ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 13:32:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa cưới

Báo Cà Mau (CMO) Hồi tôi còn trẻ, ở dưới quê, hay nghe nông dân nói câu cửa miệng: “Cưới vợ ăn Tết”. Thực tế lúc đó đám cưới thường diễn ra từ tháng Mười một đến tháng Chạp âm lịch, đám cưới xong, dọn dẹp, thu xếp ổn là Tết nhất gần kề. Hai tháng này dưới quê gọi là mùa cưới, cưới “đông ken”, làng quê cứ chộn rộn, vui như mở hội. Đây không chỉ là nếp sinh hoạt ở quê tôi mà cả Cà Mau, Bạc Liêu và miệt Hậu Giang xưa.

Sẽ có người đặt câu hỏi rằng: “Vì sao phải đặt mùa cưới trong hai tháng này?”. Tôi xin trả lời ngay, nếp sinh hoạt này được hình thành bởi yếu tố mùa vụ và thời tiết.

Minh hoạ: Minh Tấn

Đám cưới chế Hai tôi cũng không ngoại lệ, diễn ra vào tháng Chạp năm 1968. Hồi đó chiến tranh, bom đạn đầy trời. Gia đình tôi vừa lo chạy trốn cái chết, vừa lo kiếm miếng ăn nên khó khăn lắm. Nhà không có một cái bàn tiếp khách, một bộ ngựa cho khách ngủ. Thế nên, gần ngày đám cưới chế Hai, ba má tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Nhưng rồi cũng đâu vào đó. Trước đám cưới hai ngày, cô ruột tôi qua nhà cùng với đám con cháu của bà. Sau đó, ông anh cô cậu ruột tôi cũng từ Xóm Lá kéo qua cả bầu đàn thê tử. Cô tôi là người chỉ huy, bà là người ở ngoài nên nhìn đâu cũng sáng. Bà cho dọn hết cỏ rác, lùm bụi quanh nhà. Dọn luôn cả bến sông rồi bắc một cây cầu để đàng trai qua rước dâu khỏi phải lội sình bùn. Trong nhà thì bà cho rửa ráy, lau chùi hết giường, tủ. Đặc biệt là cái bàn thờ ông bà nội tôi, bà cho trang hoàng thật đẹp. Đến ngày hôm sau, chòm xóm, sui gia, kéo đến cả vợ lẫn chồng, có người còn đưa cả con trai, con gái sang giúp. Quân số đông đến ba mươi, bố mươi người. Lạ lắm, họ phân công giao việc một cách bài bản, chẳng cần gia chủ yêu cầu. Người thì khiêng máy tát đìa, kẻ thì bắt cá, rọng cá… Mấy chị phụ nữ thì lựa cá, làm cá… để nấu bún mắm cho những người phụ giúp ăn buổi sáng, nấu canh chua, kho cá ăn buổi chiều và chọn ra những con cá lóc to để nấu cháo dừa đãi khách đêm nhóm họ.

Khuya đó, có một nhóm người làm heo. Họ làm rất chuyên nghiệp, ra thịt sành điệu cho mấy bà nấu cỗ. Ngày xưa, trong nông thôn mà đám cưới làm heo là chứng tỏ một gia đình có ăn. Đám cưới chế Hai tôi có làm heo là vì đàng trai “đi” một con heo đứng. Hồi đó đi cưới vợ, ngoài nữ trang ra thì thường phải có một con heo mang sang nhà gái. Có nhà kỹ lưỡng còn giao kèo khi “giáp lời” là heo phải đạt trăm ký. Trong thực đơn cỗ cưới ngày xưa thịt heo là đứng đầu bảng. Bao giờ cũng có món thịt heo kho tàu ăn kèm với dưa giá.

Xin trở lại đám cưới của chị tôi. Anh Ba Lác, anh chú bác ruột tôi là người chỉ huy con cháu và trai tráng trong làng đến giúp một công việc rất quan trọng là mượn bàn ghế và che rạp. Cái rạp được che kín khoảng sân rộng trước căn nhà bé tí của tôi. Rạp được làm bằng lá dừa nước và họ dùng lá dừa non, trái dừa nước kết thành vòng nguyệt đẹp lắm, tương tự như ngày nay người ta kết hoa đám cưới.

Hồi đó không có dịch vụ cho mướn bàn ghế như bây giờ mà anh Ba tôi phải huy động mượn bàn ghế cả xóm mang về để kê trước rạp làm sao cho đủ đãi cỗ mấy chục mâm. Anh Ba còn cho mượn mấy bộ ngựa gõ để lót cho các cụ già ngủ đêm nhóm họ, lót cho mấy bà nấu cỗ ngồi xắt thịt, nướng bánh, bắt mâm và rảnh thì ngồi đánh bài tứ sắc hay nằm nói chuyện thời con gái. Khu nhà bếp còn được che rạp mát mẻ, lại dựng thêm cái sàn để úp chén… Chỉ sau hơn một ngày, dưới sự chỉ huy của cô tôi và anh Ba, khu nhà tuềnh toàng, nhếch nhác của tôi bỗng nhiên tươm tất, gọn ghẽ và rất tiện nghi, sẵn sàng cho việc tiến hành một đại lễ.

