Đồng hồ chưa điểm 11 giờ, quán cơm Nghĩa (Phường 7, TP Cà Mau) đã đông khách. Người đến hầu hết là người lao động, thu nhập thấp, được phục vụ chu đáo. Không khí giờ ăn vui vẻ.
Quán nằm trong con hẻm nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách.
Bà Võ Thị Út (70 tuổi, ngụ Phường 7) tươi cười: “Tôi là khách quen ở đây. Tôi ăn ít cơm nhưng ông bà chủ “bù” cho đủ món ngon, dinh dưỡng. Bữa trưa 12 ngàn đồng, bao no, đối với chúng tôi quý lắm”.
Theo bà Út, quý là vì bữa trưa cơm chay với mức giá này là tiết kiệm rất nhiều cho những người có hoàn cảnh khó khăn như bà. 70 tuổi, bà Út mưu sinh bằng nghề bán vé số, nuôi một người con thiểu năng. Mỗi ngày 2 buổi bà đều đến quán ăn mua về cho con một phần. Bà lý giải: “Phần cơm giá chỉ 12 ngàn nhưng bao no, tức là cơm thêm, canh thêm hay thức ăn thêm đều không tính thêm tiền, miễn người dùng no bữa, ông bà chủ sẵn lòng giúp. Riêng mùng Một hoặc Rằm sẽ có các suất ăn miễn phí. Quý và biết ơn tấm lòng ông bà chủ quán”.
Bà Võ Thị Út là khách quen của quán cơm Nghĩa. Với bà, mỗi bữa ăn đều ngon và ấm lòng.
Ngồi cạnh bên, anh Trương Minh Tài (ngụ Phường 4, TP Cà Mau) vui vẻ: “Các món chay ở đây đa dạng, phong phú, nóng hổi, ngon lành. Với người thu nhập thấp như chúng tôi, 12 ngàn, bao no, đỡ tốn chi phí biết nhường nào. Tôi, gia đình và bạn bè đều là khách quen ở đây”.
Ðể ai cũng biết và không ngại đến ăn, ông bà chủ quán cơm Nghĩa niêm yết hẳn giá bán và lịch phát cơm miễn phí tại các nơi dễ nhìn thấy ở quán. Riêng mùng 2, 16 âm lịch thì quán nghỉ.
Ông Tiêu Văn Nghĩa, chủ quán, trần tình: “Tôi đã từng nghĩ đến mở quán ăn 0 đồng, nhưng qua dò hỏi tâm tình bà con thì ai cũng nói sẽ rất ngại vào ăn, vì bản thân họ dẫu khó khăn đến mấy cũng có lòng tự trọng. Một vài ngày thì họ sẽ đến, nhưng nhiều ngày thì quán sẽ vắng lắm. Vậy nên tôi niêm yết giá 12 ngàn đồng, không nhiều cũng không ít, để ai cũng có thể đến ăn. Bữa ăn no, uống nước miễn phí, chỗ ngồi thoáng mát, thoải mái, lại rẻ nên quán mới đông khách như vầy”.
Theo vị chủ quán hiền từ này, quán mở từ mùng 9 tháng Giêng đến nay, ngày nào cũng đông khách. Ðến đây không chỉ có người lao động, thu nhập thấp mà còn có học sinh, sinh viên, người làm công sở, y, bác sĩ... ai thích ăn chay, ăn thanh đạm đều có thể đến. Thực đơn được thay đổi mỗi ngày, sáng thì có bún, bánh ướt, bánh mì, hủ tiếu...; trưa thì cơm, canh đủ loại. Ðiểm đặc biệt ở đây là thức ăn luôn nóng hổi, chất lượng. Nhiều người đặc biệt khó khăn đến quán, ông bà chủ không lấy tiền, hoặc họ có nhiêu trả bấy nhiêu mà vẫn no bữa.
Thức ăn chay nhưng đa dạng, phong phú và dinh dưỡng, luôn nóng hổi và bao no.
“Người đến quán ăn ngon miệng, no bụng là tôi vui. Quán cứ bán suốt, từ 6 giờ sáng đến tầm 13 giờ 30 chiều. Hết món là lên món mới. Mùng Một, Rằm thì chuẩn bị nhiều hơn, khoảng 600-700 suất cơm miễn phí (dành khoảng 100 suất cho bệnh nhân ở 2 khoa, Ung bướu và Khoa Thận của Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Cũng vì vậy mà ngày mùng 2 và 16 âm lịch quán nghỉ. Tôi nghỉ, chớ ổng thì có lịch đi miết”, bà chủ quán Ngô Thị Kim Loan tâm tình.
Ông Nghĩa cười hiền: “Mấy bữa nấu cơm miễn phí, xóm này vui lắm, các chị ở đây ai rảnh thì đến giúp. Có người góp ít rau củ, gia vị... Mọi người chung tấm lòng chia sẻ với người khó hơn mình, mong họ có cuộc sống tốt hơn”. Ông kể, hồi dịch Covid-19 bùng phát cũng vậy, quán lúc nào cũng ấm áp nghĩa tình vì mọi người chung tay nấu mỗi ngày hàng ngàn suất ăn cứu trợ bà con, cùng nhau vượt qua đại dịch.
“Từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Tôi tin, những điều tốt đẹp, thiện lành luôn hiện hữu”, ông Nghĩa tâm tình.
Ông Tiêu Văn Nghĩa cùng đoàn thiện nguyện hỗ trợ nước ngọt cho bà con ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch (chiều 16/4).
Tôi có duyên biết ông chủ quán cơm Nghĩa từ chuyến đi hỗ trợ hơn 15 ngàn lít nước ngọt cho các hộ dân ở Biển Bạch (huyện Thới Bình) và Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời) vào ngày 16/4 vừa qua. Ấn tượng bởi ông đã 67 tuổi nhưng vẫn xông xáo, nhiệt tình và luôn tích cực giúp đỡ bà con. Trò chuyện mới biết, hơn 20 năm qua, ông ngược xuôi từ Nam ra Trung rồi đi Bắc, đồng hành cùng nhiều đoàn thiện nguyện đi nhiều vùng khó, hiểm trở nên quen việc, khoẻ khoắn. Ở Cà Mau thì hễ đâu cần, ông sẵn sàng kết nối giúp sức; kể cả việc hỗ trợ áo quan từ thiện, ma chay tiễn đưa người cơ nhỡ, đặc biệt khó khăn, ông không bao giờ chối từ...
“Mục tiêu duy nhất là giúp được người nghèo, người khó hơn mình. Họ vui, mình cũng vui. Nhiều chuyến các con tôi cũng tháp tùng. Cả nhà đều hướng đến việc thiện lành, đời thêm vui”, ông Nghĩa bày tỏ./.
Băng Thanh