(CMO) Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến đời sống xã hội đảo lộn. Nhất là khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì câu chuyện mưu sinh của nhiều đối tượng càng trở nên đau đáu. Họ bươn chải không chỉ vì miếng cơm manh áo của bản thân, mà còn là mắt xích quan trọng không thể thay thế của chuỗi cung ứng hàng hoá, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho mọi người. Mưu sinh mùa dịch lắm nỗi nhọc nhằn, không thiếu nguy cơ chực chờ, nhưng cũng ngời lên tinh thần, ý chí và niềm tin rồi chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Vì mình, vì xã hội
Những ngày giãn cách xã hội, với yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”, tất cả vì mục tiêu cao nhất để ngăn chặn, kiểm soát, tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19, thì nhiều người đành gác lại công ăn, chuyện làm của bản thân. Nhưng tại khu chợ nông sản thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước), người dân vẫn được địa phương bố trí khu vực bán đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nước Châu Quốc Hùng cho biết: “Là chợ nông sản nên chủ yếu đồ cây nhà lá vườn do bà con tự sản xuất. Nhiều bà con nói với anh em là nếu đứt bữa chợ thì ở nhà cũng đứt gạo ăn, vậy nên thị trấn hết sức chia sẻ để tạo điều kiện cho bà con buôn bán”.
Khu chợ được bố trí thông thoáng, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho người dân đến mua bán. |
Tất nhiên, thị trấn vẫn làm thật chặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ông Hùng cho biết thêm: “Người vào chợ phải có giấy xác nhận di chuyển, được theo dõi sức khoẻ, thực hiện 5K, tuân thủ quy định của thị trấn khi vào khu vực. Ban Quản lý chợ kiểm soát ra vào chợ đối với từng người, kiên quyết không cho vào chợ những người có nguy cơ dịch tễ”.
Bà Trần Thị Thoa (xã Ðông Hưng) đã bán ở chợ này thời gian khá lâu, bộc bạch: “Hổm rày dịch bệnh nhiều, ai cũng lo không được ngồi bán nữa. Có cái chợ này người đi chợ cũng tiện lợi, đồ rẻ, sạch. Còn tụi tui thì có đồng vô, đồng ra cầm cự qua giai đoạn khó khăn này”.
Theo ông Hùng, thị trấn có một số nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đó là từ đối tượng tài xế, tài công chở hàng và những người đi cùng phương tiện thuỷ, bộ từ khu vực ngoài vào địa bàn. Ðịa phương đang siết chặt quản lý đối tượng này cả đầu vào và đầu ra, kiên quyết không để sót lọt bất cứ trường hợp nào. Hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho tất cả các đối tượng, nếu không đáp ứng được thì dừng hết.
Một phần nữa, Cái Nước là chợ đầu mối, trung chuyển, lượng hàng hoá về khá lớn cả đường bộ và thuỷ. Nhiệm vụ của thị trấn Cái Nước là vừa phòng, chống dịch, nhưng cũng phải duy trì thông suốt các chuỗi cung ứng, hoạt động giao thương cho không chỉ địa phương mà cả những vùng lân cận khác.
Chợ thị trấn Cái Nước là chợ đầu mối trung chuyển hàng nông sản, các tiểu thương hoạt động tại đây vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt. |
Ghe khóm của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sang từ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang vượt khoảng 10 chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh đường thuỷ để chở hàng về bến tập kết tại thị trấn Cái Nước. Ông Sang cho biết: “Làm ăn mùa này vất vả hơn, nhưng phải vì công việc phòng, chống dịch chung. Các chốt, trạm cũng tạo điều kiện cho người buôn bán, còn mình phải ý thức chấp hành nghiêm theo quy định”.
Nở nụ cười tươi, ông Sang bộc bạch: “Mình còn được buôn bán là mừng lắm rồi. Người dân trồng thì bán được khóm, người mua thì có khóm ăn trong mùa dịch. Cầu mong dịch giã mau qua, cuộc sống sớm trở lại bình thường”.
Ý thức bảo vệ mình
Tại 2 bến tập kết hàng hoá của thị trấn Cái Nước, mỗi ngày có trên 30 lượt phương tiện xe tải và hàng chục ghe tàu đường thuỷ cập bến, lên xuống hàng. Lâu nay, nghiệp đoàn bốc vác của bến hàng chợ thị trấn Cái Nước luôn túc trực quân số khoảng 50 người để đáp ứng nhu cầu cho các chủ vựa, thương lái.
Chủ tịch nghiệp đoàn Văn Thanh Dũng chia sẻ: “Mùa dịch làm ăn khó khăn lắm mấy anh ơi. Hàng hoá về ít, quân số cắt giảm còn hơn 20 anh em. Lo nhất là lên xuống hàng hoá cho xe tải, ghe tàu ngoài tỉnh về, sợ lây lan dịch bệnh lắm”.
Dù cuộc sống có thắt ngặt hơn, thu nhập bấp bênh nhưng các thành viên của nghiệp đoàn vẫn miệt mài gắn bó công việc. Như lời ông Dũng nói: “Hàng hoá xuống đây, mình phải vận chuyển thì mới tới người dùng, anh em mà nghỉ, ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống chung. Nghĩ vậy nên tôi động viên anh em ráng làm, làm thật trách nhiệm trong mùa dịch, coi như góp sức cho xã hội bằng công việc của mình”.
Tại nghiệp đoàn, các quy tắc hoạt động để đảm bảo an toàn trước dịch Covid-19 được quán triệt chặt chẽ. Thành viên nghiệp đoàn không tiếp xúc, không đến gần tài xế, tài công; tự trang bị bảo hộ cho mình khi làm việc; theo dõi, khai báo sức khoẻ định kỳ.
Ðể hỗ trợ thêm anh em, nghiệp đoàn tổ chức bếp ăn tại chỗ, nơi nghỉ ngơi cho các thành viên ngay tại bến tập kết hàng hoá. Anh Lê Văn Tá, thành viên nghiệp đoàn bốc vác, chuẩn bị nấu ăn sau chuyến xuống hàng, phấn khởi: “Có bếp ăn anh em cũng đỡ tốn, đỡ di chuyển, an toàn hơn. Cái mình quan tâm nhất lúc này không chỉ là thu nhập, mà còn là phòng tránh dịch bệnh cho bản thân, cho mọi người, tại vì hổm rày đã phát hiện nhiều trường hợp tài xế, tài công mắc Covid-19. Lo nhưng phải làm thôi, công việc mà”.
Mỗi người một ý thức, một nỗ lực, một đóng góp cho cuộc sống xã hội tiếp nối và cho mục tiêu chiến thắng dịch bệnh. Những người mưu sinh giữa mùa dịch vì đặc thù công việc, vì nhu cầu thiết yếu của đời sống vẫn đang thầm lặng đóng góp công sức của mình vì mục tiêu tưởng bình thường nhưng vô cùng quan trọng ấy. Thiếu họ, xã hội sẽ không thể bình thường như vốn có. Mong họ bình an vượt qua mùa dịch, vượt qua những nỗi nhọc nhằn mưu sinh, đồng hành cùng quê hương, xứ sở đến ngày hoàn toàn chiến thắng dịch bệnh./.
Phạm Hải Nguyên