Cũng trước đám cưới hai ngày, cánh mấy chị cô cậu ruột tôi là con cô Hai, cô Ba, cô Tư từ xóm Công Điền, Ông Tấn, Thào Lạng qua phối hợp cùng với mấy chị bạn của chế Hai tôi trong xóm rồi biến thành đội quân làm dịch vụ đám cưới. Họ nhảy xổm vào công việc của gia đình chẳng cần sai bảo, giống như chuyện từ khai thiên lập địa đến giờ phải thế. Kẻ lặt rau, người xắt thịt phụ mấy bà nấu cỗ.

Trong nhóm người đến giúp nổi lên vai trò chỉ huy của chị Út Dứt, con cô Ba tôi. Lúc đó chị đã hơn bốn mươi tuổi, qua phụ đám cưới để tiễn đứa em của mình về nhà chồng với hai đứa con khoảng mười chín, đôi mươi. Hai đứa con chị thì xung vào đội quân bưng mâm, còn chị chịu trách nhiệm làm bánh phục vụ đãi khách. Chị Út tập hợp năm, sáu chị khác rồi dì cháu xúm xít nướng bánh bông lan, sên mứt dừa… Đội quân này làm trong vòng một ngày đã đủ bánh đãi mấy trăm thực khách.

Đám cưới chế Hai tôi diễn ra vào rằm tháng Chạp năm 1968, lúc này chưa đến thời điểm Tổng tấn công Mậu Thân, nhưng vùng tôi ở là vùng giải phóng nên chiều nào chiếc L19 mà dân quê tôi gọi là đầm già cũng từ chợ Bạc Liêu bay ra ngó nghiêng liếc dọc. Hễ nó thấy cái gì bất thường là đêm đó pháo 105 mm từ Tiểu khu Bạc Liêu bắn ra rải lên đầu lên cổ người dân quê tôi. Có đêm, tiếng khóc dậy lên ai oán vang động cả một làng quê quạnh quẽ vì pháo bắn sụp hầm nhà ai đó trong xóm. Cái chết cứ rình rập, đời sống trôi đi trong sợ hãi. Nhưng dù có sợ đến mấy rồi cũng phải sống. Người ta luồn lách, nương theo chiến tranh để thực hiện một kiếp sống có lề thói, hủ tục, cả nhân nghĩa và tình yêu.

Tôi nhớ đêm đó trăng sáng lắm, bà con láng giềng cứ băng đồng lũ lượt kéo đến nhà tôi dự đêm nhóm họ đến chật rạp. Lại có mấy anh mang đàn đến để hát làm cho đám cưới thêm phần vui tươi. Hồi đó không có điện, thắp sáng bằng đèn măng-xông mượn của nhà hàng xóm. Người ta ăn nhậu, hát ca sinh khí rần rật, vui đến nức lòng. Cứ tưởng trên đời chỉ có lễ nghĩa ân tình mà chẳng có chiến tranh.

Đến mười hai giờ đêm, khách khứa thưa dần, chỉ còn lại dòng tộc thì đến phần lễ lạy xuất giá. Anh Tư Thanh, là rể của cô ruột tôi lãnh phần điều hành buổi lễ. Anh sắp đặt ba má tôi và những người lớn tuổi có vai vế to ngồi ở bàn giữa, tốp nhỏ hơn thì ngồi ở hai bên bộ ngựa. Sau đó anh đốt nhang, rót rượu, châm trà trên bàn thờ để cúng tổ tiên và gọi chế Hai tôi ra. Chế Hai tôi khi ấy mới mười bảy tuổi. Mười bảy năm sống trên đời là mười bảy năm chị chịu cực khổ, suốt ngày cùng má tôi cấy lúa mướn đến đỏ đèn, thời gian rảnh thì đi bắt cua, mò ốc và giữ em. Ba má tôi quyết định gả chị là vì người đi cưới chị là con một, với hy vọng đời chị sung sướng hơn một chút. Đêm đó, chế Hai tôi mặc chiếc áo dài màu hồng và cũng là lần đầu tiên trong đời chị được mặc. Chị đẹp mà buồn, mắt thì đầm đìa nước mắt. Anh Tư Thanh bảo chị đến lạy ông bà quá cố bốn lạy để trả nghĩa gia tiên. Chị chắp tay, thành kính và miệng lầm thầm. Tôi không biết chị khấn vái điều gì nhưng vẻ mặt của chị rất thiết tha, thành kính. Hẳn đó là lời tự sự thầm kín của một con chim mới ra ràng từ giã ông bà, cha mẹ để về với một gia đình khác.

Sau đó, theo sự điều khiển của anh Tư Thanh, chế Hai tôi bưng hai ly rượu đến mời ba má tôi để trả nghĩa cha mẹ. Má tôi khóc thật nhiều, ba tôi cũng rươm rướm nước mắt. Tôi biết đó là những giọt nước mắt vừa mừng, vừa thương. Mừng là hôm nay con có đôi có bạn, thương là con còn nhỏ dại nay phải đi xa, về với một gia đình khác, cực khổ, bệnh đau thiếu vòng tay cha mẹ.

