(CMO) Bà Nguyễn Thị Hoa (71 tuổi, Phường 9, TP Cà Mau) chia sẻ, bà làm nghề bán bánh mì gánh đã hơn 20 năm. Nhờ đó mà nuôi được 7 người con khôn lớn trưởng thành. Bà nói, trước đây bán từ 15 giờ tới sáng.
Giờ con cái đã riêng tư, tuổi cũng đã cao nên mỗi ngày bà chỉ bán từ 13 giờ 30 đến 24 giờ. Lúc đắt hơn 200 ổ, có khi ít hơn, kiếm được trên 200 ngàn đồng tiền lời. Gắn bó với nghề đã lâu, nên ngoài có đồng ra đồng vào, việc ngày ngày phải tất bật chợ búa mua nguyên liệu, chế biến rồi gánh ra điểm bán, làm từng ổ bánh phục vụ khách, với bà cũng là niềm vui.
Quan sát đoạn đường Nguyễn Trãi (Phường 9, TP Cà Mau) từ Cầu Số 1 đến ngã tư Nhà thờ Tin Lành thấy có 4 gánh bánh mì. Mỗi gánh tuy hương vị và mức độ ngon khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm là trùm bọc ni lông bên ngoài và có gắn bảng tên: “Bánh mì dì Hoa”, “Bánh mì dì Tư”, “Bánh mì xíu mại 198”...
Hỏi chủ nhân các gánh sao không sắm xe đẩy cho khoẻ, họ cho biết, trong số đó có người đã sắm xe rồi nhưng không bán được. Người ta cứ kiếm mấy gánh bánh mì để mua nên phải trở lại kiểu bán gánh này. Có lẽ đây là điểm độc đáo riêng mà các tuyến đường khác không có.
Mới hay, đôi khi yếu tố tâm lý cũng góp phần đáng kể làm nên hương vị của món ăn.
Không cửa hàng, cửa hiệu, chỉ cần một khoảnh nhỏ bên góc phố, vỉa hè, nhưng không ít nghề đã tồn tại suốt mấy mươi năm trong lòng nội ô TP Cà Mau. Vốn liếng không cần nhiều, người làm nghề chủ yếu lấy công làm lời, “thí thân” mặc cho nắng táp mưa sa hết ngày này qua tháng nọ, nhưng nhờ đó mà gói ghém lo toan được cuộc sống gia đình.
Theo trào lưu thời đại, có nghề mới ra đời, có nghề rồi cũng dần mai một, nhưng chính sự đa dạng này tạo nên những sắc thái văn hoá, lưu giữ nét đặc trưng riêng của từng thời kỳ lịch sử đất nước trong tiến trình phát triển./.
Ông Nguyễn Chí Hướng (52 tuổi), có 32 năm gắn bó với nghề làm chìa khoá (trước làm cặp cầu Cà Mau, giờ làm ở vỉa hè Trường Mẫu giáo Sơn Ca 2, đường Lý Bôn, Phường 2). Nhờ nghề này mà nuôi được 2 người con học đại học tại TP Hồ Chí Minh. |
Không còn “thời thượng” nhưng nghề sửa, thay pin đồng hồ cũng giúp ông Nguyễn Quốc Phương (53 tuổi, góc tiệm mắt kính - đồng hồ Hải Thuỷ, đường Đề Thám, Phường 2) với 32 năm gắn bó gói ghém lo toan được cuộc sống gia đình. |
Nghề mài kiềm, kéo hơn 25 năm qua giúp ông Trần Thanh Hùng (54 tuổi, vỉa hè tiệm kiếng Cư Thành, đường Đề Thám) cùng với nghề làm móng dạo của vợ nuôi 2 con ăn học. |
Gánh bánh mì hơn 20 năm của bà Nguyễn Thị Hoa (đường Nguyễn Trãi, Phường 9). |
Với 1 bàn máy may, 1 cây dù, nép mình bên góc ngã tư Bùi Thị Trường - Nguyễn Ngọc Sanh (Phường 5), nghề sửa quần áo hơn 15 năm qua cũng giúp anh Đoàn Trường Đạt (40 tuổi) trang trải được chi tiêu gia đình, lo cho đứa con 13 tuổi ăn học. |
Làm nghề ép bọc nhựa 46 năm, bình thường thu nhập đều đều 200-300 ngàn đồng như các nghề vỉa hè, góc phố khác, nhưng vào mùa tựu trường, bà Nguyễn Thị Tuyết (63 tuổi, vỉa hè tiệm sách Việt Văn, đường Đề Thám) có thu nhập 500-700 ngàn đồng, có khi cả triệu đồng mỗi ngày. |
Nghề may, đánh xi, dán đế giày dép của bà Võ Thị Út (57 tuổi, góc tiệm mắt kính Hải Thuỷ, đường Đề Thám, Phường 2) 32 năm qua không chỉ giúp bà nuôi 3 người con mà giờ còn phụ nuôi 2 đứa cháu đang đi học. |
Trang Thăm - Thuỳ Trâm