Một năm trở lại đây, ở góc nhỏ trên đường Bùi Thị Trường, Phường 5, TP Cà Mau, đều đặn mỗi tháng 2 lần, những người có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số, nhặt ve chai... tập trung đến để nhận những phần cơm nóng hổi, ấm áp tình người của Bếp ăn yêu thương, do nhóm bạn trẻ cùng nhau thực hiện.
- “Mọi người vui, mình cũng hạnh phúc”
- Xoá nhà tạm, nhà dột nát - Dồn sức để kịp giao nhà mới trước Tết
- 120 người dân thuộc hộ nghèo, khó khăn được khám bệnh, cấp thuốc
Nói về lý do ra đời của Bếp ăn yêu thương, chị Lê Thị Hồng Phượng (Phường 5, TP Cà Mau), người khởi xướng việc làm ý nghĩa này, chia sẻ: “Sau đại dịch Covid-19, hầu như đời sống những người yếu thế trong xã hội ngày càng khó khăn hơn. Nhìn thấy các cô chú lượm ve chai hay các em nhỏ bán vé số chật vật mưu sinh, tôi nghĩ tại sao mình không tổ chức một bếp ăn miễn phí để sẻ chia cùng họ. Ban đầu tôi lo một mình không đủ sức, nên tôi kêu gọi chị em, bạn bè cùng chí hướng thực hiện bếp ăn này”. Trong suốt thời gian bếp đỏ lửa, đa phần kinh phí đều do các thành viên đóng góp hoặc vận động từ các nhà hảo tâm.
Từ 13 giờ, các thành viên trong nhóm tập trung đến nấu nướng để chuẩn bị các phần cơm miễn phí.
Mỗi thành viên trong nhóm đều bận rộn công việc riêng, nhưng đến ngày 5 và 20 hằng tháng họ đều sắp xếp thời gian, tập trung lại hỗ trợ nhau. Chị Lê Thị Phương Dung (Phường 8, TP Cà Mau) chia sẻ: “Công việc của tôi là kinh doanh tại nhà, mỗi tháng bếp ăn chỉ có 2 kỳ tổ chức nên cũng dễ sắp xếp thời gian tham gia. Bản thân mình có gì thì góp đó, ngoài ra tôi còn vận động thêm bạn bè bên ngoài, mong muốn bà con nghèo có được một bữa ăn ngon sau ngày dài lao động vất vả. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì sự lan toả của bếp ăn, ngay cả những em bé bán vé số ở rất xa cũng biết và đến đúng ngày để nhận cơm”.
Cơm trắng sẽ được múc vào hộp xốp cùng 1 phần rau xào.
Tiêu chí của nhóm phải làm sao cho các món ăn thật ngon, thật chất lượng.
Mỗi lần tổ chức, Bếp ăn yêu thương thường nấu khoảng 300 suất ăn, thực đơn được thay đổi liên tục, thời gian đông người từ 16-17 giờ, giờ cơm chiều của bà con lao động. Sau 1 năm, bếp tổ chức được 24 kỳ. Ngoài ra, nhóm thường có những chuyến thiện nguyện để nấu cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Kinh phí hoạt động duy trì bếp ăn đến nay đã hơn 100 triệu đồng.
Trong ngày phát cơm tổng kết năm, nhóm còn vận động thêm quà và gạo tặng bà con.
“Hiện tại, nhóm có 10 thành viên thay phiên nhau. Các anh chị đều có công việc riêng nên tuỳ vào điều kiện mỗi người sẽ sắp xếp thời gian đến. Tôi hy vọng bếp luôn duy trì, các thành viên luôn đồng hành cùng nhau để mang lại những bữa ăn thật ngon, thật ý nghĩa đến những mảnh đời khó khăn”, chị Phượng mong muốn.
Chị Lê Thị Hồng Phượng mong muốn mỗi phần cơm trao đi sẽ đổi lấy nụ cười và niềm vui cho bà con nghèo.
Anh Trần Quốc Toản, chủ vựa gạo ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, một thành viên năng nổ của nhóm, ân cần trao tận tay phần cơm cho mẹ con người bán vé số dạo.
Lê Tuấn - Hữu Nghĩa thực hiện