ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 25-7-25 17:09:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa tri ân đặc biệt

Báo Cà Mau (CMO) Lại một tiết học Online nữa hoàn thành, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Kiều, Trường THCS Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi chào tạm biệt các học sinh thân yêu của mình. Cái vẫy tay gởi qua màn hình máy tính. Bỗng tiếng một học sinh vang lên trong máy: “Cô ơi! Tụi em thèm đi học quá. À, mà cô còn nhớ tháng 11 này sắp đến một ngày vô cùng quan trọng không?”. Cô giáo vùng xa, có hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cười đến rưng rưng nước mắt: “Có, cô nhớ chứ. Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11 đúng không em?”. Vậy là những biểu tượng trái tim, những bông hoa, những lời chúc của học sinh nở rộ lên trên màn hình.

Kỳ học chưa có tiền lệ

Theo thông lệ, cuối tháng 11 cũng là lúc học sinh bước vào thời điểm cuối học kỳ 1 của năm học. Nhưng không! Năm học này, hơn 137.000 học sinh bậc mầm non và tiểu học vẫn chưa một ngày đến lớp, gần 102.000 học sinh bậc THCS và THPT vẫn đang học Online.

Trường Tiểu học Kim Ðồng, xã Phú Tân, huyện Phú Tân thành lập đội giáo viên hỗ trợ việc học tập, ôn luyện trực tuyến cho học sinh. (Ảnh chụp tháng 9/2021).

Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau, thông tin: “Việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa hoàn thành các nhiệm vụ của năm học được Sở quán triệt, thực hiện thống nhất theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ÐT, UBND tỉnh. Trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó khăn là khó tránh khỏi. Mong thầy cô, các em học sinh, quý phụ huynh hãy tin tưởng, đồng hành và ủng hộ, để ngày trở lại với trường lớp không còn xa nữa”.

Ông Dự cũng cho biết thêm: “Từ đầu tháng 10, nhiều cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh đã được trưng dụng làm khu cách ly. Lực lượng đông đảo giáo viên cũng hăng hái tham gia công tác phòng chống dịch. Chúng tôi rất ủng hộ và tri ân đến các đơn vị nhà trường, đội ngũ giáo viên vì đã nghĩ cho công việc chung của cả tỉnh. Bởi trong thời điểm này, không có gì quan trọng hơn sức khoẻ, tính mạng của mọi người”. 

Về tiến độ và chất lượng của năm học, ông Dự khẳng định: “Tất cả đều nằm trong phương án tính toán, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Phải an toàn mới đến lớp và đến lớp thì phải an toàn, đó là nguyên tắc cao nhất. Dịch bệnh không có nghĩa là dừng triệt để việc giảng dạy, học tập. Mà tuỳ điều kiện, tình hình diễn biến dịch bệnh, đối tượng học sinh, chúng ta có giải pháp phù hợp nhất”.

Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông Trần Thanh Văn, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “Ðối với các thầy cô, món quà ý nghĩa nhất vẫn là muốn được ngày ngày gặp gỡ học sinh, được giảng dạy trên bục giảng thân quen của mình. Có khoảng thời gian ngắn, một số trường trên địa bàn Ðầm Dơi được tổ chức giảng dạy trực tiếp, những nơi đó đều rộn rã niềm vui. Nhưng hiện tại thì chỉ có bậc trung học cơ sở học trực tuyến, các em bậc học nhỏ vẫn chưa đến lớp, chưa gặp được thầy cô, bè bạn. Thế nên, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, có một nguyện ước chung của thầy cô và học trò là được sớm trở lại với trường, lớp”.

“Chưa bao giờ ngày Nhà giáo Việt Nam lại diễn ra trong bối cảnh đặc biệt như thế này. Trường lớp vắng bóng học sinh, vắng những tiếng cười. Tình cảm ấm áp, lời tri ân trực tiếp của học trò cũng không thể đến với quý thầy cô. Có lẽ đó là điều mà những thầy cô đang làm công tác trực tiếp giảng dạy thấy hẫng hụt nhất. Thay vào đó, các thầy cô hãy biến những khó khăn, biến ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam thành những cố gắng, nỗ lực, bằng tình cảm và bài giảng chất lượng đến với học sinh. Các em sẽ hiểu, sẽ cùng với thầy cô giáo vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ðể mùa tri ân năm nay là kỷ niệm khó quên, còn đọng lại mãi trong chặng đường nghề nghiệp của mình”, ​ông Lê Hoàng Dự gởi gắm.

Ngôi trường ở vùng sâu 

Trong chuyến về thăm Trường THCS Tân Tiến, ngôi trường thuộc vùng xa của huyện Ðầm Dơi, chúng tôi đã ghi lại nhiều câu chuyện cảm động. Ở đó, có một thầy hiệu trưởng vừa mới nhận công tác vào đầu năm học mới, chưa một lần được gặp học sinh.

Thầy Trịnh Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến, bộc bạch: “Mình về trường, làm lễ khai giảng Online, rồi giảng dạy cũng Online, chỉ gặp mặt được đồng nghiệp mới. Nói thật, mấy chục năm làm nghề giáo, chưa bao giờ tôi có cảm giác trống vắng đến vậy. Trường học mà vắng học sinh thì buồn lắm”.

