ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 20:32:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Mọi người vui, mình cũng hạnh phúc”

Báo Cà Mau Kết nối và duy trì hỗ trợ "áo quan 0 đồng", "bếp chay 0 đồng", cùng nhiều hoạt động thiện nguyện suốt nhiều năm qua, chị Trần Kim Thuỷ (ngụ phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) tâm niệm: “Của ít lòng nhiều, nhiều người đóng góp sẽ giúp được nhiều người nghèo hơn. Ai có tấm lòng đều có thể chung tay đóng góp, rất trân quý”.

Theo dõi Facebook cá nhân của chị Trần Kim Thuỷ mới có thể hiểu hết tấm lòng của chị và những người cộng sự đã hết lòng lo hậu sự cho những người nghèo, người cô đơn vắn số, đúng với câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Bất kể thời tiết, thời gian, ở đâu... chỉ cần có người gọi điện thoại xin áo quan là chị cùng nhóm “Áo quan 0 đồng Cà Mau” đến tận nhà hỗ trợ, có lúc chị còn kiêm luôn tài xế, lo luôn lễ tang, hỗ trợ người nhà nấu đám...

“Có nhiều người, nghèo đến mức khi chết cũng không thể có một chiếc quan tài, nên chúng tôi mong muốn mang đến sự ấm áp cho họ ở giây phút cuối đời, đôi khi lo luôn tẩm liệm, chôn cất. Ðể minh bạch, rõ ràng và có thể giúp thêm cho gia đình người chết lo tròn hậu sự, tất cả những chuyến đi tôi đều phát trực tiếp gia cảnh trên Facebook cá nhân để mọi người cùng sẻ chia, thấu hiểu, sau đó trao hết số tiền những nhà hảo tâm đóng góp cho gia đình họ. Nhiều hoàn cảnh đủ duyên được hỗ trợ hàng chục triệu đồng, đỡ đần cuộc sống về sau”, chị Thuỷ tâm tình.

Không chỉ hỗ trợ “áo quan 0 đồng”, chị Kim Thuỷ còn là cầu nối để mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí lo hậu sự, cuộc sống về sau của những mảnh đời bất bạnh.

Chị Thuỷ kể, nhiều cảnh đời khi đưa quan tài đến thì thấy người mất phải nằm ngoài đồng trống, cô quạnh đến đau lòng. Những người cộng sự của chị phải đi xuyên đêm để kịp đến lo chu toàn mọi việc. Cả nhóm hiểu hơn ai hết, nỗi mất người thân đã quá đau khổ rồi, xin chiếc quan tài là đến cùng cực thương tâm, nên chỉ cần nhận tin là nhóm gấp rút đưa áo quan đến tận nhà.

“Có hôm người nhà xin áo quan tỏ bày cảnh khổ, hiểu cảnh nhà, tôi kiêm luôn tài xế chạy thẳng xuống chợ Phường 7. Vậy là, người cho cá, cho thịt, cho rau, người cho đồ nêm, trái cây... đủ để lo bề đám tang, rồi thẳng tiến đến nhà họ nấu đám, lo liệu đến khi an táng xong mới về. Người nhà bối rối cảm ơn, còn với chúng tôi, đó là tấm lòng của rất nhiều người góp sức, ấm lòng”, chị Thuỷ bộc bạch.

Chiếc xe chị Thuỷ đi chở đồ nấu đám tang cũng là chiếc xe của "Bếp chay 0 đồng" do chị làm trưởng nhóm, kiêm bếp trưởng, kiêm luôn tài xế. Chị còn kiêm luôn nhân viên phục vụ cơm cho người bệnh và người nhà người bệnh tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau đều đặn 3 ngày cố định: thứ Năm, Sáu, Bảy mỗi tuần. Chị Thuỷ cho biết, "Bếp chay 0 đồng" được chị tạo lập sau nhóm “Áo quan 0 đồng Cà Mau”, nay đã hơn 3 năm, đổi địa điểm cũng nhiều lần, hiện bếp toạ lạc đường Quang Trung, Khóm 5, Phường 5.

