(CMO) Vào mùa gió chướng, vùng biển Ðông Cà Mau từ Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi) đến Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) phải gánh chịu nhiều đợt triều cường với những trận sóng to, gió lớn làm nước biển dâng, gây sạt lở nghiêm trọng đến đất rừng phòng hộ ven biển.
Mùa gió chướng về, khu vực từ vàm kênh Năm đến kênh Năm Ô Rô (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) phải gánh chịu nhiều trận triều cường, sóng to làm nước biển dâng, cuốn trôi đất và rừng phòng hộ ven biển. |
Ông Hồ Quốc Hận, Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Thuận, cho biết, Tân Thuận có 8 km bờ biển, luôn bị sóng biển xâm thực. Nhất là hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa bão, tốc độ và mức độ sạt lở ven biển ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và an toàn tính mạng của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ven cửa Ấp Hạp và Xóm Tắt.
Dự án kè Tân Thuận có chiều dài 3.115 m xây dựng theo tình huống cấp bách, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở, bảo vệ bờ sông, khu vực dân cư, khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, các công trình công cộng; đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống của dân cư trong khu vực và ứng phó với nước biển dâng. Thế nhưng, dự án lại thực hiện thiếu khẩn trương, tiến độ thi công rất chậm. Tính tới thời điểm này mới hoàn thành hơn 800 m kè từ Nông Trường đến kênh Chống Mỹ. Nhiều khu vực chưa xây dựng tuyến kè như ở cửa Ấp Hạp, nơi có 22 ngôi nhà dân sống ven cửa biển chịu áp lực rất lớn mỗi khi triều cường. Còn đoạn từ Giá Cao, Ðầu Già, Giá Lồng Ðèn, Hố Gùi, mỗi năm có những điểm sạt lở vào đất liền vài chục mét.
Gần 20 hộ dân ở cửa biển Ấp Hạp, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi bị ảnh hưởng do sạt lở sau những đợt triều cường. |
Những chiếc xáng múc đất be bờ do nước tràn tuyến kênh Nông Trường (xã Thanh Tùng) và Bàu Bèo (xã Tân Duyệt), huyện Ðầm Dơi. |
Không riêng gì địa phận Ðầm Dơi, khu rừng phòng hộ ven biển ở Ngọc Hiển cũng đang trong tình trạng báo động do triều cường, nước biển dâng. Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển, cho biết, huyện có hơn 72 km chiều dài bờ biển chạy dài từ cửa Bồ Ðề, Hóc Năng, Rạch Gốc đến Vàm Xoáy (biển Ðông) và cửa Ông Trang (biển Tây), hàng năm bình quân bị sạt lở sâu vào đất rừng phòng hộ trên 30 m, thậm chí có nơi đến cả trăm mét. Vào mùa gió chướng, nước lên, có những nơi sóng to cao từ 5-7 m đánh thẳng vào rừng phòng hộ ven biển, rất khủng khiếp.
Những cơn sóng cao gần chục mét tràn vào vàm kênh Năm (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển), đe dọa nhiều nhà dân sinh sống trong khu vực này. |
Trước tình trạng này, tỉnh Cà Mau đã có nhiều dự án xây kè chắn sóng nhằm hạn chế sạt lở, tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và địa phương còn hạn hẹp nên việc triển khai xây dựng kè còn rất chậm. Tính tới thời điểm này, ven biển Ðông khu vực Ngọc Hiển chỉ mới đầu tư xây dựng hoàn thành khoảng 10 km kè, chủ yếu ở các cửa sông, cửa biển như: cửa Tân Ân, Rạch Gốc, Khai Long, ấp Mũi và khu vực lở nguy hiểm nhất là cửa Vàm Xoáy, xã Ðất Mũi với chiều dài 4,5 km đang trình thi công; còn dự án kè Kênh Năm - Kênh Chùm (thị trấn Rạch Gốc và xã Viên An Ðông), kênh Chốn Sóng - kênh Năm Ô Rô (xã Viên An), kênh Năm Ô Rô - kênh Năm (xã Ðất Mũi) cũng đang chuẩn bị thi công trong thời gian tới./.
Huỳnh Lâm thực hiện