(CMO) Hiện nay, tình trạng xây dựng các công trình, nhà cửa, buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, với nhiều vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý đối với các trường hợp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời) nằm trên tuyến đường huyết mạch từ TP Cà Mau về huyện U Minh, Trần Văn Thời và ngược lại.
Trong quá trình phát triển, nhu cầu mặt bằng sản xuất, kinh doanh của người dân tăng cao, vì thế, nhiều hộ gia đình tự ý lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) để mở rộng sản xuất, kinh doanh, khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Thống kê của UBND xã Khánh Bình, trên địa bàn xã hiện có 115 hộ xây dựng lấn chiếm hành lang ATGT với diện tích gần 11.000 m2. Ðã qua, ngành chức năng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự thu dọn hàng hoá, vật liệu, tháo dỡ biển quảng cáo, mái che vi phạm. Ða số người dân đồng tình ủng hộ việc giải toả hành lang ATGT; hàng chục biển quảng cáo, mái che, hàng hoá bày bán vi phạm được tự giác tháo dỡ, thu dọn, tạo hành lang giao thông an toàn, thông thoáng.
Ông Nguyễn Văn Phương, ở ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, cho biết: “Mua bán nên phải dựng cặp mé lộ mới thuận tiện. Tuy nhiên, khi được UBND xã tuyên truyền, vận động, biết như vậy là không an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông, nên tôi đã tháo dỡ mái che”.
Bà Lê Thị Hồng, ở ấp Kinh Hội, nói: “Ði lại trên tuyến đường này nhiều khi nguy hiểm lắm. Nhất là buổi sáng, tập trung đông người, mà họ buôn bán tràn ra đường, rồi xe lớn chạy...”.
Trong những đợt ra quân, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chây ì, quyết tâm lập lại kỷ cương ATGT trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT trên tuyến đường này lại tái diễn. Nhiều người ngang nhiên bày bán hàng hoá, đặt biển quảng cáo, đổ vật liệu xây dựng, dừng, đỗ xe chiếm toàn bộ diện tích vỉa hè, thậm chí có nơi còn tràn xuống cả lòng đường.
Nhiều hộ dân trên tuyến đường Tắc Thủ - Rạch Ráng tự ý cơi nới buôn bán kinh doanh, vi phạm hành lang lộ giới. |
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trần Văn Thời Kiều Minh Tiếng cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện nay, số hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có diện tích sử dụng đất vi phạm lộ giới, vi phạm chưa xin phép chuyển mục đích sử dụng là 3.754 trường hợp, với hơn 413.000 m2”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải và Huyện uỷ Trần Văn Thời về tăng cường quản lý kết cấu hành lang an toàn đường bộ, UBND huyện chỉ đạo triển khai thực hiện, với nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai; đề nghị UBND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện nghiêm túc công tác quản lý trật tự xây dựng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đường bộ.
Qua đó, các trường hợp vi phạm được kiểm tra, xử lý, trong đó kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm phần đất hành lang lộ giới thuộc đất Nhà nước quản lý. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định có liên quan.
Ông Kiều Minh Tiếng cho biết: “Hiện nay, đối với các tuyến đường đang thi công, phần diện tích thu hồi chỉ đảm bảo thực hiện dự án, phần còn lại thuộc hành lang lộ giới chưa được thu hồi (nhà, lều, quán...), dẫn đến khó khăn trong tuyên truyền, vận động người dân di dời, tháo dỡ. Mặt khác, các công trình đã tồn tại từ lâu, sau khi các tuyến đường được triển khai thực hiện thì vị trí công trình, nhà ở của người dân thuộc hành lang lộ giới, địa phương không đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện đền bù, giải toả, di dời”.
Mặt khác, theo quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định số 11/2010, hành lang đường bộ khu vực ngoài đô thị được quy định 13 m đối với đường cấp III; 9 m đối với đường cấp IV, cấp V và 4 m đối với đường có cấp thấp hơn cấp V (tính từ đất của đường bộ trở ra hai bên).
Tuy nhiên, theo Quyết định số 818/QÐ-UBND ngày 3/6/2013 của UBND tỉnh Cà Mau, về quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đối với đường tỉnh quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 45 m (tính từ tim đường trở ra mỗi bên 22,5 m). Do đó, hiện nay các xã, thị trấn còn lúng túng trong công tác xử lý vi phạm (xử lý vi phạm hành lang lộ giới hay vi phạm quy hoạch lộ giới, cũng như áp dụng hình thức xử lý vi phạm).
Nguồn kinh phí để thực hiện giải toả, di dời, tái định cư cho các trường hợp nằm trong khu vực hành lang lộ giới, hành lang an toàn cầu, cống, bến phà... hiện nay đối với địa phương rất hạn chế, không đảm bảo thực hiện.
UBND huyện Trần Văn Thời đã có văn bản kiến nghị Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể hướng xử lý đối với một số trường hợp như trên, cũng như xem xét báo cáo UBND tỉnh nguồn vốn để giải toả, di dời, tái định cư đối với các trường hợp nằm trong khu vực hành lang lộ giới, hành lang an toàn cầu, cống... trong trường hợp phải tổ chức thực hiện.
Song song đó, ngành chức năng của địa phương cần tăng cường quản lý, tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhằm giáo dục, răn đe người dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân./.
Lê Chí