“Bếp đỏ lửa cố định 3 ngày (thứ Năm, Sáu, Bảy). Chỉ khi tôi có chuyến thiện nguyện ngoài tỉnh hay lo hậu sự cho các mảnh đời ở xa thì mới đổi lịch 3 ngày khác, và sẽ có thông báo cụ thể cho bà con. Ðổi lịch chứ không bỏ cữ, tức là cỡ nào thì mỗi tuần cũng phải lo đủ 3 bữa cơm cho bà con tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Dù nắng, dù mưa, dù lễ, Tết, kể cả mùa dịch Covid-19 vừa qua, bếp vẫn đỏ lửa, chỉ tăng suất chứ không giảm, vì đối với người nghèo khó, bữa cơm no bụng cần lắm”, chị Kim Thuỷ chia sẻ thêm.

Sau khi chế biến các món chay xong, chị Kim Thuỷ (bên trái) và chị Xuân sẽ sang qua nồi lớn để giữ món ăn được ấm nóng, chuẩn bị thêm hộp để ai cũng nhận được cơm.

Ðến thăm bếp buổi chiều trước ngày nấu phục vụ, chúng tôi thật cảm phục sức bền của chị Thuỷ vì chịu trách nhiệm chính chỉ có 2 người, là chị Thuỷ và chị Nguyễn Thị Mộng Xuân, nhưng làm hết tất cả các khâu: sơ chế rau củ, nấu, phát cơm... với mỗi buổi phát khoảng từ 300-400 phần.

Chị Mộng Xuân, cộng sự của chị Thuỷ, vui vẻ: “Bếp duy trì lâu rồi nên mọi việc đâu vào đó hết, làm cũng nhanh lắm. Quan trọng hơn hết là chất lượng bữa ăn, phải đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh, vì mình nấu cho người bệnh và người nhà của họ. Họ ăn ngon là mình vui”.

Mỗi thứ Năm, Sáu, Bảy hằng tuần, đúng 8 giờ, "Bếp chay 0 đồng" của chị Kim Thuỷ sẽ đến cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát cơm cho bà con.

Theo lời chị Thuỷ, do “tiếng lành đồn xa”, vì mỗi bận nấu, phát cơm, chị đều phát hình ảnh trực tiếp trên Facebook cá nhân để nhà hảo tâm, mạnh thường quân theo dõi. Những đóng góp chị đều minh bạch, rõ ràng nên bếp nhận được rất nhiều sự hỗ trợ gần xa. Có những người biết địa chỉ và lịch nấu của bếp, họ đem rau, củ, gia vị đến góp, hoặc thấy bếp thiếu gì là mua tặng nấy... nên bếp luôn ấm áp yêu thương và những bữa ăn cũng trở nên hạnh phúc, đủ đầy.

Chị Kim Thuỷ (bên trái) luôn công khai minh bạch những đóng góp của mạnh thường quân dành cho bếp và khi phát cơm sẽ phát hình ảnh trực tiếp trên Facebook cá nhân, nhờ đó bếp có nguồn lực duy trì hơn 3 năm qua, xuyên suốt cả ngày lễ, Tết.

Là khách quen của bếp, ông Phạm Văn Thắng (ngụ Khóm 4, Phường 6, TP Cà Mau), làm nghề chạy xe ôm quanh khu vực bệnh viện, chia sẻ: “Hễ 8 giờ sáng thứ Năm, Sáu, Bảy là cô Thuỷ, cô Xuân đến trước cổng bệnh viện phát cơm. Có hôm thì canh, đồ kho, có hôm thì đồ xào, luộc... món nào cũng ngon. Ai muốn xin nhiều thì nói các cô cho thêm, vui vẻ lắm. Tôi lấy cơm riết thành mối luôn”.

Vừa lấy xong phần cơm của mình với cánh tay chi chít mũi kiêm vì chạy thận vừa xong, anh Lê Tấn Tài (Ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình) xúc động: “Tôi mệt, không xếp hàng đợi lâu được nên các chị ưu tiên phát cơm cho tôi trước. Chi phí chạy thận 7 năm đã làm khánh kiệt kinh tế, nên được những bữa cơm vầy mỗi tuần đỡ khổ biết bao”. Ðứng cạnh bên, cũng vừa lấy xong suất cơm của mình, bà Phạm Thị Hồng Ðào bày tỏ: “Mọi người quen cơm của các cô phát thì đem hộp, ca, thố... theo đựng, nếu ai mới đến nằm viện chưa biết thì các cô cho hộp, cho bọc đựng. Ăn sợ thiếu không no thì các cô cho thêm. Có hôm thì có thêm trái cây, bánh, nước... Các cô chu đáo, nhiệt tình, tốt bụng quá”.

