơ” dữ lắm. Như cái chuyện bán heo đó. Ông đi đâu không có xuồng về, thấy hai thằng đi bắt heo, ông kêu ghé lại ông dắt về nhà bán heo. Khi về tới nhà, ông nói với bà vợ là có người tới mua heo. Bà vợ biết ông lại nói dóc, chủ yếu để được đưa về, nên cũng “đẩy” luôn: “Ông đi kiếm người mua heo mà không nói. Ở nhà có người lại, tôi đã bán rồi”. Sau đó ông bẻ dừa mời họ uống nước rồi mới tiễn khách...”, ông Thân kể.

Ông Trịnh Thành Thân (ngồi giữa) hào hứng kể về chuyện hơn nửa thế kỷ trước được hân hạnh gặp bác Ba Phi và nghe bác kể nhiều chuyện tiếu lâm.

Ông Trịnh Thành Thân (ngồi giữa) hào hứng kể về chuyện hơn nửa thế kỷ trước được hân hạnh gặp bác Ba Phi và nghe bác kể nhiều chuyện tiếu lâm.

Con người đậm chất Nam Bộ

Theo ông Thân, bác Ba Phi đúng là ông già Nam Bộ với những nét đặc trưng là muốn được sống yên ổn làm ăn, biết trọng lẽ phải, không theo giặc để hại xóm làng, bà con. Tuy ông là rể địa chủ, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, điều kiện khá giả, nhưng vẫn chịu khó lao động và làm giỏi; sống gần gũi, chan hoà với người dân.

“Ông bó lúa đẹp lắm. Có lần chúng tôi ra gặt lúa tiếp ông, thấy mấy anh lính lớ ngớ, ông chỉ cắt thế nào, so thế nào, bó sao cho đẹp...”, ông Thân nhớ lại.

Không chỉ vậy, ông rất thương bộ đội. Các đơn vị bộ đội đóng quân gần nhà, ông kêu cho muối, nước mắm đồng, cá khô... Dừa thì cho bộ đội bẻ uống nước, nhưng chặt xong cái vỏ phải úp dưới gốc, không được quăng xuống ao hay vứt lung tung. Vườn ông rộng, lại được bác gái siêng năng làm cỏ nên tươm tất, sạch sẽ.

Ông Thân còn nghe kể, có lần tụi biệt kích vô dò la để lính Sư 21 đổ quân đi càn. Biết trên địa bàn có nhiều cơ quan của tỉnh, của Khu đóng, bác Ba nhanh miệng nói với bọn chúng: “Ở khu vực này có con rắn hổ mây bự lắm, nó nuốt được hết cả đại đội” để hù doạ chúng. Rồi ông kể nhiều chuyện rất “rùng rợn” về con rắn hổ mây này. Nghe vậy, bọn chúng mặt mày xanh mét, dông tuốt. Vậy rồi ông thông báo cho căn cứ của ta hay để rút đi.

“Ðó đâu chỉ là "nói dóc", đó còn là một kiểu trí tuệ dân gian, cách bảo vệ kháng chiến khôn ngoan của người nông dân”, ông Thân nhận xét.

“Ông cũng hay đi ngoài tỉnh chơi, thăm bạn bè. Ông đi chơi nhưng thu thập thông tin về báo cho mình”, ông Thân nói thêm.

Có người bảo, cái “dóc” của bác không hề lừa gạt, mà đầy chất trào lộng, lạc quan, mang tinh thần của một lớp người đi mở đất. Bác Ba Phi là hình tượng tiêu biểu cho tính cách người Nam Bộ: chân chất, hào sảng, hóm hỉnh và kiên cường.

Vài mẩu chuyện thu nhặt được, với mong muốn góp thêm chút tư liệu để hiểu hơn về bác Ba Phi. Chắc hẳn trong dân gian, qua những người lớn tuổi sẽ còn nhiều chuyện chưa được nhắc về con người "dóc nổi tiếng" này, nếu tìm hiểu sẽ có thêm nhiều điều vui và thú vị.

