ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 11:54:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bữa cơm hạnh phúc

Báo Cà Mau Ai cũng vậy, ở nơi xa xôi, người cùng quê gặp nhau, hỏi han nhau bằng những câu phương ngữ quen thuộc, được động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc gian nan... mới thật sự thấm thía hai tiếng “đồng hương”.

“Nhà ăn hạnh phúc”

Ðồng hồ chưa điểm 11 giờ, hàng dài người đã thẳng tắp trước “Nhà ăn hạnh phúc” của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh). Chỉ chốc lát, các bàn ăn kín khách.

Nhanh tay lấy thức ăn phục vụ các vị khách, chị Trầm Thị Hồng Ðang, tình nguyện viên Nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm (đơn vị phối hợp triển khai "Nhà ăn hạnh phúc" tại bệnh viện), chia sẻ: “Mỗi suất ăn trao đi, chúng tôi nhận được là sự ấm lòng và hạnh phúc. Nhiều lúc chứng kiến hoàn cảnh khó khăn đến mức họ phải chắt chiu từng đồng một; có cả những cảnh đời ở tận Cà Mau, Bạc Liêu lên đây làm thuê, chẳng may bệnh nặng phải điều trị dài ngày, mới thấy những suất cơm trưa ở đây đáng quý nhường nào”. Ðó cũng chính là động lực để chị Ðang gắn bó với nhà ăn suốt gần 3 năm qua.

Chị Trầm Thị Hồng Ðang (bìa trái) cùng tình nguyện viên Nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm chu đáo chuẩn bị những suất ăn nghĩa tình.

Có lẽ vui và hạnh phúc nhất trong những người đến với nhà ăn là bà Lâm Thị Hậu (có người nhà đang điều trị tại bệnh viện). Bà vui vẻ: “Bác sĩ giám đốc của bệnh viện này là đồng hương Cà Mau với tôi. Ở đây cũng có nhiều bác sĩ người Cà Mau lắm, ai cũng ân cần, nhiệt tình!”.

Anh Nguyễn Thanh Sương, nhân viên Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cũng quê Cà Mau, chia sẻ, vị bác sĩ mà bà Hậu nhắc chính là Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh. Ông quê huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, chính ông là người khởi xướng xây “Nhà ăn hạnh phúc” tại bệnh viện trong lúc đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội (tháng 5/2021).

“Thời điểm đó, người bệnh, thân nhân, kể cả nhân viên, y, bác sĩ, và còn có rất nhiều người lao động kẹt lại đây, trong đó có nhiều đồng hương mình phải chật vật, lo toan từng bữa ăn, nên “Nhà ăn hạnh phúc” ra đời. Hạnh phúc đơn giản chính bởi sự đồng lòng ủng hộ của tập thể bệnh viện; đặc biệt là có các đơn vị, các mạnh thường quân đứng ra hỗ trợ, có nhiều đơn vị nhận hỗ trợ lâu dài nhằm duy trì sự bền vững của nhà ăn. Tất thảy chúng tôi đã quen thuộc với “Nhà ăn hạnh phúc” vào 11 giờ mỗi buổi trưa. Mỗi suất ăn tuy không lớn về giá trị vật chất nhưng lớn về giá trị nhân văn, lan toả năng lượng tích cực. Bởi, mọi người không chỉ no bụng mà còn ấm lòng và còn nhận được thật nhiều tình yêu thương, những nụ cười trìu mến trong bữa cơm quây quần... Tất cả dệt nên câu chuyện đầy ắp tình người”, Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh trải lòng. 

Mỗi suất ăn chan chứa yêu thương chia sẻ cùng người bệnh, thân nhân người bệnh, người lao động, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế vơi đi khó khăn 

“Tôi thấy thật hạnh phúc, không chỉ vì những bữa cơm, mà xúc động khi thấm thía hai tiếng “đồng hương” nằm trong những nghĩa cử cao đẹp. Khi nghe, khi biết đồng hương cần giúp đỡ thì sẵn sàng giúp như người thân của mình vậy”, anh Sương tâm tình.