Mỗi phần ăn 3 món gồm cơm và canh, kho hoặc xào, luộc… đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh.

Khi hỏi lịch trình của chị mỗi tuần, chị Thuỷ cười: “Ở đâu cần thì mình kết nối đến đấy. Lan toả yêu thương, mọi người vui, mình cũng hạnh phúc!”. Cũng bởi thế mà thời gian nắng hạn, khi bà con các địa phương trong và ngoài tỉnh thiếu nước sạch sinh hoạt, chị Thuỷ lại cùng đồng hành nhiều nhóm thiện nguyện, mạnh thường quân chở nước ngọt đến sẻ chia. Hiện chị đang thu xếp lịch trình để cùng nhóm chuẩn bị chuyến đi trao quà cho các cháu thiếu nhi là con em đồng bào dân tộc, nhóm sẽ nấu 1.500 tô bún riêu cua và tặng quà, bánh, sữa cho các con; nhóm còn dự định đến thăm Trại tâm thần Hàm Rồng, tỉnh Gia Lai...

Ðối với chị Thuỷ, mỗi chuyến đi là một hành trình nối dài hạnh phúc, bởi vậy, dẫu đã gần tuổi lục tuần nhưng chị vẫn giữ nhiệt tâm thiện nguyện: “Sống là cho đi...”./.

 

Băng Thanh - Lê Tuấn

 

Liên kết hữu ích

Ðền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều hoạt động được tổ chức trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Các hoạt động này không chỉ nhằm ôn lại lịch sử mà còn phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, vững bước trên con đường phát triển.

Thầm lặng nghề công tác xã hội

Công việc nhiều hơn, đối tượng yếu thế tăng lên, nhưng nguồn lực làm công tác xã hội (CTXH) vẫn chưa đảm bảo, nhất là nhân lực kế thừa.

Trao tình thương, tiếp thêm nghị lực

Ðược triển khai từ năm 2024, mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế tặng hội viên nghèo” của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phường 6, TP Cà Mau, không chỉ giúp chị em có điều kiện khám chữa bệnh, mà qua đó còn góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên phụ nữ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT).

Ðổi thay rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc

Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: "Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hầu hết các nội dung chính sách dân tộc đều đã được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, chương trình này được xem là chính sách tổng thể, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, xã hội của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer".

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hoạt động an sinh xã hội, từ thiện được các tổ chức, cá nhân và mạnh thường quân trên địa bàn huyện Ðầm Dơi quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức.

Lan toả nghĩa cử đẹp

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái của mỗi người đối với cộng đồng khi một phần máu tốt của mình có thể cứu sống người bệnh. Thời gian qua, phong trào HMTN trên địa bàn TP Cà Mau luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực không chỉ của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, mà còn nhận được sự tham gia của đông đảo người dân.

Ấm áp gian hàng 0 đồng của áo xanh tình nguyện

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, các đoàn viên, thanh niên đã và đang chung tay tạo nên những gian hàng 0 đồng hoạt động liên tục để trợ giúp cuộc sống của người lao động chân tay, người nghèo bớt nỗi nhọc nhằn.

Đoàn doanh nghiệp và đại diện Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi hỗ trợ Cà Mau hơn 2 tỷ đồng xây nhà cho người nghèo

Chiều 2/4, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức tiếp đoàn các doanh nghiệp và đại diện Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đến thăm, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh.

Cộng đồng chung tay chăm lo cho gia đình 2 người mất do tai nạn giao thông

Liên quan đến vụ việc chồng chở vợ đi khám thai bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong cả 2 trên tuyến Quốc lộ 1, những ngày qua, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thông qua vận động của xã hội đã giúp gia đình lo hậu sự, yên lòng người ra đi.

Chàng trai trẻ thích làm việc thiện

Với tâm niệm góp sức nhỏ xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, suốt 7 năm qua, chàng trai trẻ Võ Trọng Hữu, 29 tuổi, ở Ấp 7, xã Nguyễn Phích, tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ bà con nghèo, khó khăn, bệnh tật như: xây dựng nhà ở, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm; chia sẻ với các gia đình khó khăn không may có người thân qua đời; hỗ trợ địa phương xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn.