(CMO) Nhờ đặc tính cây dễ trồng, chịu được hạn, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công lao động và cho hiệu quả cao, cứ mỗi vụ lúa đông xuân vừa xong, bà con nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời lại xuống giống bí rợ với diện tích vài chục héc-ta. Bí rợ đã trở thành cây màu chủ lực sau Tết ở các địa phương trong huyện.
Trên những cánh đồng, thửa ruộng ở xã Trần Hợi thời điểm này, người dân ra đồng thu hoạch nhộn nhịp, thương lái tấp nập đến tận nơi thu mua bí rợ. Năm nay, do lượng mưa vừa nên thuận lợi cho cây sinh trưởng, đạt năng suất cao, lại được giá.
Ông Nguyễn Ngọc Hân (Ấp 4, xã Trần Hợi) trồng 10 công bí giống Én Vàng, thu hoạch đợt 1 được 10 tấn, bán với giá 6.000 đồng/kg, lãi được vài chục triệu đồng. Cùng ấp, anh Trương Hoàng Lâm trồng 4 ha giống bí Trang Nông, thu hoạch được 8 tấn, bán giá 9.000 đồng/kg, lãi hơn 50 triệu đồng sau 2 đợt thu hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Thà, thương lái đến từ quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết, giống bí Trang Nông dòng bí 151 ở Trần Hợi được tiêu thụ mạnh do người tiêu dùng rất ưa chuộng. Từ đầu vụ đến nay ông đã mua trên 500 tấn bí của bà con xã Trần Hợi.
Bén đất đồng ruộng Ấp 4, Ấp 5 và ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, từ vài hộ trồng đến nay đã có vài chục hộ trồng bí rợ với diện tích hơn 50 ha, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, đồng thời giải quyết bài toán bỏ ruộng hoang sau sản xuất vụ đông xuân, cũng như cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng ở khu vực ÐBSCL.
Bí rợ được trồng dưới ruộng lúa, khi ra trái được gốc rạ che nắng nên phát triển nhanh. |
Chị Vũ Thị Hiền (phải) và chị Hà Thị Vân mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng từ cắt bí thuê. |
Cánh đồng bí rợ ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời vào mùa thu hoạch. |
Anh Trương Hoàng Lâm (phải) thu hoạch bí rợ. |
Huỳnh Lâm thực hiện