(CMO) Bên cạnh các lực lượng vũ trang, lực lượng xung kích tại chỗ, toàn thể Nhân dân, còn có sự phối hợp với một số lực lượng Trung ương, khu vực và các tỉnh lân cận... khi xảy ra các tình huống phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Không chỉ đủ về số lượng mà các lực lượng còn đảm bảo kỹ năng, đáp ứng nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Cà Mau là một trong những tỉnh đang chịu tác động nghiêm trọng nhất của nhiều loại hình thiên tai như nước biển dâng, sạt lở bờ sông và bờ biển, hạn hán, ngập úng, mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới... Cùng với đó, địa hình bị chia cắt mạnh bởi sông ngòi chằng chịt, dân cư thưa thớt lại có hơn 77% dân số sống ở các vùng nông thôn… cũng sinh ra nhiều khó khăn, hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động PCTT.
Ðể công tác PCTT đạt hiệu cao nhất, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng và kiện toàn lực lượng PCTT, nhất là đội xung kích PCTT cấp xã. Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác PCTT&TKCN theo phương châm "4 tại chỗ", tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó thiên tai cho lực lượng làm công tác PCTT, đặc biệt là lực lượng xung kích cấp xã và người dân tại địa phương.
Các lực lượng tham gia công tác PCTT&TKCN thường xuyên được tập huấn và diễn tập để nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống. |
Với những nỗ lực ấy, hiện nay khi cần, toàn tỉnh có thể huy động hơn 26.500 người tham gia công tác PCTT. Không chỉ đảm bảo đủ số lượng mà lực lượng này luôn được tập huấn, huấn luyện và diễn tập định kỳ để không ngừng hoàn thiện kỹ năng xử lý trong tất cả các tình huống thiên tai.
Việc huấn luyện thực hành công tác PCTT thời gian qua cũng được cải tiến hơn. Cụ thể, mỗi năm tổ chức huấn luyện thực hành tại 2 huyện, với cách làm là chỉ thông báo cho huyện biết trước địa điểm vài ngày giúp địa phương luôn nêu cao tinh thần chuẩn bị ứng phó thiên tai, chủ động trước mọi tình huống thiên tai diễn ra bất thường.
Là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, ông Nguyễn Văn Quân, Khóm 3, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: "Hai tàu cá của gia đình luôn sẵn sàng cho việc huy động bất cứ lúc nào. Các thành viên trong 2 tàu này không chỉ có đủ kỹ năng xử lý trước các tình huống thiên tai trên biển mà còn có khả năng sơ cứu bước đầu khi tham gia cứu nạn trên biển".
Người dân cũng được tham gia các buổi diễn tập để nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống thiên tai.
Song song với tổ chức huấn luyện thực hành, hàng năm tỉnh triển khai nhiều lớp tập huấn, hội thảo quanh vấn đề PCTT. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức trên 16.179 cuộc tập huấn, hội thảo, vận động… với trên 494.147 người tham dự. Ngoài ra, còn tiến hành in ấn, cấp phát trên 77.711 tờ rơi, áp phích, băng rôn… tuyên truyền kỹ năng PCTT, thông tin thời tiết, cảnh báo hàng hải, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở… Tất cả đã góp phần không nhỏ nâng cao ý thức, sự hiểu biết và kỹ năng phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai cho người dân.
Ðặc biệt, trong công tác cứu hộ cứu nạn, lực lượng nòng cốt là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, lực lượng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (Hải đoàn 42), Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và đội xung kích PCTT cấp xã luôn được củng cố, kiện toàn và có kế hoạch tổ chức lực lượng, phương tiện, phân công cụ thể thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN. Ông Hoai khẳng định, các đơn vị này đã tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng khi có lệnh, nhất là tại các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm khi bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất xảy ra và cả các vụ việc thuyền viên bị mất tích, tai nạn trên biển.
Riêng trong năm 2022, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh lân cận phát thông báo, kêu gọi gần 2 ngàn tàu cá; huy động 38 tàu cá và cử 108 lượt cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm cứu nạn. Từ sự phối hợp chặt chẽ và lực lượng được huy động nhanh chóng, kịp thời, 98 người gặp nạn trên biển được cứu sống. Trên đất liền, có trên 2.300 lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng quân sự, biên phòng, công an, dân quân tự vệ… được huy động để phối hợp chính quyền địa phương giúp người dân chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn; qua đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân.
Theo thống kê, đến nay 101/101 xã, phường, thị trấn của tỉnh được củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích PCTT với tổng lực lượng trên 9.500 người được trang bị gần 49 ngàn dụng cụ, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó mọi tình huống thiên tai. Hiệu quả công tác ứng phó trong vụ việc gió mạnh, sóng lớn gây sạt lở, tràn cục bộ 6 vị trí trên tuyến đê biển Tây với tổng chiều dài 185 m vào ngày 11/7/2022 là một minh chứng cụ thể cho sự sẵn sàng này. Ngay khi các lực lượng tuần tra phát hiện và báo cáo vụ việc, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng với chính quyền địa phương huy động phương tiện, lực lượng, vật tư hộ đê theo phương châm "4 tại chỗ". Sau 4 ngày hộ đê, đã đảm bảo đê được an toàn.
Nhờ có sự chuẩn bị và huy động lực lượng mà sự cố gió mạnh, sóng lớn gây sạt lở, tràn cục bộ 6 vị trí trên tuyến đê biển Tây ngày 11/7/2022 được khắc phục nhanh chóng, hiệu quả. |
Lực lượng đang ngày một kiện toàn cả số lượng lẫn kỹ năng và luôn trong tư thế sẵn sàng được huy động sẽ là nhân tố góp phần quan trọng để công tác phòng chống, giảm nhẹ, khắc phục hậu quả các tình huống thiên tai nhanh chóng, hiệu quả hơn./.
Nguyễn Phú