Bác Ba Phi để lại cho đời một kho tàng văn hoá dân gian vô giá. Chính vì thế, năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã truy tặng bác danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi, tại quê nhà, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh.

Trong một lần trò chuyện, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau bày tỏ, bác Ba Phi là nhân vật tầm cỡ, một biểu tượng văn hoá đặc trưng của đất rừng U Minh, là niềm tự hào của không chỉ Cà Mau mà cả vùng đất Nam Bộ. Hiện nay, khu di tích về bác Ba Phi vẫn còn đơn sơ, chưa thực sự tương xứng với tầm vóc và giá trị văn hoá dân gian mà ông để lại. Tỉnh nên xem xét xây dựng một không gian trưng bày quy mô (không nhất thiết nằm trong khu di tích), nhằm giới thiệu đầy đủ, sinh động về bác Ba Phi - từ tiểu sử, hiện vật, chuyện kể, giai thoại... đến các giá trị nghệ thuật dân gian liên quan. Đây không chỉ là cách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người dân và du khách, mà còn phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau.

Khu mộ bác Ba Phi tại quê nhà, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, gồm mộ ông (ở giữa) và hai bà vợ.

Khu mộ bác Ba Phi tại quê nhà, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, gồm mộ ông (ở giữa) và hai bà vợ.

Huyền Anh

 

Bản hùng ca thống nhất

Hoà chung không khí cả nước mừng dấu mốc lịch sử trọng đại: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hoá tỉnh phối hợp Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin các huyện, TP Cà Mau và xã, thị trấn tổ chức biểu diễn Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca thống nhất”.

Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca thống nhất"

Với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca thống nhất”, tối 25/4, tại Khu dân cư Minh Thắng (Phường 9, TP Cà Mau), tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khởi sắc vùng căn cứ

Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể (ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) là niềm tự hào của Nhân dân 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu. Với sự quan tâm đầu tư của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực vươn lên kiến thiết quê hương của người dân, vùng quê cách mạng đã và đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ.

Giao thoa văn hoá 3 dân tộc

Trong quá trình gần 300 năm, đồng bào 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã cùng nhau cộng cư trên mảnh đất Cà Mau với tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau phát triển. Mặc dù mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, nhưng trải qua cuộc sống xen cư với nhau từ bao đời nay đã tạo nên sự giao thoa, gắn kết hài hoà, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo, đa sắc của xứ sở Cà Mau.

Trao kỷ niệm đẹp cho ngày trọng đại

Bỏ công sức để làm những chiếc cổng cưới lá dừa truyền thống thay lời chúc phúc, Xã đoàn Khánh Hải và Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời đã góp sức tạo nên một đám cưới đáng nhớ cho các đoàn viên, thanh niên (ÐVTN).

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Liên hoan văn nghệ học sinh sinh viên năm 2025: Huyện Trần Văn Thời đoạt giải Nhất toàn đoàn

Trong 2 ngày (19 và 20/4/2024), Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Liên hoan văn nghệ học sinh sinh viên với chủ đề “Bài ca thống nhất” năm 2025.

Khám phá bản thân cùng nhảy múa

Ngày nay, bên cạnh các môn thể thao, nhiều bạn trẻ lựa chọn học thêm kỹ năng nhảy múa. Ðặc biệt là dân văn phòng tìm đến các lớp nhảy múa như cách rèn luyện cơ thể dẻo dai, giảm căng thẳng.

“Những người bạn” hội ngộ

Những chàng sinh viên trường Mỹ thuật năm nào nay tìm về bên nhau trong cuộc hội ngộ nghệ thuật mang tên “Art friends”. Các tác phẩm được dệt nên từ những kỷ niệm đẹp mà họ cùng trải qua trong suốt những năm lao động nghệ thuật.

Người giữ hồn văn hoá dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.