Là ngôi trường có bề dày truyền thống, vừa đạt chuẩn quốc gia năm 2020, cơ sở vật chất khang trang, Trường THCS Tân Tiến là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục Ðầm Dơi trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là hình thức học Online.

Theo thầy Liêm: “Việc giảng dạy của giáo viên và học sinh phải nói là thuận lợi. Ðó là nhờ vào sự nỗ lực, vững vàng tay nghề của các thầy cô giáo, là sự ủng hộ, quan tâm của học sinh và phụ huynh”.

Khi Trường THCS Tân Tiến được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, việc gặp gỡ với các đồng nghiệp cũng không còn thực hiện được nữa. Mọi công việc điều hành phải qua điện thoại, theo hình thức Online. Thầy Ðào Phương Khanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến, kể: “Khi giải thể khu cách ly, toàn bộ cán bộ, nhân viên nhà trường được tổng huy động để làm vệ sinh, sát khuẩn. Thầy hiệu trưởng tự tay mình vào khu nhà vệ sinh để cọ rửa, khử khuẩn vì nơi đó là chỗ có nguy cơ nhất. Anh em thấy vậy làm rất kỹ, để khi học sinh đi học lại được an toàn”.

Thầy giáo trẻ Trần Văn Mười thì thổ lộ: “Có nhiều em gởi lời chúc mừng ngày 20/11, tôi nói với các em rằng, bây giờ thầy trò mình dạy và học thật tốt, các em chăm ngoan, học tập an toàn mới là món quà, lời chúc ý nghĩa nhất”.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Kiều tâm sự: “Có dịch bệnh như thế này mới thêm trân quý tình đồng nghiệp, yêu mến hơn các em học sinh của mình. Thú thật, nếu không có khó khăn này, việc giảng dạy theo hình thức Online bản thân tôi chưa chắc đã thành thục như bây giờ. Còn với học sinh, mình chưa chắc đã nắm hoàn cảnh gia đình các em một cách cặn kẽ, cụ thể để có biện pháp hỗ trợ”.

Nghề giáo được ví là nghề đưa đò, chở những thế hệ học sinh đến bến bờ của tri thức, của tương lai tươi đẹp. Nhưng trước dịch bệnh, nghề giáo còn có vai trò khêu sáng niềm tin, giữ lửa yêu thương. Ðể ai cũng thấm thía một điều giản dị rằng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất đến các thầy cô giáo, trong một mùa tri ân đặc biệt. Ngày đến trường sẽ thật gần, như là món quà mong chờ nhất, ý nghĩa nhất dành cho nghề cao quý nhất./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Liên kết hữu ích

Học mà chơi - chơi mà học

Dịp hè, các lớp dạy năng khiếu diễn ra sôi động tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau, được nhiều phụ huynh lựa chọn đăng ký cho con em theo học, qua đó giúp con vừa giải trí, vừa phát triển năng khiếu và hạn chế tiếp xúc các thiết bị điện tử.

"Trái ngọt" gọi tên vùng đất khó

Không nằm ở trung tâm, không sở hữu nhiều điều kiện học tập lý tưởng, nhưng Trường THPT Võ Văn Kiệt (xã Phước Long) và Trường THPT Ninh Quới (xã Ninh Quới) vẫn giữ vững thành tích 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT năm 2025. Giữa vùng khó đầy thử thách, 2 ngôi trường như mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng khát vọng, vun bồi cây tri thức kết thành trái ngọt. Đó là tâm huyết, hành trình vượt khó, không ngơi nghỉ của cả thầy và trò. 

Hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển

Những ngày qua, hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển: Nguyễn Ngọc Gia Bảo (lớp 12 chuyên Hóa) và Lê Trọng Nguyễn (lớp 12C3) đã mang về niềm tự hào cho gia đình, nhà trường và ngành giáo dục Cà Mau khi cùng đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Những người bền bỉ "gieo chữ"

Không chỉ vững chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Lê Thị Anh Thư và cô Lã Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (phường An Xuyên) còn là những tấm gương điển hình về lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò. Mới đây, cả hai vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2025.

Thủ khoa Đất Mũi và hành trình mang ước mơ gửi vào màu áo lính

Võ Trương Gia Huấn, nam sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu (phường Bạc Liêu) không chỉ là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của tỉnh Cà Mau với tổng điểm 37,5 mà còn đồng thời là thủ khoa khối A00 của tỉnh (Toán 10, Lý 10, Hóa 9,75). Phía sau thành tích đáng nể ấy là câu chuyện đẹp của một chàng trai tự học bền bỉ, sống chân thành, và có ước mơ giản dị: “Phục vụ đất nước trong màu áo Quân nhân”.

Thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00, quê Cà Mau

Em là Trần Đức Tài, nam sinh quê hương Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, xuất sắc trở thành thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00 (Toán – Hóa – Sinh) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Là học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Hồ Chí Minh, Đức Tài đạt điểm 10/10 ở cả ba môn, với tổng điểm 30 tuyệt đối.

Cà Mau: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2025 trên 99%

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được công bố vào lúc 8 giờ sáng nay. Năm nay, tỉnh Cà Mau (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,26%, tỉnh Bạc Liêu (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,56%. Tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Cà Mau (mới) đạt 99,37%.

Tỉnh Cà Mau có Tạp chí Khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm

Chiều 15/7, Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Bạc Liêu (tạp chí in và tạp chí điện tử) và bổ nhiệm Tổng Biên tập.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.