Có thể xem Nhà thơ Chế Lan Viên (tên họ thật Phan Ngọc Hoan) là một trong những cây đại thụ của khu rừng văn chương Việt Nam. Suốt hơn nửa thế kỷ miệt mài sáng tạo, ông đã để lại một văn nghiệp phong phú, đa dạng: thơ, văn, nghiên cứu phê bình và cả dịch thuật…
Có thể xem Nhà thơ Chế Lan Viên (tên họ thật Phan Ngọc Hoan) là một trong những cây đại thụ của khu rừng văn chương Việt Nam. Suốt hơn nửa thế kỷ miệt mài sáng tạo, ông đã để lại một văn nghiệp phong phú, đa dạng: thơ, văn, nghiên cứu phê bình và cả dịch thuật…
Chế Lan Viên bước lên thi đàn với thi phẩm trình làng khá bề thế: Ðiệu tàn - xuất bản 1938, khi đang tuổi 18. Thơ ông kiệm lời, giàu trí tuệ, mỗi con chữ đều có linh hồn như những hạt kim cương lóng lánh đủ sắc màu. Càng tìm hiểu, nghiên cứu thơ ông, ta càng bắt gặp cái hay, cái độc đáo, đặc sắc về hình ảnh, về nhạc điệu mới lạ, đẹp, giàu tính biểu tượng, biểu cảm. Nó được tạo bởi những ý tưởng thông minh, bất ngờ, biểu hiện cùng một lúc trí tuệ sâu lắng dạt dào cảm xúc, với kỹ thuật, thủ thuật sử dụng ngôn từ đạt tới đỉnh cao của sự trau chuốt, điêu luyện.
![]() |
Nhà thơ Chế Lan Viên. Ảnh tư liệu |
Ðược tận mắt nhìn thấy ông dù chỉ một lần cũng là vinh dự. Vậy mà đối với tôi đã được gặp, được bắt tay, được chuyện trò thân mật, cởi mở, chân tình với ông thì còn hạnh phúc nào bằng. Ấy là vào những năm đầu thập niên 60 khi chúng tôi theo học trường phổ thông cấp III duy nhất của tỉnh Hưng Yên vừa thành lập, toạ lạc gần Chợ Gạo - Ấp Dâu, năm cuối trọ học tại thôn An Tảo Thượng, một vùng ngoại ô của thị xã nhỏ bé, nghèo nàn.
Những khi rảnh, tôi thường cuốc bộ đôi ba cây số tới thư viện tỉnh nằm trên con đường nhỏ gần hồ Bán Nguyệt, say mê ngồi hàng giờ đọc báo, tạp chí các loại và khi về không quên mượn vài cuốn văn nghệ mới xuất bản. Một lần, tôi đang đọc tờ Văn học (tiền thân tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn bây giờ), thì anh Nguyễn Ðình Tình (bút hiệu Ðồng Bằng) với cặp kính cận khá dày, tác giả của nhiều vở kịch và tập thơ Hương đồng (in chung - Nhà xuất bản Văn học, do Nhà thơ, Nhạc sĩ, Hoạ sĩ Văn Cao trình bày bìa), phụ trách biên tập văn nghệ Tập san Văn hoá tỉnh, đi bên một người dáng vẻ trí thức. Thấy tôi, anh tươi cười chỉ tay về phía khách: “Ðây là Nhà thơ Chế Lan Viên mới về tỉnh ta công tác!”. Rồi anh giới thiệu tôi là bạn viết trẻ của mình. Ông nắm tay tôi với nụ cười đôn hậu. Nhà thơ Chế Lan Viên - tác giả Ðiêu tàn đây sao? Trước mắt tôi, một người có dáng vừa phải, tóc hớt cao, vận bộ ka-ki sẫm đã bạc màu, chân mang dép lốp. Nhà thơ Chế Lan Viên và anh Nguyễn Ðình Tình ngồi xuống ghế cùng xem báo. Hôm ấy thư viện rất vắng độc giả. Thời cơ hiếm hoi, tôi lấy hết sức can đảm bình tĩnh, mạnh dạn bộc bạch tâm sự với nhà thơ những điều mà tôi hằng trăn trở bấy lâu:
- Thưa, người ta bảo muốn viết được văn, làm được thơ thì phải có ba cái “vốn”: vốn sống, vốn văn hoá, vốn nghệ thuật, có phải không ạ?