Ðơn cử như câu chuyện của chính gia đình anh. Anh Sương kể, anh trai anh, là anh Nguyễn Văn Vũ (quê xã Biển Bạch, huyện Thới Bình), sau 12 năm chiến đấu với các di chứng do tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não, cần phẫu thuật khẩn cấp để lắp hộp sọ não nhân tạo nhưng gia cảnh quá khó khăn. Hay tin, Ban Liên lạc Ðồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh (Ban Liên lạc), trong đó có Bác sĩ Khanh, vừa với vai trò là Giám đốc Bệnh viện, vừa là Phó trưởng ban Liên lạc và là Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc đồng hương của Ban Liên lạc, cùng ra sức vận động, hỗ trợ điều trị cho anh Vũ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

“Ca mổ ghép sọ nhân tạo của anh tôi diễn ra thành công hồi cuối tháng 12/2022, với chi phí phẫu thuật khoảng 40 triệu đồng; bệnh viện hỗ trợ chi phí mời chuyên gia và công mổ. Hiện anh tôi khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường. Tôi rất biết ơn những tấm lòng vàng, trong đó có rất nhiều đồng hương đã trợ giúp trong lúc nguy khó. Còn nhớ ở thời điểm đó, những bữa trưa ở “Nhà ăn hạnh phúc” đã giúp cho anh và người nhà. Hạnh phúc không tả nổi”, anh Sương trải lòng.

Nhận thêm một phần cơm cho vợ đang điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ông Ðỗ Minh Khiêm, (bìa phải, 70 tuổi, quê Nam Ðịnh, sống tại TP Thủ Ðức) bộc bạch: “Những bữa trưa ngon giúp tôi tiết kiệm nhiều chi phí, vì vợ chồng tôi tuổi già cứ phải nằm viện suốt. Riết từ lạ thành quen, bữa trưa quây quần ấm lòng”.

Ðau đáu vì quê hương ruột thịt

Ai đó nói rằng: “Con người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về”. Dù ở đâu, làm gì, thành công đến đâu thì những người con Cà Mau vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương. Thực tế đã qua, tình đồng hương đã góp sức mạnh cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19, nhiều cơn bão lũ; đã có hàng trăm cây cầu, ngôi nhà đồng hương, cùng rất nhiều chương trình an sinh xã hội giúp đỡ quê nhà trong lúc khốn khó. Ở thời điểm hiện tại, họ lại đau đáu, xót xa trước hiểm hoạ sạt lở, sụt lún do hạn hán tại quê nhà... Chắc chắn họ luôn sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực của tỉnh, chia sẻ vì cộng đồng.

Còn ngay tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, qua lời chia sẻ của Trưởng phòng Công tác xã hội Trần Quang Châu, đã có rất nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở Cà Mau đã được Bệnh viện Lê Văn Thịnh và nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chữa trị kịp thời, góp phần giảm đáng kể chi phí cho gia đình bệnh nhân, thông qua sự kết nối của những tấm lòng đồng hương, mà vai trò lớn là CLB Thầy thuốc đồng hương của Ban Liên lạc.

Bác sĩ Trần Văn Khanh bày tỏ: “CLB sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ nhiều hơn nữa cho bà con đồng hương Cà Mau và Bạc Liêu khám chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động, chương trình mổ mắt, khám bệnh, phát thuốc miễn phí giúp bà con quê mình sáng mắt, khoẻ mạnh”.

Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Mắt Tây Nam (TP.HCM) phối hợp cùng Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP.HCM mổ phaco miễn phí cho hơn 250 người dân huyện Đầm Dơi, ngày 18/11/2023 (Trong năm 2023, hai bệnh viện đã phối hợp thực hiện, đem lại ánh sáng cho gần 2.000 người dân Cà Mau, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng).

Ở mảnh đất Sài Gòn hoa lệ, những người lạ dần thành quen khi có những cuộc hạnh ngộ với bao cung bậc cảm xúc khác nhau bởi sự kết nối cội nguồn. Ðể rồi sau lời thăm hỏi, chia sẻ chuyện cấp thiết cần được hỗ trợ, thì những địa chỉ được giới thiệu, những sự giúp đỡ, sự kết nối giúp nhau nghĩa tình... được thực hiện. Chỉ mong rằng, những người đang khốn khó, mong chờ sự giúp đỡ sẽ luôn có được tình đồng hương sưởi ấm... dù đó chỉ là một bữa trưa ấm nóng như ở "Nhà ăn hạnh phúc" của Bệnh viện Lê Văn Thịnh thì đã hạnh phúc vô ngần!

