(CMO) Trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới. Trong đó, ngành chế biến nông sản đứng vào top 10.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 vừa tổ chức sáng nay, ngày 3/1.
Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh Cà Mau đạt trên 2.000 ha.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2018 đều vượt kế hoạch cả năm, GDP nông - lâm - thủy sản tăng 3,7%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 40,02%, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; giá trị thặng dư thương mại đạt 8,72%.
Ngành nông nghiệp chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 khâu đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Điểm nhấn trong năm là các địa phương đã tổ chức các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời thông qua hội nghị, diễn đàn kết nối tiêu thụ và quảng bá nông sản, giảm thiểu tình trạng ứ đọng sản phẩm, giảm thiệt hại cho người sản xuất. Nếu như năm 2017 thiệt hại do thiên tai khoảng 60 ngàn tỷ đồng, thì năm 2018 mức này giảm xuống còn 1/3.
Riêng tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 84.000 ha đất canh tác lúa, 95.000 ha rừng tập trung và hơn 300.000 ha nuôi thủy sản, 35 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất 185 ngàn tấn thành phẩm/năm. Năm 2018, tổng sản lượng khai thác thủy sản 550 ngàn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 188.750 tấn tôm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lúa đạt 520 ngàn tấn, tăng 2% so cùng kỳ năm trước; trồng mới 533,6 ha rừng, trồng sau khai thác 3.718 ha. Tổng sản phẩm (GRDCP) của toàn ngành năm 2018 đạt 11.590 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước.
Qua 8 năm thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 29 xã được công nhận đạt chuẩn. Các xã còn lại đạt bình quân đạt 13,2 tiêu chí, số tiêu chí đạt được tăng gần 4 lần so với trước khi thực hiện.
Để triển khai thực hiện đạt các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp năm 2019, nhất là sản lượng tôm đạt trên 208,5 ngàn tấn, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ sớm xem xét phê duyệt đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Bộ NN&PTNT cần quan tâm đề xuất Chính phủ tăng cường nguồn lực, đầu tư vốn để thực hiện các công trình, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là đầu tư vốn nâng cấp đê biển Tây, xây dựng mới đê biển Đông và nhiều công trình quan trọng khác để bảo vệ và đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của người dân.
Năm 2019, ngành nông nghiệp xác định hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh. Ngành đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3%; giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD; có 48-50 xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 41,85%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, vấn đề cốt lõi vẫn là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư cho ngành nông nghiệp. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. Hiện số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít, thiếu thành phần doanh nghiệp thì khó hình thành nền sản xuất lớn.
Thủ tướng nói, năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, bình quân 38% năng suất lao động bình quân chung. Việc hiện đại hóa, cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch chưa tốt, dẫn đến sản xuất luôn trong tình trạng được mùa mất giá.
Trung Đỉnh