Đêm đó, khi mọi người mệt mỏi đi ngủ gần hết thì một trận pháo 105 mm từ chợ Bạc Liêu bắn ra. Pháo bắn làm sập cái rạp cưới, may mắn là chỉ duy nhất có bác Năm Ẹo, bạn thân của ba tôi, bị thương nhẹ trên ngực.

Ba má tôi và cô Tư ngồi buồn so vì lo sợ một điềm gở báo trước. Và rồi cái điều lo sợ của họ đã đúng một cách oan nghiệt. Bốn tháng sau khi đi lấy chồng, chế Hai tôi bị chiếc L19 phóng pháo giết chết. Chị tôi lãnh nguyên trái pháo, đầu tóc cháy trụi, tay chân gãy hết.

Đám cưới chế Hai tôi, tính ra đến năm Nhâm Dần - 2022 này là đúng bốn mươi bốn năm. Bốn mươi bốn năm ấy tôi đã rời khỏi làng quê của mình mà đi khắp ven trời góc bể, bụi trần ai đã gội trắng mái đầu. Nhưng lạ lùng thay, trong góc lòng sâu thẳm của tôi, bụi thời gian không thể gội sạch, xoá nhoà những ký ức về làng quê thời tấm mẳn. Mỗi lần định thần ngồi nhớ lại cứ thấy dậy lên một nỗi buồn man mác, gợi thương gợi nhớ. Làm sao mà không nhớ nhung cho được bởi làng quê chất chứa những ký ức đau thương, những điều mà đến khi đầu bạc mình mới bất chợt nhận ra nó.

Anh Tư Thanh thì “chữ nghĩa không đầy lá mít” vậy mà anh điều hành buổi lễ lạy xuất giá cho chế Hai tôi một cách lớp lang, bài bản hẳn hoi, để chị theo chồng chất chứa ân tình nhân nghĩa. Đó là lề thói quê, tích tụ trong nếp sống người quê.

Còn chị Út Dứt, hẳn nhiên là một cô gái quê, chân lấm tay bùn, vậy mà trong đám cưới chế Hai tôi, chị sáng rỡ là một bà thợ làm bánh. Ông bà, cha mẹ và làng quê này đã dạy dỗ chị nên nghề làm bánh. Chị mang nghề làm bánh ấy qua giúp đám cưới với tình cảm thương đứa em cô cậu ruột trong ngày vui nhất đời nó. Chỉ vậy thôi, đám cưới đã được góp một phần hết sức quan trọng.

Còn cô Tư của tôi, rồi anh Ba Lác nữa, họ kéo bầu đàn thê tử qua làm tất tần tật những công việc của đám cưới. So với bây giờ, tư cách đi đám cưới ngày xưa khác một trời một vực. Cũng là chia vui nhưng ngày xưa chia vui chí tình, chí nghĩa, đến là để giúp nhau.

Rồi bà con chòm xóm, họ đến tát đìa, che rạp, gánh nước ngọt xài đám… Không có họ sẽ không thể làm được một cái đám cưới có quá nhiều công việc.

Ngày xưa, người ta đến giúp nhau sao mà hồn nhiên đến vậy. Ai cũng nghĩ thật đơn giản, chuyện phải thế, ngàn năm vẫn thế. Nhưng hoá ra nó không đơn giản chút nào, người ta đến với nhau bằng tư cách ấy là trao cho nhau một ân tình, gieo vào cuộc đời một ân nghĩa. Những thứ ấy giúp xua đi những tị hiềm, giúp cho con người gần lại nhau hơn.

Ôi cái ngày xưa ấy, mỗi lần nhớ về nó là thấy ngậm ngùi. Trong lúc chiến tranh máu lệ đầy trời, nghèo đến không có cái bàn để ngồi ăn cơm thì người ta vẫn sống có lễ nghĩa, giữ được phẩm giá con người. Người ta sống được là nhờ sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đó là nếp sống của làng quê, lối sống của nông dân. Nó hình thành qua mấy trăm năm trên đất mới và ổn định như một bức tường thành.

Nghĩ đến đây, tôi ứa nước mắt trước cái sâu thẳm của đồng quê. Người quê ăn nói mộc mạc, bổ bã mà lối sống của họ chứa đựng những luân lý của cuộc đời, gọi một cách chữ nghĩa của hôm nay là văn hoá.

Nông thôn, nơi đó là cội nguồn của nhiều người, hãy về lại quê mình mà xem, trời vẫn xanh ngăn ngắt, đồng vẫn trải rộng mênh mông cánh cò, dòng tộc, bạn bè vẫn mộc mạc chân quê. Về để mà yêu thương, mà tiếp nhận những điều rất đáng quý trọng. Và hẳn rằng khi ấy, ta sẽ thiết tha thêm với cuộc sống này./.

 

Trung Lành

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).