 

Băng Thanh

 

Bàn giao 126 căn nhà cho hộ nghèo huyện Ngọc Hiển

Sáng 28/6, UBND huyện Ngọc Hiển phối hợp với VietinBank Chi nhánh Cà Mau tổ chức lễ bàn giao 126 căn nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn.

9 năm kết nối chuyến đò ý nghĩa

Từ lần tình cờ tác nghiệp tại xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi, câu chuyện về những cô, cậu học trò không học hết tiểu học do gánh nặng chi phí đến trường vì cầu lộ cách trở, đã thành động lực để Chi đoàn Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau (nay là Báo và Ðài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Cà Mau) duy trì hoạt động hỗ trợ. Kết thúc năm học 2024-2025, hành trình lần thứ 9 của chương trình “Chuyến đò an toàn cho học sinh cửa biển” hoàn thành thêm 1 năm kết nối; trẻ em tại cửa biển Giá Lồng Ðèn (xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi) có thêm một năm cố gắng đến trường.

Những trang viết, cánh sóng gieo mầm tri thức

Không ồn ào, không phô trương, nhưng báo chí vẫn lặng lẽ trở thành người bạn đồng hành trên hành trình chạm đến ước mơ của biết bao học sinh, sinh viên nghèo. Những bài viết, phóng sự truyền hình không chỉ khắc hoạ chân thực hoàn cảnh, mà còn là nhịp cầu kết nối yêu thương, là ngọn lửa truyền cảm hứng, tiếp sức cho những đôi chân bé nhỏ vượt lên số phận.

Khánh thành lộ giao thông nông thôn và trao nhà tình thương tại xã Khánh Bình Đông

Sáng 21/6, huyện Trần Văn Thời tổ chức lễ khánh thành tuyến lộ giao thông nông thôn bờ Tây kênh Tham Trơi, đoạn đi qua ấp Tham Trơi và Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông. Đồng thời tổ chức bàn giao nhà tình thương cho hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã.

Báo chí Cà Mau nối nhịp an sinh

“Nếu không có mấy cháu đến ghi hình, đưa thông tin, thì chắc đến chết tôi cũng không có tiền cất được nhà. Rồi các con tôi, không biết sống sao trong căn nhà mục, dột nát này”. Ðó là câu nói chạm trái tim tôi trong ngày mang niềm vui đến cho gia đình bà Phạm Thị Ðịnh, 74 tuổi, Ấp 1/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời.

Khởi động “Hành trình đỏ”

Xuất phát từ tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào mỗi dịp hè, Chương trình “Hành trình đỏ” ra đời và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các địa phương trong cả nước. Từ lần đầu tiên vào năm 2013 với sự tham gia của 15 tỉnh, thành phố, đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố tham gia tổ chức “Hành trình đỏ”, trong đó có tỉnh Cà Mau. Theo đó, đã thực hiện thành công 2.653 điểm hiến máu, thu được hơn 810 ngàn đơn vị máu.

Không chỉ chủ trương mà còn là trách nhiệm

Xã Tân Lộc, huyện Thới Bình hiện có 285 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống. Đa phần bà con làm nghề nông hoặc lao động phổ thông, cuộc sống còn nhiều khó khăn khi thiếu đất sản xuất, việc làm bấp bênh, điều kiện nhà ở xuống cấp. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều chính sách thiết thực, mang lại chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Kết nối những tấm lòng

Với thông điệp “Lan toả yêu thương, sẻ chia khó khăn”, trong những ngày đầu tháng 6, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Cà Mau phối hợp với Hội Phụ nữ Từ thiện TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn, mang đến niềm vui, tiếp thêm động lực cho các nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC) và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Báo Thanh Niên khởi công cầu tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời

Sáng 8/6, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ tổ chức khởi công cầu kênh Cơi Ba tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Cây cầu này là niềm mơ ước, chờ đợi nhiều năm qua của các hộ dân địa phương.

Ðồng hành hỗ trợ người yếu thế

Thời gian qua, được sự đồng hành của mạnh thường quân, nhà hảo tâm, những người yếu thế trong xã hội như: người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người mắc bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, hỗ trợ kịp thời.