Nhà thơ nhìn thẳng vào tôi điềm đạm, chậm rãi:
- Còn một cái “vốn” rất cần và rất quan trọng mà bạn quên mất, đó là vốn chính trị. Một nhà văn cho ra nhà văn cũng phải đầy đủ và dư dật bốn cái vốn: vốn sống, vốn văn hoá, vốn nghệ thuật và vốn chính trị ấy!
Ông còn giải thích thêm cho tôi hiểu. Tôi định hỏi nữa, sợ ông bận nhiều việc hệ trọng, lại thôi. Nhà thơ cùng anh cán bộ Ty Văn hoá tham quan một lượt thư viện tỉnh khá chật hẹp với số lượng đầu sách còn rất khiêm tốn, rồi về Ty Văn hoá toạ lạc bên hồ Bán Nguyệt nghỉ. Tôi nhìn theo ông, thầm cảm phục một nhà thơ rất đỗi tài hoa nhưng lại rất mộc mạc, giản dị, gần gũi, thân mật và chân tình với mọi người, nhất là bạn viết trẻ. Ông là một trong số những cây bút văn nghệ tiền chiến có công dìu dắt nhiều bạn viết trẻ thành danh. Sau này, tôi biết bút danh Chàng Văn thường giải đáp thắc mắc về “viết lách” của bạn viết trẻ trên Báo Văn học hồi đó, không ai khác là Nhà thơ Chế Lan Viên. Sau, ông gom lại cho in thành mấy tập có chung tựa: Vào nghề.
Tôi còn được biết, ông là nhà thơ ưa đi “thực tế” ở khắp mọi miền đất nước, bởi chỉ có đắm mình với đời sống chiến đấu, lao động sản xuất của Nhân dân, của dân tộc, thi sĩ mới có được rung cảm mãnh liệt của trái tim để từ đó sáng tạo những giá trị đích thực của tác phẩm nghệ thuật. Ông gởi tâm sự ấy vào bài thơ tứ tuyệt “Ði thực tế”, trở thành bài học bổ ích, thiết thực cho những người viết trẻ:
Suốt một đời ăn hạt gạo Nhân dân
Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy
Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy
Chửa “vì người” bằng một bữa cơm ăn.
Trong những năm cả dân tộc đứng lên đánh Mỹ và bè lũ tay sai dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, của Bác, từ những chuyến đi thực tế gian khổ, Nhà thơ Chế Lan Viên đã có được những tứ thơ phản ánh sinh động tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của quân dân ta dưới làn mưa bom bão đạn khốc liệt của quân thù mà thi phẩm tiêu biểu “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” dài 69 câu, ông viết năm 1965 chào mừng Ðảng ta tròn 35 tuổi với những câu thơ mở đầu:
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Và khẳng định:
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn
… Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ
Buổi đất nước của Hùng Vương có Ðảng
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ…
Những câu thơ kết thúc thi phẩm đặc sắc, độc đáo như chân lý:
Cho tôi sinh ra buổi Ðảng dựng xây đời
Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể
Ta với mẻ thép gang đầu là lứa trẻ sinh đôi
Nguyễn Văn Trỗi ra đi còn dạy chúng ta cười…
Cho tôi sinh giữa những ngày đánh Mỹ
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.
Nhà thơ Chế Lan Viên bước vào cõi vĩnh hằng đã 26 năm (ông mất 19/6/1989), nhưng hình ảnh ông, sức sáng tạo nghệ thuật dồi dào, mãnh liệt, và đặc biệt sự gần gũi, giúp đỡ, dìu dắt bạn viết trẻ của ông… sẽ vẫn còn ở lại mãi với bạn đọc xa, gần./.
Đoàn Nguyễn Hiên